Một chương trình tâm huyết
NSND Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, đạo diễn chương trình chia sẻ: “Tôi rất vui khi lần đầu tiên, một chương trình tôn vinh những giá trị nghệ thuật ca Huế được tổ chức trong festival. Đây là cơ hội để nghệ sĩ chúng tôi tri ân các bậc nghệ nhân tiền bối, hướng đến cội nguồn, thể hiện niềm tự hào về giá trị nghệ thuật của một vùng đất, đồng thời góp phần khẳng định chất lượng nghệ thuật cũng như bản sắc độc đáo, riêng biệt của nghệ thuật ca Huế”.
Rước nghệ nhân tại sân khấu tôn vinh ca Huế |
NSND Ngọc Bình chia sẻ, khi được giao xây dựng kịch bản và làm tổng đạo diễn của chương trình, ông rất lo. Nếu biểu diễn những loại hình như ca nhạc, tạp kỹ... giữa sân khấu lớn và quảng đại công chúng thì đơn giản. Nhưng, ca Huế là một loại hình âm nhạc thính phòng mang tính tri âm, tri kỷ; tiết tấu, sự sôi động không phong phú như các loại hình ca nhạc. Giờ đưa ra biểu diễn giữa quảng đại quần chúng và làm sao để thể hiện được mục đích tôn vinh giá trị nghệ thuật ca Huế là rất khó. Điều này khiến ông nhiều đêm mất ăn, mất ngủ. “Trong những lúc suy nghĩ, tôi nhớ từng gương mặt của các nghệ nhân ca Huế hiện nay, đặc biệt là những người lớn tuổi. Sau bao năm trong nghề, truyền dạy cho biết bao thế hệ nhưng giờ nhiều người sống rất khổ. Nghĩ mà vừa thương vừa trân trọng họ. Cảm xúc đó đã hối thúc tôi suy nghĩ, nghiên cứu cách dàn dựng chương trình để tôn vinh họ, tôn vinh nghệ thuật ca Huế”. Dồn hết tâm huyết, NSND Ngọc Bình tin rằng, chương trình sẽ thành công, tạo được ấn tượng.
Ca Huế là dòng âm nhạc bác học, cung đình nhưng vốn được xuất phát từ dân gian. Từ dân gian được đưa vào cung đình và từ cung đình lại lan tỏa ra ngoài dân gian. Cho nên, nó có mối gắn kết, liên hệ rất gần gũi và song đồng cùng với dòng âm nhạc dân gian. Chính chất liệu ca Huế đã sản sinh ra các hình thái biểu diễn, như: ca ra-bộ, ca Huế múa dân gian và ca kịch Huế. Điều này đã giúp NSND Ngọc Bình hình thành cách khai thác chương trình. Vốn dĩ, ca Huế rất lựa chọn khán giả, những bài bản ca Huế sâu lắng, trữ tình được phục vụ trong không gian thính phòng tri âm, tri kỷ. Bây giờ đưa ra giữa sân khấu rộng lớn phục vụ nhiều thành phần, tầng lớp khán giả nên ngoài ca Huế cung đình, chương trình còn phát triển thêm một số tiết mục, làn điệu dân gian. Chương trình cũng đưa vào trích đoạn ca kịch Huế “Ngọn lửa tình yêu” lấy từ sự tích dân gian cây tương tư.
“Chúng tôi đưa múa dân gian và trích đoạn ca kịch Huế vào phần sau để nói lên giá trị lan tỏa của âm nhạc Huế. Đặc biệt, chương trình xuất hiện giọng ca 11 tuổi hát tặng cho các nghệ nhân, nghệ sĩ một chùm dân ca, thể hiện sự tiếp nối thế hệ đối với ca Huế.
Thỏa mãn phần xem
Sân khấu rộng, phục vụ số đông nên ngoài phần nghe, chương trình còn phải thỏa mãn phần xem bằng hoạt cảnh. Tiết mục “đinh” do nghệ nhân Thanh Tâm biểu diễn, nếu trong không gian hẹp của thính phòng với khách mộ điệu, chỉ cần nghe ca là người nghe đã thấy thấm. Nhưng biểu diễn giữa sân khấu lớn đông khán giả, bắt buộc phải kết hợp với yếu tố dàn dựng là hoạt cảnh được khai thác từ chất liệu âm nhạc, từ nội dung ca từ của câu hò mái Nhì và bài Nam Ai. Hoạt cảnh này vừa đáp ứng phần xem của khán giả vừa phụ họa, tôn thêm chất liệu âm nhạc và nội dung ca từ của câu hò mái nhì và bài Nam Ai.
Xen giữa chương trình là phần tri ân. 30 nghệ nhân tiêu biểu có quá trình cống hiến trên 30 năm, đặc biệt là những nghệ nhân, nghệ sĩ lớn tuổi đã nghỉ hưu, có uy tín, có khả năng biểu diễn, truyền dạy nghề cho các thế hệ diễn viên, nhạc công từ trước đến nay sẽ được lãnh đạo tỉnh trao quà, tặng hoa để tri ân sự cống hiến của họ. Nhiều chi tiết cũng được đưa vào chương trình để bày tỏ sự tri ân. Nghệ nhân tham gia biểu diễn được rước từ hàng ghế đại biểu lên sân khấu biểu diễn... Những chi tiết này dù nhỏ nhưng mang ý nghĩa tôn vinh sẽ tạo cảm xúc với các nghệ nhân và cả công chúng.