Cái cách lấy ngân sách hỗ trợ để đào tạo nguồn nhân lực là cách không phải chỉ Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành trong cả nước đã làm (thường là hỗ trợ một phần). Ví dụ như Thừa Thiên Huế trước đây, nếu ai tốt nghiệp thạc sĩ mà được UBND tỉnh phê duyệt đồng ý, nghĩa là đào tạo trong kế hoạch sau khi tốt nghiệp sẽ được hỗ trợ một số tiền nào đó. Tương tự, tiến sĩ cũng vậy. Đối với những người được lãnh đạo đơn vị đồng ý cho đi đào tạo, sau khi tốt nghiệp, nhận bằng về sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% số tiền nói trên.

Có thể khẳng định, đây là một chủ trương tốt đẹp, giúp cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức nâng cao trình độ nhận thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Từ một nền tảng trình độ kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ được nâng cao như vậy sẽ giải quyết hiệu quả hơn công việc, nâng cao tính chuyên nghiệp của bộ máy nhà nước. Và suy đến cùng, cũng là để nâng cao hiệu quả phục vụ doanh nghiệp, Nhân dân, tức là phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

Thế nhưng, khi đi vào thực tiễn cũng không phải mọi điều diễn ra như mong đợi. Tình trạng “lạm dụng” thạc sĩ vẫn diễn ra. Nói làm dụng là vì học không đúng chuyên ngành. Và có nhiều người học xong, dù đúng chuyên ngành cũng không phát huy được trình độ bằng cấp. Một trong những lý do là đào tạo và sử dụng không ăn khớp với nhau.

Đào tạo nguồn nhân lực không phải chỉ mình Nhà nước lo, mà nhìn rộng ra trong xã hội, có nhiều thành phần kinh tế cùng lo. Hệ thống giáo dục từ thấp lên cao là kênh đào tạo nguồn nhân lực to lớn nhất. Bên cạnh đó là hệ thống đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng. Thậm chí các hội đoàn cũng tham gia vào công tác đào tạo. Các doanh nghiệp, hộ tư nhân lại có một kênh đào tạo khác. Có khi không bằng cấp, chứng chỉ nhưng lại đào tạo ra những người thạo nghề. Dù có đào tạo theo cách gì thì cũng hướng đến một mục đích là nâng cao trình độ nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ vào góc độ sở hữu chúng ta sẽ thấy nó khác nhau về tính chất, động lực. Từ sự khác nhau này nó dẫn đến kết quả và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực. Đó là đồng tiền bỏ ra để đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước, nghĩa là sở hữu chung. Và đồng tiền bỏ ra từ doanh nghiệp, tư nhân, nghĩa là sở hữu tư.

Về lý thuyết cũng như thực tiễn, nguồn lực từ sở hữu riêng bao giờ cũng được sử dụng hiệu quả hơn. Mà chúng ta hay gọi là “đồng tiền đi liền khúc ruột” nên họ rất đắn đo trong xem xét đầu tư. Cũng là vì hiệu quả thiết thực mà nó đưa lại. Còn đồng tiền từ nguồn ngân sách Nhà nước, nghĩa là sở hữu chung nên trong không ít trường hợp, người sử dụng ngân sách không đắn đo nhiều về vấn đề hiệu quả. Và đó chính là nguyên nhân dẫn đến hệ quả, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực đôi khi không trùng khớp với nhau. Đó là chưa tính đến, dùng bằng cấp như là một cái mác để thăng tiến, làm đẹp “hồ sơ”. Đó cũng là lý do giải thích vì sao đội ngũ thạc sĩ, tiến sĩ ở đất nước ta được ví như là “lạm phát”.

Đào tạo sai chuyên ngành, đào tạo nhưng về không được sử dụng một cách đúng đắn, đào tạo nhưng người được đào tạo về không phát huy được hiệu quả… đều là một sự lãng phí nguồn nhân lực, dù có là nguồn vốn đào tạo từ sở hữu công hay tư. Đối với sở hữu tư, như trên đã nói, do bản chất sở hữu cho nên thường là nó được sử dụng một cách thận trọng và hiệu quả. Vấn đề đáng bàn là nguồn vốn sử dụng từ sở hữu công. Phải soát xét xây dựng một cách thức sử dụng nguồn vốn đào tạo hiệu quả. Đó là đào tạo phải phù hợp với yêu cầu thực tiễn; đào tạo phải đi đôi với sử dụng.

Lê Phương