Hiện tại, Công ty CP xi măng Đồng Lâm đang thực hiện giải pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của công tác nổ mìn đến đời sống người dân

Đảm bảo quyền lợi người dân

Ông Nguyễn Bá Lành, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho biết, từ năm 2015, người dân các thôn Xuân Lộc, Cổ Xuân - Quảng Lộc và Xuân Điền Lộc phản ánh, trong quá trình hoạt động của Nhà máy xi măng Đồng Lâm, việc nổ mìn khai thác nguyên liệu đá vôi của Công ty Tân Việt Bắc (đơn vị do Công ty Đồng Lâm thuê nổ mìn khai thác đá) làm rạn nứt nhà người dân, sụt lún, mất đất sản xuất nông nghiệp.

UBND xã đã phối hợp cùng Công ty Đồng Lâm và chính quyền cấp trên trực tiếp khảo sát, đánh giá, thống kê số nhà dân và công trình có rạn nứt, diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Đồng thời, UBND huyện Phong Điền phối hợp với các ban ngành cấp tỉnh và Trung tâm Bồi dưỡng và Tư vấn nổ mìn - Hội Kỹ thuật nổ mìn Việt Nam giám sát nổ mìn tại xã Phong Xuân.

Kết quả giám sát về ảnh hưởng do nổ mìn cho thấy mức độ rung chấn trong quá trình nổ mìn tại mỏ đá vôi Phong Xuân đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 02:2008/BCT của Bộ Công thương.

Dù kết quả giám sát như trên, nhưng lãnh đạo Công ty Đồng Lâm khẳng định và thống nhất quan điểm với địa phương là quá trình nổ mìn khai thác nguyên liệu chắc chắn có dư chấn ảnh hưởng đến rạn nứt nhà cửa và các công trình của dân, Công ty Đồng Lâm có trách nhiệm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống.

Qua khảo sát, các nhà dân, công trình bị ảnh hưởng, rạn nứt trong bán kính 500m tính từ đê bao mỏ đá vôi có 118 nhà, công trình. Từ năm 2017, các ban ngành địa phương cùng Công ty Đồng Lâm và người dân thống nhất hai phương án hỗ trợ tiền cho người dân tự sửa nhà hoặc Công ty Đồng Lâm tiến hành thuê đơn vị sửa nhà cho người dân.

Đã có 116/118 nhà dân đồng ý hỗ trợ sửa chữa nhà cửa do ảnh hưởng bởi công tác nổ mìn mỏ đá vôi Phong Xuân

Kết quả khảo sát, lập dự toán chi phí sửa chữa, khắc phục 118 nhà, công trình bị rạn nứt của dân, Công ty Đồng Lâm đã hỗ trợ, chi tiền hỗ trợ cho 98/118 hộ, với tổng số tiền 492 triệu đồng. Công ty đã tiến hành tự sửa chữa nhà theo yêu cầu của người dân với 18/118 hộ dân, tổng số tiền hơn 700 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty Đồng Lâm cũng tiến hành hỗ trợ mỗi hộ dân 3 tấn xi măng (tổng cộng 354 tấn xi măng) để các hộ dân xây dựng các công trình nhà cửa, làm đường vào thôn xóm.

Riêng hai hộ dân còn lại gồm bà Nguyễn Thị Xúc và ông Trần Văn Lùa (thôn Xuân Lộc), đến nay vẫn chưa đạt được thỏa thuận hỗ trợ với Công ty Đồng Lâm. Lý do, theo Phó Chủ tịch UBND xã Phong Xuân, qua tìm hiểu nguyện vọng của người dân, hai hộ này yêu cầu Công ty Đồng Lâm vừa bỏ kinh phí sửa chữa nhà cửa, vừa muốn được nhận tiền hỗ trợ nứt nhà. Nhiều lần địa phương mời các hộ dân này lên cùng với công ty làm việc nhưng chưa đạt được thỏa thuận. Phía xã tiếp tục lắng nghe nguyện vọng các hộ dân và sẽ tuyên truyền vận động để giải quyết dứt điểm vấn đề này trong tháng 10 này.

Giảm thiểu ảnh hưởng

Tiếp tục quan trắc

Theo UBND huyện Phong Điền, đã thống nhất tiếp tục quan trắc việc nổ mìn và theo dõi kết quả đã sửa chữa nhà dân, công trình hư hỏng. Đồng thời, nghiên cứu quy chuẩn, quy phạm và căn cứ vào mức độ ảnh hưởng trực tiếp để đề nghị xin chủ trương của UBND tỉnh di dời các hộ dân. Trong trường hợp không di dời được theo quy chuẩn mà nhà dân, công trình tiếp tục hư hỏng do ảnh hưởng của việc nổ mìn thì nghiên cứu thêm phương án thiết kế và hỗ trợ người dân xây dựng nhà chống rung chấn.

Ông Phạm Phước Hiền Hòa, Phó Tổng giám đốc phụ trách sản xuất Công ty Đồng Lâm thông tin, trước khi tiến hành xây dựng nhà máy, xây dựng cơ bản mỏ, đơn vị đã tuân thủ đúng các quy định, đảm bảo hành lang an toàn nổ mìn. Phía Đồng Lâm đã tiến hành đền bù và di dời các hộ dân trong ranh giới cấp phép và các hộ dân nằm trong phạm vi bán kính 200m là 117 hộ dân.

Công tác nổ mìn tại mỏ đá vôi Phong Xuân đã được Sở Công thương chủ trì mời đơn vị tư vấn chuyên môn độc lập là Trung tâm Bồi dưỡng và Tư vấn nổ mìn - Hội kỹ thuật nổ mìn Việt Nam thực hiện đo đạc, xác định mức độ rung chấn nổ mìn tại mỏ đá vôi Phong Xuân có sự tham gia chứng kiến của các cơ quan chức năng.

Hiện tại, Công ty Đồng Lâm đang thực hiện giải pháp nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của công tác nổ mìn đến đời sống người dân như giảm lượng thuốc nổ tối đa được UBND tỉnh cấp phép là 3 tấn xuống còn 1,5 tấn đối với tầng -10m (vị trí gần khu dân cư) và 2,5 tấn đối với các tầng -20; -30m, xa khu vực dân cư; áp dụng kỹ thuật tiên tiến nhất trong khoan nổ mìn.

Đối với diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng (25,8 ha) cách đê bao của nhà máy từ 150 - 300m, UBND xã Phong Xuân đề nghị thu hồi 3,16 ha ngưng sản xuất do sụt lún từ năm 2014; số diện tích còn lại địa phương đang xây dựng phương án và có chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng phù hợp với từng loại đất.

Bài, ảnh: Hà Nguyên