Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về chương trình xúc tiến thương mại năm 2016 và phát triển thị trường sản phẩm đặc sản Huế giai đoạn 2016-2020; thời gian qua sở đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ phát triển thương hiệu và kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông- đặc sản và hàng TCMN. Đó là xây dựng “Con dấu nhận diện sản phẩm TCMN Huế” nhằm tạo một thương hiệu có tính tập thể, tính hệ thống, nổi bật, khẳng định thế mạnh của địa phương; xây dựng và vận hành “Cổng thương mại điện tử sản phẩm Huế” với mục đích đẩy mạnh việc quảng bá các sản phẩm, thương hiệu uy tín của tỉnh, thúc đẩy phát triển sản xuất, mở rộng thị trường.

Ngoài hai chương trình trên các DN, cơ sở còn nhận được sự hỗ trợ gì để tạo sản phẩm mới, thưa ông?

Thông qua hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại, các DN,  cơ sở sản xuất sản phẩm nông- đặc sản và hàng TCMN được hỗ trợ vốn để đầu tư công nghệ thiết bị tiên tiến, cải tiến mẫu mã và mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Từ đó, nhiều sản phẩm có chất lượng ra đời, mở ra cơ hội mới trong việc xuất khẩu và phục vụ khách du lịch. Trong năm 2016, nguồn vốn khuyến công đã hỗ trợ gần 3 tỷ đồng cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc, đào tạo nghề và thiết kế mẫu mã mới.

Ông có thể cho biết những kết quả đạt được của công tác kết nối trong năm 2016? 

Đến nay, Siêu thị Co.opMart Huế đã khai thác được trên 20 nhà cung cấp và Siêu thị Big C Huế hiện có trên 10 nhà cung cấp các sản phẩm nông- đặc sản của tỉnh để làm đầu mối, cung ứng cho chuỗi siêu thị trong cả nước. Nhiều DN của tỉnh đã nỗ lực tìm kiếm được các đại lý, nhà phân phối ngoại tỉnh như Cơ sở sản xuất thực phẩm Tâm Huế đã đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại Siêu thị Tứ Sơn (An Giang) và đang kết nối đưa sản phẩm vào siêu thị Co.opMart tại TP. Hồ Chí Minh; Cơ sở trà cung đình Đức Phượng đã đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại Siêu thị Tứ Sơn và đang xúc tiến đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại hệ thống cửa hàng của Tập đoàn Quế Lâm; Công ty TNHH sản xuất tinh dầu Kim Vui tìm kiếm được các đại lý tiêu thụ tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh; Cơ sở tranh đồng Đại Nghĩa tìm được các đại lý tiêu thụ tại Hà Nội, Đà Nẵng… Hiện, sở đang tiếp tục triển khai các hoạt động, đẩy mạnh xúc tiến kết nối tiêu thụ cho các sản phẩm nông- đặc sản như dầu tràm, mắm, nước mắm, ruốc, tôm chua, bún Vân Cù, vịt trời nuôi, thịt heo rừng nuôi, gạo chất lượng cao, các loại nấm.

Thông qua các hội nghị kết nối, sản phẩm trà cung đình Đức Phượng đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước

Các hoạt động kết nối, quảng bá cho các sản phẩm nông- đặc sản, TCMN của tỉnh được triển khai tạo cơ hội cho các DN, HTX, hộ kinh doanh của tỉnh tạo lập, duy trì và phát triển các mối quan hệ hợp tác, liên kết tiêu thụ lâu dài. Tuy nhiên, việc triển khai các nội dung hỗ trợ phát triển thương hiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn do một số sở, ngành, địa phương triển khai các hoạt động thiếu quyết liệt; các nhà cung cấp địa phương do quy mô và nguồn lực còn hạn chế nên gặp nhiều khó khăn trong việc giới thiệu sản phẩm, duy trì và phát triển sản xuất, mở rộng thị trường.

Ông có thể cho biết kế hoạch kết nối tiêu thụ sản phẩm nông- đặc sản và hàng TCMN trong thời gian tới là gì?

Trưng bày sản phẩm nông- đặc sản Huế tại các hội thảo, hội nghị kết nối cung cầu

Ngày 21/12/2016, sở sẽ tổ chức chương trình kết nối, phát triển thị trường sản phẩm nông- đặc sản, TCMN tại Trung tâm Dịch vụ du lịch Hương Giang với sự tham gia của các nhà phân phối lớn trong cả nước kết nối với các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Đây là hoạt động hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông- đặc sản, hàng TCMN của tỉnh trong việc mở rộng thị trường; trao đổi, học tập kinh nghiệm các kiến thức liên quan trong sản xuất, cung ứng và tiêu thụ. Ngoài ra, chương trình còn tạo môi trường đối thoại giữa các nhà cung cấp, nhà phân phối và các cơ quan quản lý nhà nước để giải đáp, hướng dẫn, tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc, tồn tại của các nhà cung cấp trong quá trình kết nối.

Năm 2017, thông qua các nguồn vốn khôi phục và phát triển nghề, khuyến công và xúc tiến thương mại, sở tiếp tục khảo sát, hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề nhằm tạo điều kiện để các DN, cơ sở đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh doanh nhằm tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, giá cả phù hợp để cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các tỉnh, thành trong cả nước. 

Hương- Minh (thực hiện)