Dòng người tị nạn ở biên giới Áo-Hungary ngày 20/9/2015. Ảnh: AFP

 Cuộc đàm phán ngày 21/9 giữa các Bộ trưởng Ngoại giao của Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Romania và Latvia cùng với các đối tác từ Luxembourg, hiện đang giữ chức Chủ tịch EU, nhằm mục đích giải quyết những chia rẽ giữa các quốc gia láng giềng về cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này.

Các Bộ trưởng Nội vụ EU cũng sẽ gặp nhau ngày 22/9, với hy vọng những tiến bộ đáng kể sẽ được thực hiện khi Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của EU được tổ chức vào ngày 23/9 tới.

Ngày 21/9, ít nhất 13 người tị nạn đã tử vong khi bị chìm ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ - là tổn thất mới nhất trong hành trình của những người đang cố gắng thoát khỏi các cuộc xung đột tại quê hương mình, chủ yếu ở Trung Đông và châu Phi.

Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, hơn 2.800 người đã thiệt mạng trong số nửa triệu người dấn thân vào cuộc hành trình đầy nguy hiểm qua Địa Trung Hải để đến châu Âu trong năm nay. Cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất của châu lục kể từ Thế chiến II này đồng thời cũng đã gây ra một vết nứt sâu sắc giữa các thành viên EU về việc phân phối dòng người di cư, khi một số nước Đông Âu kiên quyết phản đối kế hoạch hạn ngạch bắt buộc về người tị nạn.

Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 21/9 đã nói rằng, không một quốc gia EU nào được miễn trừ trách nhiệm chia sẻ gánh nặng tiếp nhận người tị nạn. “Không nước nào có thể được miễn trừ, nếu không, chúng ta sẽ không còn thuộc về cùng một liên minh được xây dựng dựa trên những giá trị và nguyên tắc chung,” ông nói.

Tố Quyên (lược dịch từ AFP & CNA)