Biến động giá điện luôn làm nóng dư luận xã hội. Người ta bảo phải tăng giá điện, phải tính giá theo mùa, theo mức sử dụng, vân vân và vân vân thì Tập đoàn Điện lực (EVN) mới sống nổi. EVN có sống thì mới có điện bán cho bà con và các doanh nghiệp.

Sở dĩ tăng giá điện làm nhiều người bức xúc vì nó động đến tất cả chúng ta, gần 100 triệu người Việt Nam và tất cả các doanh nghiệp. Sở dĩ người dân bất bình do họ cảm thấy chưa minh bạch, bất công…cho nên nhiều người phản đối kịch liệt những kế hoạch tăng giá của EVN.

Sự căng thẳng hay xung đột như vậy về giá điện (giữa hai loại ý kiến trên) là vấn đề muôn thủa. Và nghe có vẻ ai cũng có lý của mình.

Những người có quyền lợi với người bán có động lực tự nhiên đòi tăng giá. Họ muốn tăng giá vì đấy là cách dễ nhất để họ tăng lợi nhuận và tăng thu nhập của họ. Những người người mua hiển nhiên muốn giá càng thấp càng tốt. Giữa hai nhóm (người và tổ chức) này do có những động lực tự nhiên ngược nhau nên giữa họ luôn xuất hiện sự căng thẳng liên quan đến giá. Và việc giải quyết sự căng thẳng này sẽ quyết định giá bán trong mối quan hệ mua-bán.

Nếu có nhiều người bán (hay có mặt hàng thay thế) thì người mua có nhiều quyền hơn trong quan hệ mua-bán; nếu giá cao họ mua của người bán khác hay mua thứ thay thế. Đối với các mặt hàng như vậy thị trường bị chi phối bởi người mua và người bán phải chiều theo sở thích của người mua trên các thị trường cạnh tranh này. Và cách hay nhất là chủ yếu để cho thị trường điều tiết giá.

Điện không phải là mặt hàng có thể thay thế và thị trường bán lẻ điện tại một địa bàn cụ thể thường chỉ có duy nhất một người bán. Người bán ở thế mạnh hơn người mua nên thị trường tự do không phải là cách điều tiết tốt. Việc hô hào cứ để cho thị trường điều tiết giá trong trường hợp này là không tốt.

Nếu để cho thị trường tự do điều tiết thì người mua sẽ luôn bị lép vế trong quan hệ mua-bán và đành chấp nhận giá do người bán áp đặt. Trong trường hợp độc quyền như vậy thì người mua phải hợp sức lại trong các tổ chức (nhà nước, các tổ chức xã hội dân sự, báo chí …) để cưỡng lại sự tăng giá tùy tiện của người bán.

Thường người ta thường chỉ nhắc tới nhà nước phải can thiệp trong những trường hợp như vậy. Lưu ý rằng nhà nước chỉ là một trong các tổ chức như vậy và cơ quan nhà nước cụ thể (thường là một cơ quan điều tiết độc lập do nhà nước lập ra) và cách can thiệp của nó (được quy định bởi một luật riêng) mới quan trọng chứ không phải chính phủ hay bộ này bộ nọ.

Như thế sự thương lượng (mặc cả) tay đôi (hay nhiều bên) giữa những người bán và đại diện của những người mua (các cơ quan điều tiết) dưới sức ép của các tổ chức khác (báo chí, hiệp hội người dùng điện) theo những quy tắc được xác định một cách minh bạch sẽ quyết định khung định giá bán lẻ điện.

Nên để các công ty bán lẻ điện độc lập với nhau. Trong khung khổ định giá đó các công ty độc lập bán lẻ điện này có thể tự chủ điều chỉnh theo hoàn cảnh cụ thể của họ và nên cho phép các công ty bán lẻ điện ở các địa bàn khác nhau đó có thể lấn sân nhau để thu hút khách hàng (tức là tạo ra một chút cạnh tranh giữa chúng và cho phép chúng “thôn tính” một phần của nhau) có thể tạo ra sự ganh đua nào đó giữa chúng.

Nói cách khác phải xem xét lại cách tổ chức toàn bộ hệ thống các doanh nghiệp điện (các nhà máy sản xuất như các doanh nghiệp độc lập hoạt động theo cơ chế thị trường; các công ty truyền tải là các công ty công ích; các công ty bán buôn điện theo quy chế riêng; các công ty bán lẻ điện như nói ở trên) và thiết lập cơ quan điều tiết năng lượng độc lập. Chỉ có “tái cấu trúc” triệt để như vậy một cách minh bạch mới là cách tốt để giải quyết mối căng thẳng thường xuyên về giá điện giữa những người bán điện và những người mua điện sao cho các bên đều có thể chấp nhận được và có lợi nhất cho sự phát triển đất nước.

Theo Dân Việt