Các ứng cử viên cánh tả tranh luận truyền hình trực tiếp. (Nguồn: AFP)

Đây là cuộc tranh luận đầu tiên trong khuôn khổ vòng sơ bộ của cánh tả nhằm chọn ra gương mặt tiêu biểu đại diện ra tranh cử tổng thống Pháp tại cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 5 sắp tới. 

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, tham gia cuộc tranh luận lần này, đảng Xã hội có 4 ứng cử viên là cựu Thủ tướng Manuel Valls, cựu Bộ trưởng Kinh tế Arnault Montebourg, cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoît Hamon, và một cựu Bộ trưởng Giáo dục khác là Vincent Peillon. 

Ba ứng cử viên còn lại đến từ những đảng rất nhỏ nằm trong liên minh cánh tả. Đó là cựu Bộ trưởng Nhà ở Sylvia Pinel, đại diện cho đảng Cánh tả cấp tiến (PRG); Chủ tịch đảng Mặt trận Dân chủ (FD) Jean-Luc Bennahmias và François de Rugy (Chủ tịch đảng Sinh thái (PE). Như vậy, vòng đua sơ bộ vắng mặt đại diện của hai đảng vốn nằm trong liên minh cánh tả truyền thống là đảng Xanh (EELV) và đảng Cánh tả do các đảng này từ chối tham gia và đã tự chọn đại diện của mình cho cuộc đua vào điện Elysée. 

Trong số 7 ứng cử viên của cánh tả, cựu Thủ tướng Manuel Valls là gương mặt nổi bật do ông là người có nhiều kinh nghiệm nhất trong việc chỉ đạo và điều hành chính phủ. Ông nổi tiếng là người kiên quyết và cứng rắn, biết cách thể hiện quyền lực để đạt được mục tiêu. Trong thời gian làm thủ tướng, ông đã sáu lần sử dụng điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua hai dự luật bằng việc cam kết trách nhiệm của chính phủ mà không cần hạ viện phải bỏ phiếu. 

Một trong số hai dự luật được thông qua như vậy là luật Lao động sửa đổi, một dự luật gây tranh cãi và là nguyên nhân dẫn đến làn sóng biểu tình kéo dài nhiều tháng trên toàn nước Pháp trong năm qua. Chính vì vậy, cựu Thủ tướng Manuel Valls cũng bị đánh giá là người độc đoán, có lập trường thân giới doanh nghiệp và chủ trương một Nhà nước thế tục cứng nhắc. Ông tranh cử lần này với khẩu hiệu: “Vì một nền cộng hòa vững mạnh và một nước Pháp bảo vệ công lý.” 

Đối thủ của ông tại vòng đua sơ bộ cánh tả là cựu Bộ trưởng Kinh tế Arnaud Montebourg và cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoît Hamon – những người đại diện cho phái tả trong cánh tả. Do bất đồng về quan điểm phát triển kinh tế và mô hình xã hội, hai vị cựu bộ trưởng cùng với một số người khác đã lập thành nhóm những người “bất mãn” ngay trong nội bộ đảng Xã hội, khiến đảng Xã hội bị chia rẽ sâu sắc. Họ phản đối mạnh mẽ đường lối phát triển kinh tế của Tổng thống Francois Hollande và Thủ tướng M. Valls, cho rằng cặp đôi điều hành chính phủ phải chịu trách nhiệm về bảng thành tích nghèo nàn trong nhiệm kỳ vừa qua khi cánh tả cầm quyền.

Tại cuộc tranh luận, mỗi ứng cử viên có 17 phút để trình bày cương lĩnh tranh cử và chương trình hành động của mình. Các ứng cử viên đã lần lượt trình bày quan điểm về các vấn đề nổi bật trong đời sống kinh tế-xã hội của Pháp và các giải pháp nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp, tạo việc làm, tăng sức mua cho người dân, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp… Một trong những chủ đề gây chia rẽ là đề xuất của ứng cử viên Benoît Hamon về việc áp dụng chế độ phân bổ thu nhập toàn dân với mức hỗ trợ 800-850 euro/tháng nhằm thể hiện tình đoàn kết. Quan điểm này vấp phải sự phản đối của các ứng cử viên khác theo đó, việc làm này sẽ khiến ngân sách nhà nước tiếp tục thâm hụt nặng và bài toán việc làm vẫn không thể giải quyết. Trong phần hai, các ứng cử viên đã trình bày quan điểm về các vấn đề an ninh, chống khủng bố, việc gia hạn “Tình trạng khẩn cấp,” chống cực đoan hóa trong một bộ phận thanh niên.

Sau hơn hai giờ tranh luận, cựu Thủ tướng Manuel Valls chưa thể hiện được sự bứt phá mạnh so với các ứng cử viên khác. Mặc dù vậy, cùng với cựu Bộ trưởng Kinh tế Arnaud Montebourg, ông vẫn là một trong số hai ứng cử viên tỏ ra thuyết phục nhất, theo cuộc thăm dò nhanh trên báo điện tử Le Figaro. Tỷ lệ ủng hộ tuy chưa thực sự cao nhưng cũng cho thấy, ông cũng đã tránh được kịch bản xấu khi những người phản đối ông trong cánh tả muốn làm tất cả để chống lại ông. Đây là điều đã làm những người ủng hộ ông lo lắng trong những ngày qua.

Trước mắt, các ứng cử viên còn hai cuộc tranh luận diễn ra vào ngày 15/1 và 19/1 để thuyết phục cử tri. Theo kế hoạch, hai vòng của cuộc bầu cử sơ bộ cánh tả sẽ diễn ra vào các ngày 22 và 29/1./. 

Theo Vietnam+