Đậm chất Huế

Đạo diễn Đinh Anh Dũng cho biết, địa điểm tổ chức chương trình áo dài trong Festival Huế 2016 là sân khấu Bia Quốc Học. Trước ngôi trường nổi tiếng và địa điểm chính cũng được đặt tại vị trí đậm chất Huế, không gian sân khấu sẽ được trang hoàng bằng những chiếc nón lá hợp với phong cách của cố đô thơ mộng.

Bộ sưu tập “Sóng nước Hương Giang” của nhà thiết kế Việt Hùng

Chương trình áo dài năm nay không chỉ là đêm thời trang thuần túy. Cách dàn dựng chương trình xuyên suốt đưa người xem lạc vào không gian xứ Huế mộng mơ trên nền nhạc Huế. Đan xen phần trình diễn những bộ sưu tập (BST) áo dài của các nhà thiết kế (NTK) là tiết mục ca nhạc do những danh ca đã thành công với các ca khúc viết về cố đô, như: Quang Linh, Vân Khánh, Bảo Yến… Đặc biệt, lời bình (lời dẫn) được nhà thơ Đỗ Trung Quân viết và đọc sẽ thể hiện một âm hưởng Huế, giúp những tà áo dài dễ dàng “khoe” được nét đẹp tự nhiên của người phụ nữ Việt Nam nói chung và cô gái Huế nói riêng. “Chúng tôi dàn dựng, kết hợp giữa các bài hát, âm nhạc, lời dẫn, ánh sáng, hình ảnh trên sân khấu và trên các màn hình,…để tạo ra một Huế quyến rũ như huyền thoại”, ông Dũng tiết lộ.

Những nghệ sĩ, người mẫu trình diễn trong chương trình áo dài “Nơi huyền thoại bắt đầu” là sự thể hiện cho ý tưởng chương trình hướng về Huế. Đạo diễn Đinh Anh Dũng cho biết, ngoài 30 người mẫu chuyên nghiệp, hoa hậu, hoa khôi đến từ khắp mọi miền đất nước, khoảng 50 người mẫu còn lại là nghệ sĩ của Huế sẽ đem đến những phong cách trình diễn mới lạ. Cũng tại chương trình, sự xuất hiện của 100 nữ sinh Huế trong trang phục áo dài như một điểm nhấn mộc mạc và rất thực. Theo đạo diễn những diễn viên, người mẫu Huế kết hợp với không gian sân khấu được dàn dựng theo màu sắc cố đô tạo cho người xem có cảm giác được hòa mình vào chương trình, được sống ở Huế, với những hình ảnh của mảnh đất đã đi vào thơ ca, nhạc họa.

Vòng tay kết nối

Chương trình áo dài tại Festival Huế 2016 có sự góp mặt của 9 nhà thiết kế (NTK) từ ba miền Bắc, Trung, Nam. Mỗi NTK có một ý tưởng sáng tạo, quan điểm nghệ thuật và phong cách riêng tạo ra sự đa dạng cho loại trang phục được xem là quốc phục.

Bộ sưu tập của nhà thiết kế Viết Bảo

Bên cạnh những NTK người Huế như Viết Bảo, Khánh Shyna, các NTK đến từ các tỉnh thành bạn, như Sĩ Hoàng, Đức Hùng, Liên Hương, Thư - Ngân An,… đều mong muốn cống hiến cho người dân Huế và du khách khắp nơi một đêm diễn tôn vinh loại trang phục áo dài đa dạng phong cách xưa và nay, vừa mang đậm tính cổ điển nhưng cũng thể hiện được sắc màu hiện đại, có thể kể đến như BST “Áo dài xưa và nay”, “Giao thoa” (NTK Sĩ Hoàng), “Dáng xưa” (NTK Lê Thanh Phương), “Sóng nước Hương Giang” (NTK Việt Hùng).

NTK Thư-Ngân An (Bộ sưu tập “Duyên”) cho rằng, đến với Festival Huế là một chữ duyên. “Là nhà thiết kế người Hà Nội, tôi muốn đưa đến lễ hội áo dài một nét duyên của người Tràng An. Bản thân đường cong của người phụ nữ đã là một nét duyên, sự mềm mại của tà áo dài là một nét duyên, mỗi loài hoa cũng có những nét duyên của nó và tone màu pastel cũng góp phần tạo duyên cho bộ sưu tập. Chiếc khăn vấn của người Hà Nội xưa cũng sẽ là điểm nhấn cho nét duyên của bộ sưu tập. Bộ sưu tập “Duyên” gửi tới Festival Huế một nét thanh lịch, trang nhã của áo dài Hà Nội. Đó cũng là nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam”, NTK Thư-Ngân An cho hay.

Bà Nguyễn Thị Uyên Phương, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Hạnh Phúc Việt Nam, Giám đốc sản xuất chương trình áo dài “Nơi huyền thoại bắt đầu” cho biết, tuy đến từ ba vùng miền, nhưng ý tưởng của chương trình là hướng về Huế nên cách dàn dựng sẽ vừa mang dấu ấn nghệ thuật của từng NTK nhưng cũng thể hiện được nét Huế. “Bắc – Trung – Nam là một nhà. Chương trình như một vòng tay kết nối nhau lại gửi những tâm tư của từng vùng miền đến Huế”, bà Uyên khẳng định.

Đằng sau dấu ấn nghệ thuật, chương trình áo dài “Nơi huyền thoại bắt đầu” (được tổ chức lúc 20h00 ngày 30/4) hứa hẹn còn tạo cho người xem những bất ngờ, những ấn tượng đẹp và luyến lưu trong lòng du khách.

Bài, ảnh: LÊ HỮU PHÚC