Không gian giã gạo ở Chợ quê ngày hội. Ảnh: Thanh Đoàn

Ngày đó trong nhà nông cụ trưng bày rất nhiều công cụ làm ruộng khiến chúng tôi thích thú và tò mò. Ấn tượng hơn cả là chiếc chày cối giã gạo của các mệ. Tiếng chày đập vào cối cùng tiếng của mấy mệ “Khoan ơi khoan mời bạn khoan là hò khoan ơ hớ hơ…”. Lũ chúng tôi cứ đứng ngúc ngắc đầu theo những điệu hò nhưng không hiểu gì. Chỉ biết nghe câu hò rất chắc khỏe, ngân dài và chan hòa cùng nhịp điệu của tiếng chày đập cối râm ran.

Tuổi thơ chúng tôi cứ thế lớn dần lên cùng với cây cầu mái ngói và làn điệu hò của mấy mệ, mấy o. Dần dà tôi hiểu hơn về đời sống sinh hoạt của nông dân chân chất, mộc mạc mà đậm tình thôn quê. Mấy mệ thường hay tỉ tê cho chúng tôi nghe chuyện đi làm đồng vì làm mệt quá nên hò đôi lời để động viên tinh thần và quên đi nỗi mệt nhọc. Ngày xưa, các đôi nam nữ yêu nhau thường đứng hai bên bờ sông hò đối đáp hoặc lúc đi tát nước, đạp nước cũng tranh thủ tán tỉnh nhau qua câu hò. Người nông dân yêu thích hò giã gạo vì lời hò có thể lấy từ ca dao, câu chuyện và lúc trình bày đơn giản mà linh động, đến lúc cao trào “cối” hò sôi nổi, lôi cuốn. Người nghe hò cũng là người cùng lao động ở nơi xóm làng, cùng tụ tập trước sân hoặc cạnh dòng sông, khóm tre làng.

Hò giã gạo là một loại hình dân ca, một biểu hiện văn hoá dân gian phổ biến ở nhiều địa phương miền Trung và điển hình là ở Huế. Theo tìm hiểu, các buổi biểu diễn hò giã gạo thường được tổ chức hoàn chỉnh, bài bản và chặt chẽ. Một cối hò thường có 4 nghệ nhân (2 nam và 2 nữ) hình thành hai đôi hò khác giới tính: một đôi nam nữ hò ân tình, một đôi nam nữ hò đâm bắt. Còn người hò giã gạo ở cầu ngói Thanh Toàn chủ yếu là các mệ đã trên dưới tám mươi tuổi, hò độc lập, có thể cùng một lúc đóng nam và nữ. Lời hò chủ yếu là giới thiệu về di tích lịch sử địa phương, đời sống của nông dân,… Tôi đã được nghe câu hò giã gạo đầu tiên bên dòng sông Như Ý hiền hòa nơi vùng quê yên bình này. “… ờ hớ hơ. Hỡi em ơi, quê hương anh là Thủy Thanh, cầu ngói, chơ Huế kinh thành lặng lẽ. Thắng cảnh Hương ơ với dòng Hương. Ờ hớ hơ…”.

Buổi biểu diễn hò giã gạo của các mệ được diễn ra ở không gian làng quê thanh tịnh nên điệu hò khoan khoải, thánh thót vang khắp cánh đồng, dải sông. Mặc dù tuổi tác đã cao nhưng để câu hò tròn vành rõ chữ và lấy hơi thật dài, các mệ luôn biết chăm lo cho chất giọng cũng như giữ gìn sức khỏe cho bản thân. Chiếc áo bà ba và làn tóc búi cùng điệu hò giã gạo của mấy mệ đã “thả hồn” vào vùng quê nơi đây. Các mệ không chỉ hò giã gạo mà còn ngâm thơ, hò ru em, hò đạp nước, làm cho không khí thôn quê đầy ắp tiếng thơ, câu hò sôi nổi và vui tươi, hấp dẫn biết bao du khách. Những người con xa quê, đặc biệt là những kiều bào rất thích nghe hò giã gạo của mấy mệ. Nghe thân thương, quen thuộc mà nhung nhớ về khoảng trời bình yên của những ngày đã xa.

Ngày nay, nghề nông cũng như nhiều nghề thủ công khác hầu như đã cơ giới hóa, các vật dụng thời trước đã xa rời cuộc sống hiện đại nên một số hình thức văn nghệ liên quan đến lao động cũng dần mờ nhạt đi. Giới trẻ chẳng còn mấy ai thích nghe điệu hò xưa mà thay vào đó là các dòng nhạc quốc tế, nhạc thị trường. Và để con cháu sau này không quên các câu hò giã gạo của quê hương các mệ đã tỉ mẩn ghi chép cẩn thận vào cuốn sổ của mình. Họ luôn mong mỏi đời sau sẽ biết giữ gìn và phát triển làn điệu dân ca mộc mạc này.

Sẽ thật thiếu sót nếu như về cầu ngói Thanh Toàn mà lỡ dịp nghe mấy mệ hò giã gạo bên dòng sông Như Ý, sẽ không đơn điệu mà ngược lại, rất trữ tình sâu lắng và để có thêm hiểu biết về nền nông nghiệp trồng lúa nước của cha ông ta cũng như đời sống sinh hoạt của nông dân.

LÂM TRÚC