Sáng nay (3/7), TS thi môn tự chọn thứ 2 là địa lý, môn có tỷ lệ  tự chọn cao của cụm 33, với trên 80% TS tham gia, thời gian làm bài 180 phút. Kết thúc buổi thi, nhiều TS ra về với gương mặt vui vẻ. Buổi chiều, khi các trường thi cụm 39 đông trở lại thì cụm 33 chỉ còn 181 TS thi môn hoá, thời gian làm bài là 90 phút.

Tại điểm thi Trường ĐH Y Dược

Mỉm cười” với môn địa lý

Địa lý là môn thi tự chọn nên lượng TS cụm 39 do Đại học (ĐH) Huế chủ trì giảm nhiều. Có 6/10 điểm thi  tại Trường ĐH Y Dược, Trường ĐH Luật, Trường ĐH Sư phạm B, Trường ĐH Khoa học A, Trường ĐH Ngoại ngữ A và Trường ĐH Kinh tế, với 91 phòng thi hoạt động.

Cụm 33 do Sở GD&ĐT chủ trì sau buổi chiều 2/7 được nghỉ ngơi, TS giảm mạnh; sáng 3/7, 100% các trường thi trở lại hoạt động với 2.902 TS dự thi.

Các điểm thi đã được Sở GD&ĐT chọn lựa để bảo đảm an ninh “vòng ngoài” nên công tác bảo an nhẹ nhàng. Trừ điểm thi Hai Bà Trưng còn duy trì đội tình nguyện, các trường thi như Hương Vinh, trước cửa chỉ vài nhóm phụ huynh ở xa ngồi chờ con.

Khác với điểm thi tại Trường THPT Hương Vinh, đúng 10h 30 mới mở cổng, khiến cho rất nhiều TS phải chịu cảnh đứng nắng vào trưa thì còn 15 phút mới hết giờ làm bài, nhiều TS ở điểm thi Hai Bà Trưng đã ra cổng.

Đề địa lý được TS đánh giá tương đối dễ. Đặng Phước Sơn (Trường THPT Nguyễn Chí Thanh) phấn khởi: “Em không chuyên môn địa lý nhưng cũng làm được hết, khả năng được 7 điểm”.

Nhiều sĩ tử đánh giá, đề thi môn địa lý năm nay không khó hơn năm ngoái. Nhất là câu dựa vào Atlat địa lý Việt Nam và câu vẽ biểu đồ. Đề không có tính chất đánh đố TS và có liên quan đến tính thời sự ở câu cuối cùng về tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Bạch Ngọc Huy (Trường THPT Bùi Thị Xuân) cho biết, đề thi đòi hỏi tư duy, nhưng không đánh đố nên dễ làm bài.

Với môn hóa học, hầu hết TS đều nhận định khó. Cái Văn Trung, thi ở điểm Trường ĐH Sư phạm than thở: “Những câu lý thuyết thì em và nhiều bạn làm được nhưng bài tập thì khó và đòi hỏi tốn nhiều thời gian mới giải được. Em làm không kịp giờ”.

Mức điểm trung bình mà một số TS chọn môn hóa học để xét đại học nghĩ sẽ đạt được là khoảng 6 – 7. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, với đề này, nhiều TS giỏi hóa cũng khó lấy được điểm 9 – 10.

“Xuất hiện”… biên bản

Buổi sáng, cụm 39 có 52 TS vắng mặt, (đạt 98,5% có mặt); 1 TS tại điểm thi Trường ĐH Y Dược bị đình chỉ do đem điện thoại vào phòng thi. Buổi chiều, có 81 TS vắng mặt, tỷ lệ TS dự thi đạt 98,42%; không có TS và cán bộ vi phạm quy chế thi. Cụm 33 không có TS vắng,  buổi sáng, 1 thí sinh (học viên thuộc Trung tâm Giáo dục thường xuyên) tại điểm thi đặt ở Trường THPT Phong Điền bị lập biên bản đình chỉ vì mang tài liệu vào phòng thi. Đây là biên bản đầu tiên, duy nhất sau 6 buổi thi của cụm 33.

Chiều 3/7, đối với TS khối A, B là một thách thức không nhỏ vì hoá là 1 trong 3 môn chính. Cụm 39, có 7/10 điểm thi tổ chức hội đồng thi. (3 điểm thi còn lại là: Trường ĐH Luật, Trường ĐH Sư phạm A và Trường ĐH Khoa học A). Trong khi đó, cụm 33 lại “thu hẹp” vì chỉ có 181 TS.

Tiến sĩ Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, chỉ còn 10/12 cụm thi hoạt động, 2 cụm không tổ chức thi là tại Trường THPT Vinh Lộc và THPT Thừa Lưu (Phú Lộc).

Nhiều điểm thi chỉ có 1, 2 TS như THPT Phú Lộc (Phú Lộc): 1 TS; THPT Vinh Xuân (Phú Vang): 2 TS; THPT Nam Đông: 4 TS; THPT Thừa Lưu: 5 TS; THPT Phú Bài: 10 TS; THPT Phong Điền: 11 TS; THPT Hương Vinh: 22 TS. Hai điểm thi đông nhất là THPT Hai Bà Trưng và THPT A Lưới đều có 59 TS dự thi với 2 phòng.

Tiếp xúc với phụ huynh và TS ở một điểm thi “đơn” - cách gọi mới của phụ huynh và TS về kỳ thi của cụm 33, có thể thấy việc tổ chức hai cụm thi hiện nay đã đặt ra nhiều vấn đề. Đó là có nên tồn tại hai cụm thi như hiện nay không?

Với 181 TS, hầu hết các điểm thi vắng vẻ. Hôm nay (4/7), môn sử buổi sáng cụm 33 có 135 TS, buổi chiều thi sinh có 593 TS… Nhiều phụ huynh trong lúc chờ đợi con em cho rằng, với số TS ít ỏi như vậy mà duy trì một trường thi thì quá lãng phí...

Bài, ảnh: Giang-Phúc-Quang