Những ngày gần đây, dư luận khá quan tâm đến việc bia mộ tài nhân họ Lê, thuỵ Thục Thuận của triều Nguyễn được phát hiện trong khu vực dự án bãi đỗ xe lăng Tự Đức-Đồng Khánh. Nhiều người cho rằng, do công tác giải phóng mặt bằng, kiểm kê mồ mả chưa thấu đáo mà đã bàn giao cho chủ đầu tư nên mới xảy ra tình trạng ngôi mộ nói trên bị đơn vị thi công san ủi. Liên quan đến vấn đề vừa nêu, đơn vị thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế khẳng định chưa bàn giao mặt bằng tổng thể cho chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Chuỗi Giá Trị.
Dù chưa bàn giao mặt bằng, song chủ đầu tư đã đưa phương tiện đến san ủi khu vực triển khai dự án bãi đỗ xe lăng Tự Đức-Đồng Khánh
Về quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, di dời mồ mả, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế cho biết, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành họp dân, kiểm kê mồ mả, sau đó niêm yết công khai thông tin ở UBND phường Thuỷ Xuân, trước khu vực triển khai dự án và trên một số phương tiện thông tin đại chúng.
“Nguyên tắc kiểm kê phải có sự tham gia của chính quyền địa phương, chủ đầu tư và đơn vị thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, chúng tôi đã thực hiện đúng quy định. “Tuy nhiên, rất tiếc, qua hai lần kiểm kê, chúng tôi không phát hiện ngôi mộ cổ như báo chí phản ánh. Nếu không, đơn vị đã lập danh sách, gửi các cơ quan liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn gốc, chủ ngôi mộ….”, ông Tuấn nói.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, ông Tuấn cho hay, sau lần kiểm kê thứ nhất, trung tâm đã thông báo cho người thân những ngôi mộ có chủ để di dời. Theo đó, toàn bộ khu vực dự án có 42 ngôi mộ cần di dời. Đến lần kiểm kê thứ hai, còn một số ngôi mộ vô chủ, trung tâm tiếp tục tiến hành kiểm kê có sự tham gia của chính quyền và chủ đầu tư. Quá thời hạn niêm yết thông tin công khai nhưng không ai đến di dời, trung tâm đã phối hợp với một số đơn vị liên quan di dời theo đúng quy định. Từ đó đến nay, chưa xảy ra khiếu kiện, khiếu nại gì về vấn đề này.
Nói về lý do chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, ông Tuấn thông tin, do còn 6 hộ được phê duyệt hỗ trợ và điều chỉnh đền bù, song chủ đầu tư chưa chi trả cho người dân nên Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế chưa bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp, dù người dân đã bàn giao toàn bộ mặt bằng cho trung tâm.
Khi một số cơ quan báo chí thắc mắc về việc, với ngôi mộ có tường thành cao, dài và có bia đá được phát hiện sau khi bị san lấp, không lẽ trong quá trình khảo sát hiện trạng, kiểm đếm, chính quyền địa phương, chủ đầu tư và Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế không hề phát hiện hoặc không có dấu tích?
Ông Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Văn Lành (trái) làm việc với các cơ quan báo chí sáng 26/6
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, ông đến khu vực dự án rất nhiều lần, lần nào cũng có cán bộ địa phương, người dân đi cùng. Ngoài chưa từng thấy ngôi mộ như báo chí nêu, ông chưa từng nghe người dân nào phản ánh về việc có ngôi mộ cổ. Nếu có, chắc chắn sẽ không để xảy ra sự việc đáng tiếc như vừa qua. Ông Tuấn cũng cho rằng, khả năng ngôi mộ lâu năm bị mưa gió vùi lấp, cộng với tình trạng đào trộm mộ làm sụp, hư hỏng. Tuy nhiên, vấn đề này cần sự vào cuộc của các cơ quan liên quan mới có câu trả lời chính xác.
Làm việc với chúng tôi còn có ông Nguyễn Văn Lành, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế, người cùng song hành với ông Tuấn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng ở khu đất thực hiện dự án bãi đỗ xe lăng Tự Đức-Đồng Khánh. Cả ông Tuấn và ông Lành đều cho rằng, dù quá trình kiểm kê, di dời mồ mả trên đất hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư để triển khai dự án, song trong quá trình thi công, nếu phát hiện có dấu tích, vết tích lạ, nghi là lăng mộ dù là người dân bình thường, đơn vị thi công cũng phải ngừng thi công để phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan giải quyết. Đây không chỉ là vấn đề nguyên tắc mà còn là đạo đức, đạo lý.
Rút kinh nghiệm từ việc này, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế cho hay, đối với các dự án ở khu vực đồi núi, gần các di tích, dù đã có văn bản của tỉnh, đơn vị cũng sẽ có văn bản gửi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để chắc chắn không có lăng mộ liên quan đến di tích, triều đình nhà Nguyễn…, mới thực hiện. Đồng thời sẽ mua sắm máy quay phim, chụp ảnh để ghi lại hiện trạng trước, trong và sau khi giải toả, dù điều này không bắt buộc.
Bài, ảnh: Tâm Huệ