Từ trái sang phải: HS. Hoàng Đăng Nhuận, HS. Phan Ngọc Minh, HS. Đinh Cường và HS. Đặng Mậu Tựu

Số lượng tranh của buổi triển lãm khá khiêm tốn, 40 bức bao gồm tranh của cả 3 họa sĩ. Thế nhưng, số lượng người yêu nghệ thuật đến xem lại rất đông đảo. Có lẽ tên tuổi của 3 hoạ sĩ đã khiến người xem tò mò khi đã lâu họ không cùng tổ chức triển lãm.

Họa sĩ Đinh Cường sinh năm 1939 tại Thủ Dầu Một. Ông sống ở Huế, Đà Lạt và Sài Gòn cho tới năm 1989. Hiện ông cư ngụ tại Burke, Virginia, Hoa Kỳ. Ông là học sinh trường Pétrus Ký Sài Gòn, tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật Huế năm 1963 và tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Quốc Gia Sài Gòn năm 1964. Ông từng giảng dạy tại trường Đồng Khánh và sau đó là Trường Mỹ Thuật Huế. Trong suốt thời gian từ năm 1965 tới 2006, ông đã 25 lần tổ chức triển lãm độc lập và 21 lần tham dự các cuộc triển lãm tập thể. Ông cũng từng đoạt huy chương bạc liên tiếp hai năm 1962, 1963 tại Triển Lãm Xuân, Sài Gòn và đoạt giải danh dự của Tòa Đại Sứ Trung Hoa tại Sài Gòn.
 

2 người ngồi trên chiếc ghế cũ kĩ – tranh của
Hs. Đinh Cường                               
 
Họa sĩ Đinh Cường thích vẽ về đề tài phụ nữ. Giống như trong nhạc Trịnh Công Sơn, hình ảnh người phụ nữ trong tranh của Đinh Cường thường mang vẻ đẹp mỏng manh gam màu vừa trang nhã, u buồn lại vừa bảng lảng, thơ mộng và đầy sương khói. 35 năm xa Huế, nay trở về mở cuộc triển lãm cùng 2 người bạn thân, hoạ sĩ Đinh Cường đã giới thiệu những tác phẩm ông vừa mới hoàn thành trong năm 2010 về đề tài này. Người xem lại có dịp hội ngộ với một Đinh Cường tài hoa, đầy tinh tế. Đặc biệt hơn, hàng loạt chân dung văn nghệ sĩ quá cố gồm: Bửu Chỉ, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Ngô Kha, Thái Ngọc San... qua nét vẽ của cây cọ tài danh Đinh Cường được người xem đón nhận trong sự ngỡ ngàng.
 
Sau cơn tai biến tưởng như không thể bình phục, hiện nay, hoạ sĩ Hoàng Đăng Nhuận đã có thể đi lại. Cuộc triển lãm dường như khiến cho ông trở nên phấn chấn hơn. Mặc dù chỉ tham gia triển lãm với 5 bức tranh được vẽ từ ngày còn mạnh khoẻ nhưng tranh của ông cũng thu hút đông đảo người xem.
 
Từ cuộc triển lãm đầu tiên từ năm 1969 tại Đà Nẵng, Hoàng Đăng Nhuận đã thực sự bước vào cuộc sống bằng bước chân của người nghệ sĩ. Không được đào tạo qua trường lớp chuyên nghiệp nhưng ông đã tự khẳng định mình qua 15 cuộc triển lãm cá nhân ở các nước Pháp, Đức, Ba Lan, Bulgaria, Liên Xô, Tiệp Khắc (cũ).
 
Cảm nhận về tranh ông, họa sĩ Trịnh Công Sơn viết: “Tranh Nhuận là những tấm thảm nhiều màu, thiếu vắng hoàn toàn hình thể. Với một khối lượng màu khá đông đảo trên mỗi bức tranh, tôi đã ngạc nhiên thấy rằng tranh Nhuận không hề có cái vẻ rực rỡ của những mùa nắng ở miền nhiệt đới. Tôi bỗng đâm ra hồ nghi về một mối phiền não hay tai ương nào đó đang ẩn kín đâu đó trong đời Nhuận”.
 

Có gì đâu một chút nắng vàng – tranh của HS. Hoàng Đăng Nhuận
 
5 bức tranh ông ra mắt tại triển lãm này tuyệt nhiên không thấy màu rêu phủ, không thấy màu thạch thảo xanh xám buồn thảm, không những khu phố phủ trắng sương, không những vệt màu vung vẩy nhiều tâm trạng. Căn nhà có hoa tigôn, Có gì đâu một chút nắng vàng, phố… mà ông ra mắt trong dịp này có nét buồn thơ mộng nhưng đều trong trẻo và rạng rỡ như đôi mắt trẻ thơ ngơ ngác giữa phố phường tấp nập.
 
Họa sĩ gốc Quảng Nam hiện đang sinh sống tại Đà Nẵng Phan Ngọc Minh, từng có rất nhiều triển lãm trong nước, được nhiều người biết đến, nhưng dấu ấn mà Phan Ngọc Minh để lại trong lòng người yêu hội hoạ quốc tế là vào năm 2000, khi ông triển lãm tranh tại Paris (Pháp) với chủ đề “Phan Ngọc Minh và Champa” do hội những người yêu Chămpa cổ của Pháp, viết tắt là SACHA, tổ chức. Đây là lần đầu tiên, tác phẩm của ông ra mắt công chúng yêu nghệ thuật quốc tế, tạo được những ấn tượng tốt đẹp. Tên tuổi của ông từ đây cũng gắn liền với Chăm, với Mỹ Sơn huyền bí.  
 

Hồi ức về Huế - tranh của HS. Phan Ngoc Minh
 
Cách đây hơn 1 năm, Phan Ngọc Minh tổ chức triển lãm tại Huế với tên gọi “Huế và di sản”. Triển lãm đã để lại một ấn tượng sâu đậm với những người yêu hội họa xứ Huế. Không chỉ có Chăm và Mỹ Sơn, Huế hiện ra trong tranh ông cổ kính và đẹp lặng lẽ. Để ra mắt triển lãm này, ông đã có chuyến đi gần một tháng rưỡi sống để khám phá Huế một cách trọn vẹn. Trong thời gian lưu trú tại Huế, ông cũng đã làm việc miệt mài, chăm chỉ, hầu như chỉ biết vẽ và vẽ.

Ở triển lãm lần này, ông góp mặt với 14 tác phẩm lấy cảm hứng từ văn hóa Huế được sáng tác mới đây. Bên cạnh những tác phẩm đầy hồi ức miên man về Huế, những bức ký họa chân dung các nghệ nhân đang gìn giữ các giá trị của văn hóa đất Cố đô như Trần Kích, La Cháu, Minh Mẫn... cũng gây được bất ngờ cho người xem. Mỗi tác phẩm của ông đều bộc lộ khái quát những nét đặc trưng của Huế dưới góc nhìn của một hoạ sĩ vốn từng trải với những cuộc lãng du không hẹn trước.
 
Tâm Vũ