Chưa bao giờ việc chọn trường và chọn nghề để học lại dễ dàng, thuận tiện như hiện nay, nhờ hệ thống trường nghề phát triển mạnh và đa dạng. Riêng trên địa bàn Thừa Thiên Huế, hiện có 5 trường cao đẳng nghề, 6 trường trung cấp nghề cùng vài chục trung tâm dạy nghề công lập và dân lập… Nhưng thực tế, để tìm được việc làm phù hợp với nghề đào tạo lại là việc không đơn giản. Cách đây gần chục năm, tôi có đứa cháu với sức học làng nhàng nên sớm quyết định theo học nghề. Tìm hiểu nhu cầu thị trường và tham khảo rất nhiều ý kiến, cuối cùng cháu chọn học trung cấp du lịch. Thời điểm đó, ngành học này dự báo có nhu cầu lớn, khi tỉnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ. Với tấm bằng trung cấp, chuyên ngành lễ tân, nhưng trình độ ngoại ngữ “nói bằng tay” nhiều hơn bằng lời, nên các khách sạn lớn đều lắc đầu. Bí quá, cháu đành xin vào làm việc cho một khách sạn tư nhân loại “không sao”, thu nhập chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, nhưng phải làm đủ các công việc, từ dọn phòng đến bưng bê phục vụ, giặt giũ. Đã thế, chủ lại kêu làm thêm bất chừng, chẳng kể giờ nghỉ, ngày nghỉ. Quá nản, cháu bỏ việc và chuyển qua học nghề thợ may, nay đã ra nghề và nhận may gia công, thu nhập chẳng đến nỗi nào mà chủ động hơn về thời gian… Tương tự, tôi cũng từng vất vả khi cầm tấm bằng cao đẳng điện dân dụng (một nghề được nhiều người lựa chọn học) xin việc cho người thân. Một giám đốc doanh nghiệp mới nghe tôi đặt vấn đề, chưa nói ngành nghề đào tạo đã giao hẹn trước, miễn không phải là ngành quản trị kinh doanh và điện… vì quá nhiều, không biết sắp xếp việc gì. Anh còn gợi mở, nếu theo học cao đẳng dệt may thì chắc chắn sẽ có việc làm, vì nhu cầu trên địa bàn rất lớn, nhưng chẳng mấy ai theo học...
Chỉ cần qua hai trường hợp trên cũng phần nào thấy bức tranh đào tạo nghề của chúng ta hiện đang mất cân đối giữa các ngành và chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Kết quả khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo trong ngành du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam công bố cũng chỉ rõ chất lượng đào tạo nghề du lịch vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, thiếu lao động chất lượng cao... Điều này không chỉ đúng với ngành du lịch, mà còn là thực trạng chung của nhiều ngành nghề khác.
Theo Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011-2020, phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74% và 85% vào năm 2020; trong đó, đào tạo nghề là 60% và 70%. Để đạt mục tiêu trên, có rất nhiều việc cần phải làm, nhưng trước tiên các cơ quan quản lý cần có sự điều tra, dự báo nhu cầu lao động xã hội, định hướng thông tin để người lao động có sự lựa chọn nghề phù hợp; xác định lại cơ cấu các bậc đào tạo và các ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh; đổi mới nội dung đào tạo sát với nhu cầu sử dụng của thị trường; trong đó cần ưu tiên phát triển nhân lực các ngành có lợi thế và là thế mạnh của tỉnh, phục vụ yêu cầu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị.
Hoàng Giang