Tương truyền, ngày trước, làng Bao La thường xuyên xảy ra nạn hạn hán. Người dân phải đào giếng rất sâu để tìm nguồn nước. Khi mạch nước trong lòng đất sâu xuất hiện cũng là lúc, người dân xóm Hóp bắt gặp tượng con chó đá to bằng chó thật. Tin rằng, đây là vị thần được phái đến để bảo vệ bình an cho làng, người dân kính cẩn đưa tượng chó đá về thờ cúng trong một ngôi miếu tại xóm Hóp. Tương tự, dưới đáy giếng tại xóm Chùa, người dân tìm thấy một tượng đá có hình dáng rất kỳ dị. Tượng đá này có dáng dấp của một người phụ nữ không đầu, ở tư thế ngồi và không thấy rõ tay chân. Phía trước thân trái tượng có hình u lên giống ngực phụ nữ, nên được người dân gọi là tượng Bà Đá. Nhiều vị cao niên ở làng kể lại, ngày ấy, thấy nhân dạng của tượng đá quá kỳ dị, dân xóm Chùa bèn mang ra để ở bến sông Bồ. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, nhiều người nằm mộng giấc mộng y hệt nhau. Họ thấy một người phụ nữ “báo mộng”, bảo đưa tượng đá vứt ở bờ sông về. Người dân lập tức lập miếu thờ ở xóm Chùa và thỉnh “ngài” về thờ cúng, cầu phúc lành cho làng.

Thần Bà ngự trong miếu thờ tại xóm Chùa làng Bao La

Miếu thờ Thần Cẩu hướng ra sông Bồ, cao khoảng 1,5 mét, trên có khắc ba chữ Hán “Thiên Cẩu Thần”. Tượng được tạo bằng đá, hai chân trước thẳng đứng, hai chân sau ở tư thế ngồi. Cổ tượng chó có đeo một tấm bài.

Vào khoảng năm 1980, miếu thờ Thần Cẩu bị đập phá, tượng chó đá bị gãy và trầy xước. Sau này, một trí thức ở làng là Tiến sĩ ngôn ngữ học Võ Xuân Trang cùng người cháu là Võ Văn Văn tu sửa tượng chó đá và xây lại miếu tại địa điểm cũ, như hiện nay.

Miếu thờ Thần Cẩu hướng ra sông Bồ

Miếu Thần Bà cũng với kích cỡ tương tự miếu Thần Cẩu. “Ngài” mặc bộ áo màu vàng (bằng giấy) ngồi trên bệ thờ. Mỗi năm, dân làng thay áo cho “ngài” một lần vào ngày 30 Tết. Vào các ngày lễ “xuân thu nhị kỳ”, khi làng tổ chức cầu an, cúng thổ thần đất đai để cầu bình an, mưa thuận gió hòa, cùng với đình làng thì nghi lễ cũng được tổ chức trọng thể ở miếu Thần Cẩu và miếu Thần Bà. Mâm lễ vật ở miếu Thần Cẩu thường là con gà, đĩa xôi, cau, trầu, rượu và hoa, quả; ở miếu Thần Bà thay con gà bằng đĩa thịt heo. Những năm làng tổ chức lễ lớn, mổ heo, Thần Bà bao giờ cũng được làng cúng nguyên một đầu heo. Riêng đối với Thần Cẩu, dân làng còn hương hoa đều đặn vào các ngày mười bốn, rằm, ngày ba mươi và mồng 1 (âm lịch) hàng tháng. Cứ ba năm một lần, dân làng bầu người làm thủ am để chăm nom miếu. Hiện tại, ông Thái Văn A đang là người trông giữ miếu thờ Thần Cẩu. Miếu thờ Thần Bà do ông Võ Chức trông coi.

Những câu chuyện đậm chất liêu trai về Thần Cẩu và Thần Bà, như một nét đẹp văn hóa lâu đời, được người dân Bao La lưu giữ. Ngày nay, nhiều khách du lịch khi về thăm làng nghề truyền thống Bao La, cũng đã tìm đến những ngôi miếu này để chiêm bái. Thật có lý khi trong bài viết của mình về miếu thờ Thần Cẩu, nhà văn Ngô Thiên Thu đề nghị “chính quyền địa phương nên lên danh sách những di tích cần bảo tồn và phát huy hiệu quả nhằm nhiều mục đích, trong đó có thể phát triển theo hướng du lịch vì làng Bao La là làng nghề nổi tiếng”.

Quỳnh Anh - Linh Chi