Cuộc giao lưu đang đến lúc cao trào, bạn bè chỉ vào đoàn khách Huế mời góp vui tiết mục văn nghệ. Vò đầu gãi tai tìm bài ruột, nhưng mới nêu tên bài hát đã lập tức bị phản đối: Hò Huế đi, hò Huế đi... Cả bàn vừa động viên vừa yêu cầu. Đến mức ấy thì "diễn viên"... đóng mặt lạnh, ra vẻ ta đây đầy tự ái vì bị thiếu tôn trọng. Nhưng người cùng đoàn thì biết tỏng tòng tong là "diễn viên" của đoàn bó tay với mái nhì mái đẩy, với hầu văn, giã gạo, với lý này lý nọ... Chỉ có tân nhạc là còn tạm được.
Cảnh "trớ trêu" trên thật ra không chỉ đoàn chúng tôi bị vấp và vấp chỉ một lần, mà hầu như đó cũng là thực trạng chung của rất nhiều đoàn từ Huế đi "giao lưu học tập kinh nghiệm" với các tỉnh. May mắn lắm mới có người hát được một bản ca Huế, dù là có thể chưa tròn, chưa chuẩn lắm, song như thế cũng đã là của hiếm, khiến khách hỉ hả mà đoàn cũng phổng mũi tự hào.
Đất nước mình có cái lạ, có thể nghèo về vật chất nhưng văn hóa thì giàu có vô kể. Chưa nói đến những thứ khác, chỉ riêng âm nhạc truyền thống thôi cũng đã là một bức tranh đa sắc màu đầy quyến rũ. Và cư dân của mỗi vùng miền đều hết sức tự hào về di sản âm nhạc mà các thế hệ cha ông đã sáng tạo, trao truyền. Huế tự hào với nhã nhạc đã được công nhận Di sản thế giới, với tuồng, với các điệu hò, điệu lý... Miền Tây Nam bộ thì đờn ca tài tử. Ra đồng bằng Bắc bộ thì chèo, ả đào, quan họ... Công tác đã gần ba chục năm, nên tôi có khá nhiều dịp được ra Bắc vào Nam, được giao lưu với bạn bè đồng nghiệp. Nhiều lần như thế tôi để ý thấy một điều rất lạ, đó là khi vào miền Tây - quê hương của đờn ca tài tử - trong tất cả các cuộc vui, dù là vui theo kiểu... bác học hay dân gian, không bao giờ thiếu tiết mục đờn ca đặc sản, và hầu như ai cũng lên ôm micro hát được, hát hay và hát say. Tôi có người anh họ vào định cư khá lâu ở Đồng Tháp, khi đề cập đến đặc trưng tính cách của cư dân miền Tây sông nước, anh bảo: "Chi thì thì chi, trong này tay nào không biết, không ca được "sáu câu" là bị coi như... đồ bỏ". Nghiệm lại, thấy nhận xét của anh không phải là không có cơ sở.
Ra miền Bắc, đặc biệt là về các vùng Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, kể cả lên tận Quảng Ninh, thì chèo, quan họ bao giờ cũng "thường trực". Dân chuyên nghiệp thôi không nói làm gì, đằng này các "liền anh", "liền chị" chính là những anh em bạn bè ngồi chung bàn. Tôi từng có một "trải nghiệm" khó quên thế này, hôm ấy được hân hạnh ngồi cùng chiếu rượu với các đồng nghiệp lớn tuổi ngay tại xứ Kinh Bắc. Tàn cuộc thì đã quá nửa đêm, bỗng Tổng biên tập Báo Bắc Ninh nổi hứng, mời mọi người đến thăm nhà và nghe quan họ. Nể mặt chủ nhà và cũng một chút háo hức, mọi người cùng lên xe. Đến nơi, ông Tổng biên tập phải gọi người nhà mở cửa bật đèn, và "hiên ngang" đánh thức phu nhân lúc đó đang còn say giấc trong phòng ngủ: "Dậy em, ra chào các anh và hát vài bài quan họ cho vui". Cứ ngỡ thế nào bà phu nhân mặt sưng mày xỉa, cũng nổi tam bành, chẳng dè, nghe quan họ, chị tươi tỉnh hẳn, rửa mặt vấn khăn chỉn chu rồi bước ra chào khách và say sưa cất giọng...
Lý giải như thế nào nếu không phải là bởi niềm mê say quan họ đã thành máu thịt nơi người phụ nữ xứ Kinh Bắc này?
Loanh quanh rồi lại trở về miền đất sông Hương núi Ngự nổi tiếng với những trầm tích văn hóa suốt hơn 700 năm lịch sử. Người Huế đều tự hào về di sản ấy của cha ông. Vậy nhưng, tại sao không như miền Tây sông nước phương Nam hoặc như các vùng quê khác của đồng bằng Bắc bộ, dân Huế lại rất ít người diễn tròn một câu hò Huế, một điệu lý Huế... để đến nỗi, trong không ít những cuộc vui với bạn bè bốn phương, Huế mình đôi khi phải ngồi cười ngượng nghịu. Câu hỏi ấy cứ mãi ám ảnh tôi mà nghĩ mãi vẫn chưa ra lời giải. Hay là đó chỉ là cảm tính không chính xác của cá nhân? Mong là như vậy...
HUY KHÁNH