Họa sĩ Đỗ Kỳ Mẫn là con trai của cố họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng, một nghệ sĩ tài hoa luôn suy tư, chiêm nghiệm về đời, về người, về cuộc sống qua những tác phẩm hội họa chuyên về sơn mài và là một cây đại thụ trong giới mỹ thuật đương đại của Thừa Thiên Huế. Nối nghiệp cha, Đỗ Kỳ Mẫn cũng tốt nghiệp đại học Mỹ thuật Huế chuyên khoa về sơn mài. Anh bảo, may mắn của anh là được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống về dòng mỹ thuật này. Ngay khi chưa ý thức rõ về nghề, anh đã được theo chân cha thực hiện một số công trình phục chế trong Hoàng thành Huế. Để rồi từ tò mò với công việc của cha, dần anh đã thích, yêu và tâm huyết đến bây giờ. Họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng không còn, nhưng sự nghiệp và tâm nguyện của ông lại đang tiếp tục với sự kế thừa theo cách riêng của hai người con trai: Đỗ Kỳ Huy giảng dạy và sáng tác; Đỗ Kỳ Mẫn thì phục chế, trùng tu và làm nội thất.
Trở lại với dự án bảo tồn và phục chế các án thờ Hoàng gia trong Đại Nội, Đỗ Kỳ Mẫn bảo đó là một cái duyên với anh. Trước, đó anh từng hợp tác thành công với Quỹ Bảo tồn văn hóa của Đại sứ quán Hoa Kỳ qua dự án phục hồi 18 tượng Phật bằng gỗ sơn son thếp vàng có từ thế kỷ 17-19, tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở TP. Hồ Chí Minh. Vì thế, khi tham gia tài trợ cho Cố đô Huế dự án phục chế các án thờ hoàng gia nhà Nguyễn, đối tác Hoa Kỳ muốn tiếp tục hợp tác với tay nghề của anh.
Thực hiện dự án, họa sĩ Đỗ Kỳ Mẫn cùng các cộng sự tuân thủ các công đoạn đúng theo quy trình tu bổ phục chế trước khi sơn son thếp vàng. Anh giới thiệu: Chúng tôi đánh giá kỹ hiện trạng hiện vật để có cơ sở phục chế hiện vật đúng như ban đầu; cạo và tẩy toàn bộ lớp sơn bên ngoài cho đến tận lớp gỗ mà không ảnh hưởng đến hình dạng cũng như những hoạ tiết dù nhỏ nhất của hiện vật. Đối với các án bị nứt, chúng tôi dùng kỹ thuật truyền thống gồm sơn sống, vải màn, giấy dó, mạt cưa và bột chu để gắn kết các vết nứt lại. Với các vết nứt lớn và sâu thì sử dụng các chất độn thô để tránh các nứt gãy phát sinh về sau do sự co dãn của vật liệu. Riêng đối với các án bị sứt mẻ hoặc thất lạc các họa tiết, chúng tôi nghiên cứu cấu kiện và mức độ hư hỏng, xác định kích thước cần thay thế, phân tích, so sánh các mẫu tiêu bản, lấy mẫu chuẩn, đục chạm, điêu khắc gỗ theo tiêu bản hoàn chỉnh để lắp ráp vào hiện vật... Sau khi hoàn thành xong phần cốt của hiện vật, chúng tôi vệ sinh sạch sẽ toàn bộ để chống nấm mốc và mối mọt, quét hóa chất bảo quản. Hiện vật tiếp tục được hom bó bằng sơn ta kết hợp với mạt cưa, đất sét hoặc đất phù sa trộn nhuyễn rồi phết lên bề mặt cần tu bổ rồi sơn lót và sơn thí. Mỗi công đoạn phải tiến hành 2,3 lần, sau mỗi lần đều phải đợi khô, mài phẳng, rồi mới sơn son, cầm và thếp vàng.
“Với kinh nghiệm tích lũy được, anh có áp lực khi trực tiếp tham gia phục chế các dự án thuộc khu di sản Huế?”. Họa sĩ Đỗ Kỳ Mẫn cười gọn: “Đó là những lúc đối diện với cái tâm của chính mình”. Rồi anh bảo: Làm mới một công trình thì quá đơn giản, nhưng phục chế thì quan trọng nhất là sản phẩm hoàn thành vẫn bảo tồn được những giá trị xưa cũ của hiện vật. Trong khi tu bổ, nguyên tắc đơn giản và tối thượng của chúng tôi là phải tôn trọng tính nguyên gốc, tính chân xác, tính toàn vẹn và sự bền vũng, chứ không phải làm cho đẹp hơn, khác với mẫu gốc. Chính vì thế mà ở không ít công trình, qua mỗi công đoạn làm màu, chúng phải thử tất cả bảng màu để so sánh, đối chiếu với những di tích khác rồi chọn lựa màu sắc chuẩn nhất để thực hiện.
“Trong những dự án trùng tu, phục chế có liên quan đến Đỗ Kỳ Mẫn ở khu di sản Huế, công trình nào khiến anh ấn tượng nhất?”. Rạng ngời ánh mắt, Đỗ Kỳ Mẫn nhẹ nhàng: “Đó là những cột gỗ trong Nhà hát Duyệt Thị Đường. Thực hiện từ năm 2002, nhưng đến nay đây vẫn là công trình hài lòng nhất. Những chiếc cột to vòng tay người ôm không xuể được ghép từ nhiều ván gỗ đã khiến chúng tôi rất băn khoăn về độ co rút vật liệu về sau. Nhưng cũng nhờ ý thức rõ điều đó, các công đoạn hom bó được làm rất kỹ. Mỗi lần ghé thăm Duyệt Thị Đường, thấy chất lượng công trình vẫn tốt, tôi rất vui”.
Nghề sơn son thếp vàng đòi hỏi cao về kỹ thuật, tính thẩm mỹ và cả sự kiên trì. Để thực hiện được một sản phẩm sơn mài truyền thống, người thợ mất rất nhiều thời gian, thực hiện qua nhiều công đoạn và các lớp sơn lại rất nhạy cảm với thời tiết nên nhiều người đã không đủ kiên nhẫn để mặn mà, gắn bó với nghề. Trước những ngả rẽ cuộc đời, Đỗ Kỳ Mẫn từng thử sức với công việc giảng dạy như cha và anh trai, nhưng anh sớm nhận ra đó không phải là nơi mà đôi chân ưa di chuyển của anh muốn gắn bó. Điều mà họa sĩ Đỗ Kỳ Mẫn muốn là được tiếp tục học hỏi nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn và cũng cống hiến nhiều hơn trong lĩnh vực phục chế, trùng tu bằng kỹ thuật sơn mài truyền thống. Trong đó, anh vẫn luôn canh cánh mong mình có đủ sức, đủ lực để tiếp nối những tâm nguyện của cha - giữ được nghề sơn mài truyền thống của Huế.
Đồng Văn