Đúng như ý đồ của những nguời thực hiện, một sân khấu chìm lần đầu tiên trên hồ Tịnh Tâm cùng hiệu ứng của ánh sáng và không gian rộng hơn 5 héc ta của di sản văn hóa cung đình còn nguyên sơ này đã tạo được hiệu ứng thẩm mỹ mãnh liệt. Trên nền lung linh, huyền ảo và gợi cảm xúc hoài niệm, ba loại hình nghệ thuật là di sản văn hóa thế giới, gồm Nhã nhạc Cung đình Huế, ca Trù, Quan họ cùng các loại hình nghệ thuật truyền thống khác như chèo, dân ca, các điệu lý, đồng dao…đã được hội tụ trong một chương trình vũ kịch đậm chất dân gian.
 
Một tiết mục trong chương trình Hơi thở của nước
 
Trao đổi với chúng tôi ngay sau buổi diễn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Sáng, người từng tham gia nhiều lễ hội cho rằng, đây là một chương trình nghệ thuật được lao động nghiêm túc, qui tụ các thế hệ nghệ nhân chân truyền của di sản âm nhạc Việt.
 
Là Quan họ “rin”, được hát mộc, không nhạc đệm, đã phô diễn hết vẻ đẹp của giọng rung, luyến, láy. Là Nhã nhạc với CLB Nhã nhạc Phú Xuân cùng cây đại thụ Trần Kích và những hậu duệ được  truyền nghề từ trứng nước. Là Ca trù với thế hệ “F1” như nghệ nhân Bạch Dương…Và điều đáng mừng  là những di sản chân truyền này, khi hòa quyện với nghệ thuật đương đại như Word music, múa, sắp đặt…đã không đem đến  một cái gì quá mới.
 
Như những lớp kịch, chương trình đã dẫn dắt người xem vào câu chuyện tình lãng mạn của một thôn nữ Kinh Bắc, được tuyển làm cung nữ. Trên hành trình cô đơn này, cô gái không nguôi hoài niệm về quãng thời gian tươi đẹp bên người yêu ở làng quê. Mạch cảm xúc ấy  như sợi chỉ dẫn dắt khán giả đi qua không gian văn hóa làng quê, tái hiện sinh động các đêm hội làng, những đứa trẻ thả diều, hát dồng dao…, tiếp nối không gian văn hóa cung đình, và cuối cùng, trở về với sự mộc mạc đồng quê.
 
Chương trình khép lại, trong không gian thanh bình làng mạc, đọng lại trong tâm thức người nghe tiếng gà gáy sáng, tiếng cười trẻ thơ, tiếng gõ mạn thuyền …trên nền bầu trời đêm tinh khiết của bình minh sắp lên…Nói như ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thì sự xoay vòng không gian này còn như một lời nhắn nhủ, về tâm thức nguồn cội.  
 
Bươn bả tận làng quê quan họ Bắc Ninh vào Huế để có mặt tại xem chương trình, chị Trần Thị Huyền Trang cùng chồng và cô con gái nhỏ xúc động: Chưa bao giờ chúng tôi được xem một chương trình nghệ thuật lớn, lộng lẫy và hay như thế này.
 
Tận dụng tối đa hiệu ứng nước trong chương trình Vẻ đẹp Việt II lần này, Tổng đạo diễn, NSUT chèo Lương Tử Đức cho rằng, đó là ý đồ nghệ thuật bởi nước là không gian đặc trưng của Văn hóa Việt. Ở đó, đã sản sinh ra những dòng chảy văn hóa bất tử cho dân tộc. Một lần nữa, dòng chảy ấy đã ngược trở về trên hồ Tịnh, với khát vọng trường tồn trong các đêm 6, 9 và 11-6, như một nốt trầm sâu lắng trong bữa đại tiệc văn hóa sôi động của Festival Huế 2010.
 
Riêng với 350 diễn viên, nghệ sĩ tham gia biểu diễn, đây là một hành trình nhớ đời. Như 40 chiến sĩ trẻ của Tiểu đoàn 19, Thừa Thiên Huế và 40 diễn viên nhí của chùa Bảo Quốc, Thiên Mụ, lần đầu lên sân khấu trong vai các trai làng muá võ và chơi diều đèn…Riêng NSUT ca Huế Thanh Tâm bật mí: Để khỏi ngã trên sân khấu chìm bám đầy rêu trơn trượt, các nghệ sĩ phải căng thẳng đến toát mồ hôi. Nhưng không gian quá lộng lẫy ở hồ Tịnh và ý tưởng quá ý nghĩa của chương trình đã khiến mọi người đã cháy hết mình vào mỗi câu hát…
 
Và với nhiều nguời dân Huế khác, họ chợt giật mình nhận ra, hồ Tịnh Tâm quá đẹp. Nhưng lâu nay, di sản văn hóa độc đáo chốn  kinh kỳ này lại bị lãng quên.
 
                                                                                                Nhật Nguyên