Dạy trẻ tự kỷ tại Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Hoàn Năng

Không chấp nhận sự thật

Cháu N.V.D, con trai chị T.N.A (TP. Huế), gần 4 tuổi nhưng lại rất khó khăn trong việc diễn đạt ngôn ngữ. Hai vợ chồng đều làm công việc kinh doanh nên ít có thời gian dành cho con. Mỗi khi con khóc, chị lại lấy điện thoại cho con xem đến khi cháu tự thiếp vào giấc ngủ. Khi con 3 tuổi, chị A. lờ mờ nhận ra có gì đó không ổn khi chứng kiến cảnh con hay la hét, cứ nhìn chăm chăm lên trần nhà, cầm cái gì cũng ném... Chị tuyệt vọng, quyết định đem cháu đi khám. Bác sĩ chẩn đoán, con chị thuộc dạng trẻ chậm nói, xa lánh cộng đồng. Thế nhưng, vợ chồng chị không chấp nhận kết quả đó và khăng khăng, con mình chỉ chậm nói nên từ chối trị liệu cho cháu.

Chuyện phụ huynh sốc khi biết con mình có dấu hiệu tự kỷ là khá phổ biến. Thế nên, trở ngại lớn nhất trong việc chữa trị tự kỷ cho trẻ lại nằm ở phía… cha mẹ. Với tâm lý “con mình luôn là số một”, nên rất khó để phụ huynh chấp nhận thực tế là con đang bị tự kỷ. Chị L.T.M (Phú Diên, Phú Vang) trải lòng: “Khi con còn nhỏ, tôi không để ý tới hành động và ngôn ngữ của bé. Đến khi cháu 4 tuổi nhưng không hề nói chuyện, tôi cứ nghĩ con mình chậm nói. Bé hay quậy phá, thích xé giấy, mắt không tập trung nhìn vào vật gì lâu được. Nhiều người nói gần nói xa, rằng con tôi đang mắc một căn bệnh nào đó nhưng tôi kịch liệt phản đối. Tôi vẫn tự tin cho con vào học lớp 1 nhưng hết học kỳ mà cháu đọc không được, viết chẳng xong. Con có thể nổi cáu và đánh bạn bất cứ lúc nào. Nhiều phụ huynh phản ảnh lên nhà trường, không muốn con của họ học cùng. Lúc đó, tôi mới nhận ra, con mình từng đơn độc như thế nào…”.

Tiến sĩ tâm lý tham vấn chuyên về lâm sàng Nguyễn Bảo Uyên ở Trung tâm giáo dục kỹ năng sống Hoàn Năng (TP. Huế), cho biết: “Các cháu đến trung tâm thường chậm nói, tăng động, giảm chú ý, rối loạn trong giao tiếp... Nhiều phụ huynh đưa các em đến để kiểm tra nhưng lại không trị liệu vì không chấp nhận kết quả. Thực tế, khi được can thiệp sớm và đúng cách, các con có thể tự phục vụ bản thân những nhu cầu cơ bản. Nhiều trẻ vẫn đi học, vào đại học được. Thời gian điều trị vàng là giai đoạn từ 1,5 đến 3 tuổi, tuổi càng lớn các cháu càng khó can thiệp thành công. Tuy nhiên, bố mẹ phải nhìn nhận vấn đề của trẻ trung thực, đừng quá phóng đại hoặc quá thờ ơ với trẻ. Điều tối kỵ là không để con một mình quá lâu, vì bé sẽ cảm thấy cô đơn và bệnh sẽ thêm trầm trọng”.

Cùng con vượt qua nỗi sợ hãi

Trải qua những ngày khủng hoảng, bình tĩnh lại, chị L.T.M quyết đưa con đi chữa trị. Chị chấp nhận xin cho con nghỉ học một năm ở trường học hòa nhập và đem con đến trung tâm dạy trẻ tự kỷ để tiếp tục can thiệp điều chỉnh, uốn nắn những hành vi bất bình thường. Giờ cậu bé đã 9 tuổi, đang theo học lớp 2 với những học sinh bình thường. Chị M. chia sẻ: “Cháu học tốt toán nhưng vẫn còn rối loạn về ngôn ngữ nên môn tập đọc chưa tốt. Dù có bị sốc thì cũng phải chấp nhận sự thật và trang bị kiến thức để cứu con. Tôi đã từng rất giận mình, chỉ vì xấu hổ, sợ người đời dèm pha nên không đưa con đi chữa trị sớm”.

Nhiều phụ huynh bắt đầu chấp nhận thực tế và cùng con vượt qua nỗi sợ hãi. Người có điều kiện thì mời giáo viên về nhà kèm cặp. Có nhiều phụ huynh ở các huyện vùng ven chiều chiều chở con lên Huế để trị liệu. Mỗi trẻ biểu hiện bệnh theo từng thể nặng nhẹ khác nhau. Có trẻ không thích vận động, hay khóc, có trẻ lại suốt ngày nhảy lên, đâm đầu vào tường, có trẻ đụng tí là đánh bạn, có trẻ không chịu nói... Điểm chung của tất cả các em là thiếu hụt kỹ năng tương tác xã hội. Cô Nguyễn Ngọc Minh, giáo viên dạy trẻ tự kỷ ở phường An Cựu (TP. Huế) cho biết: “Dạy một trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ tự kỷ cần kiên nhẫn gấp bội. Hầu như hành vi nào của các con cũng gây ra ức chế. Giáo viên phải là người yêu trẻ, chỉ có tình yêu và kỹ năng sư phạm mới có thể dạy bảo được trẻ. Cứ khi nào con chuẩn bị dùng bạo lực, tôi lại vỗ về nhẹ nhàng xoa dịu tâm tính của cháu. Sau khoảng 4 tháng thì nhiều cháu hết hành vi này”.

Đến Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Hoàn Năng (TP. Huế), nơi có 25 cháu đang theo học, mới thấy việc dạy chữ cho trẻ tự kỷ cũng rất vất vả. Thông thường, các em học mỗi tuần 12 buổi, một buổi kéo dài trong vòng 90 phút với mức học phí từ 2,7 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Có em được đưa đến trung tâm trong tình trạng không thể đứng yên quá 30 giây nhưng sau 1 tháng trị liệu các cháu đã biết tập trung. Sau 3 tháng, nhiều em có thể nói được những từ ghép, tập tô các nét cơ bản như hình vuông, hình tròn... Các cô giáo dạy bé biết yêu cầu khi cần thiết, dần các em tìm sự giúp đỡ khi khát nước, muốn đi vệ sinh hay bị bạn giật đồ chơi. Cô Nguyễn Thị Mộng, giáo viên dạy trẻ ở Trung tâm giáo dục kỹ năng sống Hoàn Năng, bộc bạch: “Mỗi em đều có một giáo án, không em nào giống em nào. Ngay cái cách bọn trẻ “ăn vạ” cũng vậy. Có bé tự thu mình lại, có bé luôn tỏ thái độ thách thức, cáu giận, cào mặt, đập đầu vào tường. Giáo viên phải kiên nhẫn để dạy trẻ điều chỉnh hành vi bất thường. Sau đó mới cho tập viết chữ, mỗi ngày kèm khoảng một tiếng và sau chục ngày các em có thể viết được một chữ”.

Một khó khăn lớn khi trẻ tự kỷ hòa nhập môi trường giáo dục bình thường chính là nhận thức của cộng đồng. Sự phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên chưa thực sự hiệu quả khi bố mẹ thường quá chiều con. Tiến sĩ Nguyễn Bảo Uyên đưa ra lời khuyên, các bậc phụ huynh không nên giấu khi phát hiện con mình có dấu hiệu tự kỷ mà nên phối hợp với các cơ sở và giáo viên để giúp trẻ điều chỉnh hành vi bất thường và hòa nhập với cộng đồng. Không điều gì có thể giúp trẻ hiệu quả hơn bằng việc chấp nhận và yêu thương con bạn vô điều kiện.

Huế Thu