Các hạng mục gỗ được chạm trổ đã bị xuống cấp trầm trọng

Di tích lịch sử - văn hóa

Theo sử sách, chùa Thiện Khánh (còn gọi là chùa Bác Vọng Tây) được xây dựng từ sau khi chúa Nguyễn Phúc Chu, một vị chúa rất sùng bái đạo Phật, cho dời phủ Chúa (năm 1712) từ Phú Xuân về Bác Vọng. Chùa tọa lạc ngay trước phủ chính Bác Vọng, hướng ra dòng sông Bồ. Ngoài việc thờ tự, chùa còn là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý có giá trị về văn hóa mang dấu tích của phủ Bác Vọng và sự phát triển của Phật giáo Đàng Trong thời các chúa Nguyễn.

Ngày nay, chùa còn là nơi diễn ra lễ nghinh hòm của cộng đồng dân cư địa phương trong ngày đại lễ; đồng thời, là nơi bảo quản địa bộ, sắc phong, chúc văn... của làng. Nhiều hiện vật có giá trị hiện vẫn còn được nhà chùa lưu giữ như quả chuông đồng do Thượng thư Đặng Văn Hòa cúng dường dưới thời Tự Đức, hoành phi, bia đá, các pho tượng Phật, tượng Hộ pháp, tượng Dược Sư, tượng Quan Công… Chùa từng được trùng tu một số đợt dưới thời Nguyễn. Lần sửa chữa gần nhất là năm 1999, sau cơn "đại hồng thủy". Chùa Thiện Khánh được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 608/QĐ-UBND ngày 17/3/2011.

Giới nghiên cứu nhận định, chùa Thiện Khánh không chỉ có giá trị trong việc tìm hiểu về lịch sử Phật giáo ở Đàng Trong, về các vị chúa Nguyễn... mà cùng với hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, như thành cổ Hóa Châu, khu di tích lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, phá Tam Giang, phủ Phước Yên và các làng nghề… là cơ sở để chính quyền địa phương thiết kế các tour tham quan du lịch hấp dẫn ở Quảng Điền.

Mong được sớm duy tu, bảo dưỡng

Từ phía ngoài, tổng quan kiến trúc chùa có quy mô lớn và cảnh quan đẹp. Tuy nhiên, do có tuổi đời trên 300 năm nên nhiều hạng mục đã xuống cấp trầm trọng. Những cây cột, kèo đã bị mục rỗng, các đầu mối của khung gỗ gần như bị rời ra, mái ngói có nơi bị vỡ, xô lệch. Do gần đây chùa không được tu sửa, chỉnh trang một cách có hệ thống mà chỉ được chắp vá tạm thời, nên sự chắc chắn của ngôi chùa đang mất dần đi và thay vào đó là những vết nứt rạn, xập xệ ở khắp nơi. Toàn bộ hệ thống cột trụ bằng lim trong chùa và những hoa văn đã bị phủ rêu mốc, những lớp sơn trạm trổ các tượng không còn rõ hình thù. Bên ngoài, cổng tam quan được xây bằng vôi vữa lâu năm đã mục nát, những hoa văn bị gãy đỗ và hư hỏng nặng…

"Kinh phí dự trù tôn tạo, sửa chữa chùa khá lớn, nhà chùa khó có thể kham nổi. Rất mong các cơ quan cấp trên và tập thể, cá nhân phát tâm công đức để cùng giữ gìn ngôi chùa cổ giá trị này", Đại đức Thích Hải Thanh - Trụ trì chùa Thiện Khánh mong muốn.

Ông Lê Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết, sau khi nhận được phản ánh của Ban quản lý chùa, UBND xã đã phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quảng Điền đến chùa để ghi nhận, nắm bắt tình hình. Tuy nhiên, do đây là ngôi chùa cổ và là di tích lịch sử cấp tỉnh nên các quy trình lập hồ sơ để trùng tu phải chặt chẽ, theo đúng trình tự.

Ông Nguyễn Ánh Cầu, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quảng Điền thừa nhận, hiện trên địa bàn huyện có nhiều di tích xuống cấp trầm trọng đang cần tôn tạo, sửa chữa. Riêng chùa Thiện Khánh, phòng đã có buổi làm việc với Ban Quản lý di tích, Ban hộ tự và đề nghị cần có cuộc họp thống nhất các hạng mục nguy cấp cần tôn tạo, sửa chữa để lên phương án, lập hồ sơ đề xuất lên UBND huyện xem xét bố trí kinh phí từ nguồn sự nghiệp. “Với nhiều di tích xuống cấp trong khi nguồn kinh phí hạn chế nên huyện rất cần thêm nguồn hỗ trợ của tỉnh, của các nhà hảo tâm. Đối với chùa Thiện Khánh, trong khi chờ nguồn kinh phí của tỉnh, của huyện, Ban quản lý di tích, Ban hộ tự cần huy động thêm nguồn từ xã hội hóa để tu sửa các hạng mục của chùa”, ông Nguyễn Ánh Cầu nói.     

Bài, ảnh: Thái Bình