Kinh tế thị trường vốn “thuận mua vừa bán”, nhưng có một số mặt hàng dù không “thuận mua” người tiêu dùng cũng phải mua như: điện, nước, xăng dầu... bởi tính độc quyền, không có đối thủ cạnh tranh. Dịch vụ 3G hiện nay có ít nhất 3 nhà mạng cung cấp là Viettel, Vinaphone, MobiFone nhưng vẫn coi như độc quyền, nếu các nhà mạng thỏa thuận với nhau.

Sự tăng giá của các mặt hàng có tính độc quyền đã kéo theo sự tăng giá của hầu hết các mặt hàng khác trên thị trường. Giá điện tăng thì chi phí sản xuất tăng, kéo theo giá sản phẩm tăng, làm cho sức cạnh tranh giảm. Giá xăng dầu tăng thì kéo theo giá cước vận chuyển tăng, chi phí để hàng hóa lưu thông tăng, đẩy giá thành lên cao... Cách đây hơn 10 năm, thu nhập của chúng tôi chỉ trên dưới 1 triệu đồng/tháng nhưng vẫn sống được, bởi xăng chỉ 5 ngàn đồng/lít; bún 3 ngàn đồng/tô, điện nước trong nhà dùng tối đa 30 ngàn đồng/tháng... Nay thu nhập đã gấp 3 gấp 4 thế mà vẫn sống chật vật.
 
Một kiểu tăng giá rất đáng lo nữa là tăng giá theo sự kiện. Tô bún, tô cháo đang bán giá 15 ngàn đồng như thế, đột nhiên dịp Tết nhảy lên 20 ngàn đồng và cứ thế mãi không giảm; mặc dù giá thịt lợn hơi người nông dân bán ra vẫn không thay đổi. Rồi những dịp rục rịch tăng lương, người hưởng lương chưa nhận được lương mới thì giá cả ngoài thị trường đã tăng cao. Mỗi thứ tăng mỗi ít, làm cho giá trị của đồng tiền nhỏ lại. Vì thế, Chính phủ đã phải nhiều lần điều chỉnh tăng lương, tăng trợ cấp xã hội để ổn định đời sống người hưởng lương, trợ cấp. Các công trình, dự án cũng phải điều chỉnh giá cho phù hợp. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần làm bội chi ngân sách; hậu quả, “quả bom” nợ công không teo lại mà có nguy cơ ngày một phình to.
 
Nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, có sự quản lý của Nhà nước. Thiết nghĩ, cần có biện pháp, giải pháp mạnh trong việc ổn định giá cả. Cùng với sự điều hành vĩ mô của Chính phủ đối với những mặt hàng có tính độc quyền, cần phát huy vai trò mặt trận và các đoàn thể. Những năm gần đây, mặt trận và các đoàn thể đã triển khai khá hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nay, chúng tôi nghĩ nên có thêm cuộc tuyên truyền vận động người dân hiểu và tuân thủ quy luật của nền kinh tế thị trường, ổn định giá cả. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường và các ngành chức năng phải có biện pháp mạnh tay với những trường hợp tăng giá tùy tiện, dù là một hành vi nhỏ nhất. Giá cả ổn định thì thị trường ổn định; giá trị của đồng tiền Việt Nam sẽ đảm bảo; góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Đặng Thành