Theo các cụ cao niên thì đình làng Trung Kiền, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc được xây dựng ban đầu khá nhỏ sát chân núi, gần chùa Diệu Ngộ, đường vào Thác Bồ Ghè. Đình Trung Kiền được xây dựng lại vào đầu thế kỷ XIX, bên đường quốc lộ 1A, trước mặt UBND xã Lộc Tiến ngày nay, với kết cấu 5 gian 2 chái, mái lợp ngói âm dương.

 

Đình làng Trung Kiền

 

Năm Đinh Sửu (1937) bà Dương Thị Phú (Dương Thị Ân) bà nội vua Bảo Đại, vợ vua Đồng Khánh (1885 - 1889), là con cháu dòng họ Dương làng Trung Kiền một lần về thăm đã giúp đỡ kinh phí xây dựng lại đình làng Trung Kiền và ban tặng bức đại tự sơn son thếp vàng. Bên trái ghi “Bảo Đại niên Đinh Sửu mạnh hạ cát nhật cải tạo”, giữa ba chữ lớn “Trung Kiền Đình”, bên phải ghi “Khâm phụng Đức Khôn Nghi Xương Thái hoàng Thái hậu ý chỉ". 

 

Năm 1945, đồng chí Trần Chí Cường, đồng chí Nguyễn Đình Sản về tại đình Trung Kiền tập hợp lực lượng cách mạng, chuẩn bị vũ khí tổ chức cướp chính quyền. Sau sử dụng đình làm nơi tổ chức, hoạt động, huấn luyện cách mạng. Ngày 06/01/1946, bầu Quốc hội khóa đầu tiên sau ngày giải phóng, nhân dân trống dong, cờ mở, dương băng rôn, khẩu hiệu về tại đình làng Trung Kiền bỏ lá phiếu đầu tiên.

 

Năm 1958 - 1959, đất nước chia làm hai miền, đình làng Trung Kiền do chính quyền Ngô Đình Diệm tiếp quản, chúng áp dụng Luật 10/59, sử dụng đình Trung Kiền làm nơi dồn dân, nhốt hàng trăm gia đình cách mạng trên toàn huyện. Tại đây chúng đánh đập, tra tấn dã man như thời trung cổ bằng nhiều hình thức như trói hai tay, hai chân treo ngược người lên xà đình, tra tấn bằng ớt, xà phòng, điện, axit…

 

Tết Mậu Thân năm 1968, quân ta đã đã đánh vào đình làng Trung Kiền, tiêu diệt hàng trăm tên giặc đưa đình Trung Kiền trở về với sự yên bình vốn có của nó cho đến ngày nay.

 

Trải qua một thời gian dài, chịu nhiều tác động của chiến tranh, thời tiết và khí hậu khắc nghiệt, đình xuống cấp, hư hỏng khá nhiều. Vừa qua, đình Trung Kiền được con cháu trong làng quyên góp, ủng hộ kinh phí. Ban điều hành làng đã tu sửa, nâng cấp, thay thế một số đòn tay, rui, lách đã bị hỏng; phục hồi mô típ trang trí trên nóc đình (long hồi, đầu đao, con giống); lợp lại ngói mới đã dột nát tạo nên không gian rộng rãi, thoáng đãng hơn.

 

Nguyện vọng lớn nhất của con dân trong làng và các cụ trong Ban điều hành làng là được UBND tỉnh xem xét xếp hạng di tích để ổn định việc thờ tự và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa của quê hương. Theo Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng sau khi khảo sát thì điều khó khăn nhất là lộ giới mặt sau lưng đình nằm chồng lên phạm vi lộ giới đường bộ; mặt trước và mặt bên của đình nằm trong khuôn viên UBND xã Lộc Tiến. Theo bản đồ quy hoạch đường bộ từ tim đường vào là 27,5m, vào đến đình là 31,9m, như vậy đình còn lại lộ giới tính theo quy hoạch là 4,4m. Để khoanh vùng công nhận di tích, đòi hỏi phải có sự thỏa thuận thống nhất giữa UBND xã và khảo sát kỹ hướng quy hoạch lộ giới đường bộ, chính điều này gây nhiều khó khăn cho việc khoanh vùng, cắm mốc để công nhận di tích lịch sử, văn hóa.

 

Nhưng với nguyện vọng thiết tha, tình cảm của nhân dân đối với công tác quản lý, tu bổ di tích, ông Nguyễn Minh Tuân, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lộc cho biết “Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh sẽ phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lộc, UBND xã Lộc Tiến và Ban điều hành làng Trung Kiền tiếp tục công tác khảo sát, nghiên cứu và làm việc với các ngành chức năng để sớm hoàn chỉnh hồ sơ để đề nghị xét công nhận di tích lịch sử văn hóa đình làng Trung Kiền theo quy định của Luật di sản văn hóa và nguyện vọng của bà con nhân dân”.