Nghề vót đũa tre ở Hương Long cực thịnh những năm 60, 1/3 làng An Ninh Thượng mưu sinh bằng nghề này nhưng sau đó thì suy giảm dần. Số hộ bám nghề đến tận thời điểm này chỉ đếm trên đầu bàn tay, trong đó có vợ chồng Hồ Thị Thu Trang – Nguyễn Văn An.
"Nhất chặt tre, nhì ve gái" là câu nói dân gian mà một nửa trong đó ứng với khâu chọn nguyên liệu làm đũa (ảnh trên) |
Ra tre cần sự khéo léo và tỉ mỉ |
“Đó là nghề mưu sinh duy nhất do đời trước truyền lại nên vợ chồng tui duy trì. Xưa, cố, mệ tui đưa đũa ra bán tận Đông Hà, Quảng Trị, Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Lời lãi chẳng bao nhiêu nhưng dựng vợ gả chồng, xây nhà, sắm xe… đều nhờ đôi đũa mà nên”, bà Trang nói. 12 tuổi kế nghiệp cha mẹ, đến nay bà Trang cùng chồng có 40 năm gắn bó cùng đũa tre.
Nhìn tay biết ngay nghề đũa! Hệ quả công việc này là móng tay cùn, da trầy xước thậm chí có ngón cong vênh |
Bà Trang cùng chiếc xe đạp này đến tất cả các chợ trong thành phố bán đũa, bình quân 10 ngày thì đáo phiên một chợ |
Tuy nông nhàn hơn làm ruộng nhưng để có đôi đũa thành phẩm cũng vất vả không kém từ chặt tre, cưa tre, ra tre, chẻ góc, vót đến phơi, bảo quản. Bán 400 đôi đũa mới lời được 100 nghìn đồng nhưng khi hàng không chạy họ phải chuyển sang làm đòn gánh, bán đũa bông, đũa nem lụi, đũa cơm niêu… theo thời vụ, lấy ngắn nuôi dài. “Công việc cực lắm chứ không đơn giản như người ta tưởng, các con tôi không ai làm đũa tre nên hết đời tôi có lẽ “đứt” nghề luôn”, ông An tâm sự.