Màn pháo sáng của một số CĐV Hải Phòng trong ngày khai màn V-League 2018. Ảnh: Internet

Bình đã mới...

Ngoài việc tìm được nhà tài trợ mới là Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood sau 3 năm “kết duyên” với hãng Toyota, V-League 2018 sẽ có 1,5 suất xuống hạng thay vì một suất như ở mùa giải 2017, đồng nghĩa với nâng cao tính cạnh tranh giữa các đội V-League và hạng Nhất, cụ thể, sẽ có trận play-off giữa đội áp chót V-League và Á quân giải hạng Nhất.

Bên cạnh đó, dưới thời của tân Chủ tịch Trần Anh Tú, VPF không còn duy trì mô hình ban tổ chức giải đấu, thay vào đó là ban điều hành. Điều này giúp quyền lực điều hành được tập trung, xử lý thông tin nhanh, chính xác thay vì một bộ máy cồng kềnh như trước đây, giúp tiết kiệm một khoản kinh phí rất lớn.

Về phía các đội bóng, họ đã biết “đánh bóng” hình ảnh thông qua mạng xã hội khi có đến 13/14 đội bóng lập facebook - một động thái nhỏ nhưng khá quan trọng để quảng bá cũng như đề cao tính tương tác giữa đội bóng và người hâm mộ.

Tất nhiên, không thể không nhắc đến U23 Việt Nam khi mà hiệu ứng của tập thể này đã có công trong việc giúp khán giả quay trở lại sân đông hơn khi mà theo thống kê, khai màn V-League 2018 đã có 60.000 khán giả (trung bình 12.000 khán giả/trận) đến sân - một con số kỷ lục so với 3 mùa giải gần đây (trung bình 9.000 khán giả/trận).

Lãnh đạo VPF bất lực trước tình trạng đốt pháo sáng của CĐV đất Cảng. Ảnh: Internet

Lo hiệu ứng ngược

Điều mà người hâm mộ quan tâm nhất vẫn là chất lượng của giải đấu, trong đó bao gồm cả tính chuyên nghiệp, văn hoá ứng xử trong và ngoài sân cỏ của cầu thủ, huấn luyện viên, trọng tài và cả quan chức Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Đó là cơ sở để mang đến sự thay đổi thật sự về chất cho giải bóng đá hàng đầu Việt Nam.

V-League 2018 mới trôi qua vòng đấu đầu tiên, nên thật khó để đánh giá đúng chất lượng của từng cầu thủ cũng như tập thể đội bóng. Tuy nhiên, với 5 cặp đấu mà chỉ có 4 bàn thắng được ghi và chỉ 1 ngoại binh duy nhất ghi bàn (Eydison của Than Quảng Ninh ghi bàn vào lưới SHB Đà Nẵng), còn một loạt chân sút ngoại được các đội bóng tậu về trong kỳ chuyển nhượng vừa qua như Vinicius (Than Quảng Ninh), Da Sylva (Sài Gòn), Ewode, Pereira (SHB Đà Nẵng)… đều chưa thể hiện được nhiều thì đây chẳng khác nào “canh bạc”, phải chờ kiểm chứng.

Nhưng có thể các đội bóng đều có những toan tính riêng trong ngày ra quân, cũng như những ngoại binh cần có thời gian hoà nhập với lối chơi của đội bóng mới mà mình vừa đầu quân.

Gần một thập kỷ chưa biết mùi chiến thắng trước Hà Nội, nên hơn ai hết, CĐV Hải Phòng luôn mong chờ một cuộc phục thù ngoạn mục, y như cách mà CĐV Huế mong đợi đội nhà quay trở lại V-League. Dẫu vậy, sự cổ vũ thái quá của những cái đầu nóng đến từ CĐV Hải Phòng thật sự khiến người yêu bóng đá chân chính thấy lo.

Trận khai màn và cũng là tâm điểm của vòng 1 V-League 2018 giữa Hà Nội và Hải Phòng đã rực lửa, đáng tiếc đó không phải ngọn lửa cuồng nhiệt nhưng có văn hoá của những người yêu bóng đá chân chính mà là lửa từ những màn quậy phá cùng pháo sáng của CĐV thành phố hoa phượng đỏ trên sân Hàng Đẫy khiến lực lượng an ninh phải làm hàng rào ngăn cách giữa họ với phóng viên, khiến trọng tài chính phải “cắt còi” kết thúc sớm trận đấu.

Ở mùa giải 2017, cũng với hành vi tương tự, CĐV Hải Phòng đã bị cấm cổ vũ sân khách. Mà mùa giải 2017 cũng không phải lần đầu tiên CĐV Hải Phòng quậy phá bằng pháo sáng. Nhưng rồi sau khi được trở lại, mọi thứ vẫn "đâu vào đấy".

Người ta đã và đang nói đến hiệu ứng U23 Việt Nam. Đó hẳn nhiên là hiệu ứng tích cực khi mà sức lan toả của nó có thể giúp bóng đá Việt Nam nâng tầm, giúp những chân sút ý thức hơn, chuyên nghiệp hơn về niềm đam mê mà mình đang theo đuổi. Và xa hơn, giúp hàng triệu, triệu người Việt Nam xích lại gần nhau bằng niềm đam mê với trái bóng tròn, bằng niềm tự hào dân tộc.

Nhưng một số không ít CĐV Hải Phòng lại đem đến “hiệu ứng” trái ngược. Và chỉ lo “hiệu ứng” này “lan toả” thì hành trình xây dựng một nền bóng đá chuyên nghiệp đúng tầm cỡ giải đấu quốc gia có nguy cơ đổ sông đổ biển.

VÕ NHÂN