Phương tiện của Công ty Bảo Thái cơi nới, nâng ben thùng vẫn ngang nhiên hoạt động trên đường
“Mê cung” bụi
Nhiều tháng nay, xe tải chở đất san lấp từ mỏ của Công ty TNHH xây dựng Bảo Thái (Công ty Bảo Thái) hoạt động trên tuyến Quốc lộ 1A cũ, “chui” dưới cầu vượt đường sắt Bắc - Nam - đoạn đường gom cầu vượt đường sắt Bắc - Nam tại Km 801+ 910 Quốc lộ 1A (thôn Đông Lâm, xã Phong An) gây ô nhiễm môi trường quanh khu vực này.
Ghi nhận của PV, từ tuyến Quốc lộ 1A cũ, hàng ngày có hàng trăm lượt phương tiện mang logo “Bảo Thái” ra vào khu vực này với các xe chở “có ngọn” tràn ben, thùng, che chắn bạt sơ sài. Đất đá rơi vãi trên đoạn tuyến quốc lộ cũ này, khiến người dân hai bên đường phải “gánh đủ”. Cụ thể, xe mang BKS 75C.086…, 75C.098…, sau khi chạy vòng từ Quốc lộ 1A xuống khu mỏ lấy đất, với tốc độ nhanh qua khu vực thôn Đông Lâm. Từ đoạn nằm dưới cầu vượt đường sắt Bắc - Nam, bụi tung mịt mù. Các xe này kích thước thùng của nhà sản xuất lần lượt là 0,95m và 1,05m, nhưng đã được “độ” lên cao khoảng 1,5m, chở đất gây rơi vãi trên đường.
Hình ảnh "gốc" của xe tại trung tâm kiểm định, đối chiếu với hình ảnh thực tế tại hiện trường thùng hàng đã nâng lên khoảng 0,5m
Trong quá trình di chuyển, những xe nới ben, nới thùng, chở vật liệu có dấu hiệu quá tải, không thấy cơ quan chức năng nào xử lý.
Bà Nguyễn Thị Đờn (thôn Đông Lâm, xã Phong An) cho biết, xe lưu thông qua đoạn này thường lưu thông với tốc độ cao, rất nguy hiểm. Do quá bụi người dân ở đây đã từng mang chướng ngại vật ra đường chặn xe. Được vài bữa chủ mỏ đất cho tưới nước, quét bụi trên đường rồi thì… đâu lại vào đấy!
Từ tuyến Quốc lộ 1A cũ, theo đường liên thôn Đông Lâm dẫn vào khu mỏ, chúng tôi không hình dung được đây là đường dân sinh và rừng keo tràm kinh tế của người dân nữa mà đó là một “mê cung” của bụi! Nhiều nhà ven tuyến đường khu vực Phường Hóp đóng cửa kín mít. Bụi trên đường bám một lớp dày, bay qua các rừng cây và nhà dân bên cạnh. Mỗi khi có phương tiện xe chở đất chạy qua thì bụi tung mịt mù.
Được biết, khu vực thôn Đông Lâm có khoảng trên 80 hộ dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng chở đất ô nhiễm của Công ty Bảo Thái.
Cần sớm khắc phục những tồn tại
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Phong An thông tin, liên quan đến vấn đề chở đất gây ô nhiễm môi trường của Công ty Bảo Thái người dân đã bức xúc, kiến nghị nhiều lần. Xã cũng đã nhiều lần làm việc trực tiếp với công ty và người dân để tìm hướng giải quyết.
Theo đó, công ty cam kết tiến hành hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ dân bị ảnh hưởng và tiến hành tưới nước hàng ngày tại khu vực tuyến đường dân sinh có khu mỏ và tuyến Quốc lộ 1A cũ. Đồng thời, tuyến đường dân sinh cũng được công ty sửa chữa thường xuyên, nâng cấp, đổ đá dăm những chỗ lầy lội.
Ông Dũng cũng cho rằng, trong thời điểm nắng nóng cộng với việc mỏ đất tăng cường độ khai thác như hiện nay thì việc ô nhiễm là khó tránh khỏi nên phía địa phương đã yêu cầu công ty nhắc nhở các lái xe qua khu vực gần dân cư chạy chậm và tiến hành tưới nước thường xuyên để hạn chế bụi.
Công ty TNHH xây dựng Bảo Thái được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản vật liệu san lấp từ năm 2014 trên diện tích hơn 6ha tại khu vực Phường Hóp (xã Phong An). Năm 2018 công ty được UBND tỉnh tiếp tục gia hạn thời gian khai thác đến tháng 2/2021. |
Liên quan đến mỏ đất san lấp, ông Dũng cho rằng, xã đã phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác khai thác đất san lấp tại mỏ của Công ty Bảo Thái. “Đến nay, chúng tôi chưa phát hiện được các vi phạm quy định liên quan đến khai thác mỏ về phạm vi, độ sâu cho phép khai thác của mỏ này. Tuy nhiên, về công tác khắc phục môi trường, hoàn thổ, trồng cây công ty vẫn chưa thực hiện”, ông Dũng cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Phong Điền cho hay, mới đây, Phòng TN&MT huyện đã phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra việc chấp hành các quy định khai thác mỏ của Công ty Bảo Thái. Quá trình kiểm tra cho thấy các thủ tục, giấy phép (vừa gia hạn) đầy đủ. Tuy nhiên, hiện công ty chưa tiến hành mở moong mỏ, làm hồ lắng để ngăn nước, bùn tràn ra ngoài vào mùa mưa, xuống đồng ruộng gần đó.
“Sau khi kiểm tra, đoàn đã yêu cầu công ty thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, làm hồ lắng, đến nay chưa biết công ty đã thực hiện đến đâu, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại”, ông Tùng khẳng định.
Bài, ảnh: Hà Nguyên