Cuộc “đối thoại” của hai mẹ con bà Tý làm tôi nhớ đến lời khuyên của nội trong bữa cơm đoàn tụ gia đình cuối năm: “Ôn lưu ý các cháu là không được chủ quan, lơ là việc học sau tết”, rồi nội chỉ tay về phía mấy chú và ba tôi: Mấy tụi con cũng rứa, kinh nghiệm làm ăn ở đời còn non lắm! Người ta thường bảo: “Muốn ăn phải lăn vô bếp”. Nên nhớ, muốn kinh tế gia đình ngày càng khấm khá thì phải nỗ lực mà làm; làm nhưng phải có kế hoạch, đầu óc tính toán; làm đều đặn, thường xuyên, đừng để tình trạng “Đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”.
Ngẫm lại thấy nội nói có lý, bởi sự việc còn mới toanh – chỉ cách đây hai tuần, do lu bu chuyện tết nhất, vả lại vì ham vui với bạn nên hơi quá chén, vì rứa mà mấy lồng cá trắm cỏ của ba thiếu đói, ốm dách, giảm cân. Sợ thất thu, sau tết ba lại vội vã cắt cỏ, băm chuối, chăm sóc, cho cá ăn gấp đôi số lượng hàng ngày, nhưng bầy cá vẫn chậm lớn, nhiều con có biểu hiện tróc vảy, mờ mắt, chán ăn. Không chỉ thiếu ăn mấy ngày tết, mà còn do khâu vệ sinh lồng bè không sạch, không đảm bảo vệ sinh tối thiểu nên cá bị dịch bệnh. Nhiều con lười ăn, cứ bơi lừ đừ trên mặt nước. Trước tình huống cấp bách, ba phải chạy đi cầu cứu cán bộ thú y xã. Cũng may là cứu kịp thời đàn cá, suýt chút nữa là “tiêu om”, mất trắng mấy chục triệu tiền vốn, thức ăn chứ chưa kể công chăm sóc mấy tháng trời.
Còn công việc của chú út cũng không hơn không kém gì so với ba tôi. Có người bảo chú, đi xe ôm mà còn đỏng đảnh, ra kiểu làm sang, bởi “Có kịch mới dịch ra tuồng”: Đầu năm nhiều khách quen điện thoại gọi chở hàng, chú bảo: “Tui chưa đi làm mô, chị cứ thuê người khác tạm mấy hôm, tui còn bận giải quyết một số việc gia đình, tầm sau 15 tháng giêng mới đi”. Bực mình bởi kiểu làm ăn thiếu tận tụy với công việc, nên sau khi đi làm trở lại, chú gặp khách quen thì họ ngoảnh mặt làm ngơ. Thế là chú bị mất “mối”, thu nhập giảm sút, công việc bấp bênh, bị vợ càm ràm. Bực mình, chú tìm rượu giải sầu. Vì thế, không khí gia đình chú thím cũng kém vui.
Mới đây, có bác trưởng ở TP. Hồ Chí Minh ra thăm tết muộn. Bữa tiệc đoàn viên được tổ chức, sau khi mừng thọ nội, lì xì mấy cháu, bác hàn huyên tâm sự với cả đại gia đình: “Ở thành phố mang tên Bác năng động lắm! Bất kể ai, từ trí thức bậc cao đến bác nông dân, hay anh bốc vác, chị ve chai… miễn có ý chí, quyết tâm “cày” thì ai cũng thành công, cuộc sống êm ấm, đủ đầy. Khác với người Huế mình, chưa giàu có dư dả gì mà chuyện ăn nhậu thì thuộc hàng “đẳng cấp”, mở cửa đã thấy quán nhậu nhan nhản. Tui khuyên mấy chú ở mô cũng rứa thôi, phải cố gắng mà làm ăn, biết chi tiêu hợp lí, hết mình với công việc thì trời sẽ không phụ công, bởi không gì là không thể. Bác trưởng còn nhắc nhở: Qua câu chuyện “thiếu duyên” đầu năm của hai chú, thì phải khắc ghi câu nói như một phương châm hành động: Đầu năm thong thả, cuối năm sẽ vất vả, cuộc sống chắc sẽ…tơi tả”. Nhìn “tác phong công nghiệp” và khả năng quyết đoán của bác trưởng mà cả nhà ai nấy đều phấn chấn trong lòng, ngưỡng mộ và muốn thực hành theo.
VÕ VĂN DẦN