Thầy giáo Lê Quốc Anh và các em trong đội dự tuyển Olympic quốc tế

Khơi dậy đam mê

Hai học sinh lớp 11 đạt giải nhất là Lê Công Minh Hiếu và Tống Phước Thanh Bình. Cũng trong kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia năm 2019, đội tuyển Trường THPT chuyên Quốc Học có 8/8 em và có 5 học sinh lớp 11 đoạt giải (2 giải nhất, 2 giải nhì và 1 giải khuyến khích); đặc biệt, 3 em được chọn vào vòng 2 tham dự đội dự tuyển Olympic Quốc tế.

Xin được bắt đầu về người thầy. Tốt nghiệp loại giỏi Khoa Vật lý Trường đại học Sư phạm Huế năm 2008, Lê Quốc Anh được tuyển dụng về Trường THPT chuyên Quốc Học và anh từng đạt giải nhất trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Bất ngờ hơn khi thâm niên dạy đội tuyển học sinh giỏi mới 7 năm mà đã có đến 3 em học sinh lớp 11 do thầy giáo sinh năm 1985 này làm chủ nhiệm đoạt giải nhất. Trước Minh Hiếu và Thanh Bình (2019), có giải nhất của Nguyễn Hải Vỹ (năm 2017) .

Hay tin đội tuyển vật lý “thắng to”, tôi vội tìm về Quốc Học và được giới thiệu gặp ngay thầy giáo Quốc Anh. Không nói nhiều về mình và cũng chẳng hề khách sáo, thầy giáo Quốc Anh cười bảo, thành công này là cả tập thể. Rồi thầy kể, lớp dạy bồi dưỡng còn có cô Đoan Trang đồng hành. Giọng thầy rạch ròi, không hề có ý nhận hết công trạng và tôi hiểu, “một cánh én nhỏ” chẳng làm nên mùa xuân. Song phải thừa nhận, việc phát hiện, bồi dưỡng, truyền lửa đam mê, khiến học trò say mê bứt phá không dễ. Rõ ràng, không có được con mắt tinh đời, có cái tâm sáng, biết chọn được trò giỏi để rèn luyện, hẳn sẽ không có những học sinh đạt giải cao ở cấp quốc gia và tiếp tục rèn giũa để ra đấu trường quốc tế.

Ở một ngôi trường như Quốc Học, chất lượng “đầu vào” tốt. Nhiều em giỏi toàn diện nên có nhiều sự chọn lựa. Tâm lý của nhiều phụ huynh vẫn muốn con chọn một trường đại học có tiếng hoặc đi du học. Vậy nên, nhiều em rất giỏi môn lý, song bố mẹ ngăn cản vào đội tuyển, thế là vội tìm đến thầy. Có em chuẩn bị vào giai đoạn đi thi thì phụ huynh đổi ý. Thầy giáo Quốc Anh phải trực tiếp gặp và thuyết phục. Nhiều học sinh cũng ưu tư, sợ không đoạt giải, chẳng những không được ưu tiên mà còn sao nhãng những môn học khác.

Áp lực vào đội tuyển là có thật. Chưa xong chương trình lớp 10, đội tuyển quốc gia phải hoàn tất chương trình từ lớp 10 đến 12. Để vượt qua, các em rất cần sự tận tâm của người thầy. Tôi nghe Tống Phước Thanh Bình thuật lại, có lúc em nghĩ mình bỏ cuộc khi không chịu nổi áp lực vì lịch ôn luyện dày đặc, nhưng thầy cô trong tổ bồi dưỡng đã luôn sát cánh, giúp em biết kết hợp giữa học tập và giải trí hợp lý để có một kết quả thi tốt nhất.

Kể về những học trò cưng, Quốc Anh say sưa, dường như thầy đã quen tính khí từng em. Thầy có mối quan hệ tốt với giáo viên dạy vật lý ở các trường THCS, nên hay được “mách nước’’ để xây dựng nguồn học sinh giỏi. Nhớ lại Lê Công Minh Hiếu, nhiều người vẫn cho rằng Quốc Anh “bắt bệnh” tốt. Hiếu là học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương, học rất giỏi, nhưng đi thi tâm lý không ổn định nên đoạt giải không cao. Thầy Anh phát hiện, em thiếu kỹ năng nên vận dụng kiến thức vào bài thi không chuẩn. Thầy và trò đã có những ngày tháng miệt mài, Hiếu được rèn luyện cách làm bài thi nhiều hơn, còn thầy chỉ ra những lỗi sai của trò để khắc phục. Cậu bé Hiếu ngày nào không còn bị ám ảnh bởi câu “học tài thi phận” khi nhiều năm liền đều đoạt giải cao, Huy chương Vàng kỳ thi Olympic khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc bộ, giải nhất tỉnh, giải nhất quốc gia.

Thầy trò cùng khổ luyện

Gấp rút nhưng không vội vàng và với sự tinh tường của người thầy chuyên dạy học sinh giỏi, Quốc Anh có cách làm riêng khi cho học trò làm rất nhiều bài kiểm tra, có khi đến 7 - 8 lần, mới chọn. Chuẩn bị tham dự các đội tuyển, thầy Quốc Anh thường lựa những em giỏi, thông minh, bình tĩnh và cẩn thận, từ đó đưa ra phương pháp dạy riêng. Ngay như Nguyễn Hải Vỹ, lúc đầu không phải là người có thành tích nổi bật nhất. Thầy giáo Quốc Anh phát hiện ra tố chất trong Vỹ, “viên ngọc” ấy chưa được rèn giũa, bởi em chưa từng qua một lò luyện thi nào do sống xa trung tâm, hoàn cảnh khó khăn.

Lọt qua được khung cửa hẹp, những “chú gà chọi” phải đối mặt với hàng loạt kỳ thi học sinh giỏi. Càng lọt vào các vòng trong càng phải cố, chưa kể áp lực từ bạn bè, gia đình và nhất là từ chính thầy cô đang ngày đêm “luyện công” cho các em. Chính vì vậy, học sinh giỏi chỉ còn biết học và học, tập trung vào môn chuyên để có cơ hội đạt giải. Nhà của thầy giáo Quốc Anh do thế là “đại bản doanh”, các em có thể đến bất cứ lúc nào để ôn luyện. Quốc Anh vừa là thầy, vừa là người anh giúp các em vượt qua sự căng thẳng để có tâm lý ổn định.

Trước mỗi kỳ thi, học sinh được chọn thường về nhà riêng của thầy giáo, cùng ăn, cùng ở và cùng học. Trong ký ức của nhiều học sinh chuyên lý, những ngày tháng ôn luyện ở căn nhà nhỏ của thầy Quốc Anh thật đặc biệt. Nhiều hôm, thầy trò cùng giải xong một đề thi Olympic thì trời đã sáng.

Vật lý vốn là môn học khô cứng, nhiều học trò không có hứng thú học. Có em cảm thấy “khớp” khi đứng trước thiết bị hiện đại. Thầy lại phải đồng hành cùng trò. Thầy trò cùng tìm tài liệu, cùng online bất cứ lúc nào để tìm ra những cách giải hợp lý. Trong mỗi bài giảng, thầy đều “biến tấu” để các vấn đề từ phức tạp thành đơn giản, giúp học trò hiểu nhanh, hiểu kỹ. “Điều mà tôi luôn hướng tới là vận dụng các bài học lý thuyết vào thực tiễn để tạo cảm hứng và phát huy tính tự học, khả năng sáng tạo của học sinh. Thầy giáo không thể giải nhanh những bài thi, đề thi cụ thể bằng học sinh nhưng các em rất cần ở họ tính định hướng vĩ mô về các loại đề, dạng đề và ở tầm bao quát kiến thức". Quốc Anh chia sẻ.

Câu chuyện với thầy giáo Quốc Anh cứ vậy bị cuốn hút và tôi như đang sống lại cái tuổi học trò đầy khát vọng. Quốc Anh bảo, anh nặng duyên lắm với nghề “làm đò chở khách sang sông này” nhưng đã thật vui không bởi học trò đạt giải này hay giải nọ mà còn bởi tấm lòng và những tình cảm đong đầy. Còn thầy giáo Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học Huế thì nhận xét gọn mà đầy đủ: Quốc Anh là thầy giáo có trình độ chuyên môn vững vàng, nhiệt huyết, luôn theo sát, hiểu rõ tâm tư và nguyện vọng, nhất là định hướng cho các em đi theo con đường học sinh giỏi chuyên sâu. Quốc Anh luôn có mối quan hệ chặt chẽ với phụ huynh và tranh thủ sự ủng hộ của họ nên can thiệp kịp thời để các em phát huy năng lực, sở trường.

Tôi nghe kể, học trò của Quốc Anh đi xa nhưng vẫn luôn nhớ đến thầy, thường xuyên liên lạc và dịch cho thầy những tài liệu nước ngoài để tiếp tục bồi dưỡng cho các em trong đội tuyển, góp thêm cho thầy giáo yêu thương hành trang trong hành trình dạy học và góp phần đưa thương hiệu “Quốc Học” bay cao và vươn xa.

Bài, ảnh: Huế Thu