Vận chuyển gỗ thuê có thu nhập khá
Đa dạng thị trường
Trong cái nắng đầu mùa hạ, ở Công ty CP Chế biến gỗ Thừa Thiên Huế tại Khu Công nghiệp Phú Bài (TX Hương Thủy), hơn trăm công nhân vẫn miệt mài công việc chế biến gỗ để kịp xuất khẩu lô hàng đầu tiên trong năm sang thị trường châu Âu, châu Úc.
Giám đốc Công ty Công ty CP Chế biến gỗ Thừa Thiên Huế -Lê Duy Hương chia sẻ, thị trường tiêu thụ của công ty rất đa dạng, từ Đài Loan, Trung Quốc, đến châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật với kim ngạch xuất khẩu 2,2 triệu USD/năm.
Thành lập cùng thời điểm cách đây khoảng 15 năm còn có Công ty CP Chế biến lâm sản Hương Giang tại phường Phú Bài. Đây cũng là thời điểm phong trào trồng rừng sản xuất phát triển rộng khắp nên nguồn nguyên liệu chế biến khá dồi dào. Các mặt hàng chủ yếu của công ty là đồ nội, ngoại thất được sản xuất từ gỗ rừng trồng. Giá nguyên liệu tại chỗ khá thấp so với nhiều nước nên tạo ra các mặt hàng có giá hợp lý, được ưa chuộng.
Chế biến gỗ xuất khẩu ở Công ty CP Chế biến gỗ Thừa Thiên Huế
Thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty gồm Đài Loan, Trung Quôc, châu Âu, châu Úc... với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm 1,5 triệu USD. Giám đốc công ty Cao Đình Hiệp cho rằng, trong khi mở rộng thị trường sang các nước “khó tính”, điều mà công ty trăn trở là chất lượng nguồn nguyên liệu đòi hỏi khắt khe hơn và cần được cấp chứng chỉ.
Cùng quan điểm, ông Phạm Bá Thuần, Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức - Công ty TNHH Chế biến gỗ xuất khẩu Phúc Thịnh chia sẻ: “Điều mà công ty chúng tôi luôn trăn trở là chất lượng gỗ rừng trồng. Chất lượng gỗ cao mới tạo ra sản phẩm đẹp, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nếu chất lượng sản phẩm đáp ứng, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sang Ấn Độ, Mỹ...”. Từ đầu năm 2017, công ty đầu tư hơn 50 tỷ đồng mua sắm 2 dây chuyền chế biến gỗ xuất khẩu. Sau khi công nghệ chế biến này đưa vào hoạt động, công ty sẽ nâng sản lượng gỗ tiêu thụ, chế biến có thể đến 300 tấn/năm.
Đảm bảo chất lượng
Trong khi mở rộng những thị trường tiềm năng, nhưng “khó tính” như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... đòi hỏi các doanh nghiệp cần nguồn nguyên liệu chế biến sản phẩm đảm bảo chất lượng. Từ trồng rừng bằng giống cây con đến giống cây hom, giờ đây ngành lâm nghiệp còn có thêm công nghệ nuôi cấy mô. Đến nay toàn tỉnh có trên 80% diện tích rừng trồng bằng giống keo hom và gần 20% giống nuôi cấy mô là điều kiện quan trọng không chỉ nâng cao năng suất mà còn chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn thông tin, tổng diện tích rừng trồng toàn tỉnh đến nay trên 61.000 ha, bình quân mỗi huyện, thị xã từ 4.000 ha trở lên. Mỗi năm, diện tích rừng cho khai thác từ 3.000-4.000 ha, doanh thu khoảng 300 tỷ đồng. Hàng loạt doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu ra đời, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. |
Mới đây, ngành nông nghiệp còn hướng đến mô hình thâm canh rừng trồng gỗ lớn. Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, hơn 950 ha rừng trồng gỗ lớn thí điểm với 241 hộ tham gia đã được ngành kiểm lâm triển khai vào năm 2016. Trong năm 2017, diện tích trồng rừng gỗ lớn được mở rộng trên 3.000 ha với 750 hộ tham gia, gắn với việc cấp chứng chỉ FSC (tiêu chuẩn chất lượng được Hội đồng Quản trị rừng Quốc tế công nhận). Cũng trong năm nay sẽ có 2.000 ha mây ở Nam Đông được cấp chứng chỉ FSC.
Ông Tuấn cho biết thêm, vừa qua Công ty Sacanasia Pacific đã đến hợp đồng, cam kết hỗ trợ ngành lâm nghiệp, người dân trong việc phát triển sản xuất và tiêu thụ gỗ rừng trồng. Công ty này cam kết, nếu người dân không có vốn thì họ sẽ cho vay với lãi suất thấp, nếu cây đến thời kỳ thu hoạch gặp bão gây đỗ ngã thì họ vẫn thu mua với giá bình thường. Tuy nhiên, các hộ phải tuân thủ các điều kiện, quy trình thâm canh rừng gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế (ước tăng khoảng 20-30%).
Phía ngành lâm nghiệp có trách nhiệp tư vấn kỹ thuật, tập huấn và đảm bảo nguồn giống chất lượng đưa vào sản xuất. Chi cục Kiểm lâm tỉnh hợp tác với tổ chức Unigue (Đức), Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Huế) tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho các chủ rừng tham gia trồng rừng gỗ lớn, như kỹ thuật cắt tỉa cành, tỉa thưa mật độ, xử lý sâu bệnh... Quá trình sản xuất người dân phải tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật, rừng được cấp chứng chỉ FSC. Đến kỳ thu hoạch, Công ty Sacanasia Pacific sẽ vào đánh giá chất lượng, nếu đủ điều kiện sẽ mua sản phẩm với giá cao.
Chiến lược của ngành lâm nghiệp tỉnh thời gian đến sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ FSC. Các giống được lựa chọn đưa và sản xuất chủ yếu là keo, keo lá tràm, các loài cây bản địa có chu kỳ sinh trưởng ngắn, vừa lấy gỗ chế biến vừa tạo đa dạng sinh học, cây trồng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang xây dựng đề án về cây lâm nghiệp để phục vụ cho trồng rừng gỗ lớn.
Bài, ảnh: Hoàng Triều