Đường dẫn vào khu vực thi công thủy điện sông Bồ

Mở đường để khai thác, vận chuyển

Cụ thể, công ty này đã khai thác, tận thu tài nguyên khoáng sản gồm cát, sỏi và đá tại phạm vi tiểu khu 309 (xã Hương Phong, huyện A Lưới) do Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) A Lưới quản lý.

Ghi nhận của PV, từ đường bê tông dẫn vào khu tái định cư Cu Mực - Căn Hoa, qua cầu Ưng Hong, chủ đầu tư dự án thủy điện mở một con đường lớn chạy dọc các quả đồi để vận chuyển máy móc, vật liệu phục vụ thi công nhà máy thủy điện sông Bồ.

Từ tuyến đường này, Công ty Sông Bồ mở đường men theo sông Bồ vào khoảnh 7, tiểu khu 309 thuộc diện tích rừng của Ban QLRPH A Lưới để thu gom, khai thác cát, sỏi, đá không phép.

Theo phản ánh của người dân, nhiều tháng liền, công ty này đã cho các loại máy móc, phương tiện xe tải vào điểm này lấy cát sau đó vận chuyển đến điểm thi công các hạng mục nhà máy thủy điện sông Bồ. Tại khu vực này, Công ty Sông Bồ còn cho nhân công, máy móc tiến hành sàng đá, nước xả thải thải ra khu vực này gây đục dòng sông. Quá trình đắp đường đơn vị thi công còn lấy đất đá ở suối, khu vực bờ sông Bồ để làm vật liệu…

Sau khi nhận được phản ánh, mới đây đoàn kiểm tra liên ngành gồm Công an huyện A Lưới, Ban QLRPH A Lưới, Phòng TN&MT huyện A Lưới, Hạt Kiểm lâm A Lưới cùng đại diện xã Hương Phong và các cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra hiện trường khai thác cát trái phép của Công ty Sông Bồ tại khoảnh 7, tiểu khu 309, xã Hương Phong.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện các loại máy móc, phương tiện khai thác cát đã di chuyển ra khỏi khu vực khai thác. Đoàn liên ngành ghi nhận còn đống cát khoảng 50m3 ngổn ngang ở cuối đường cách chân đập 2km; quá trình khai thác đã để lại hố sâu 1m, dài 40m, rộng 30m khi cát, sạn đã bị lấy đi.

Cần sự phối hợp, theo dõi

Theo biên bản làm việc giữa các bên, qua quá trình kiểm tra chưa có văn bản nào của cơ quan chức năng đồng ý cho phép Công ty Sông Bồ khai thác cát, sỏi tại khu vực nói trên. Phòng TN&MT huyện A Lưới đã đề nghị công ty ngưng khai thác, khắc phục môi trường, có biện pháp xử lý nước thải trước khi thải ra sông Bồ.

Ông Văn Thân, Giám đốc Ban QLRPH A Lưới cho biết: “Đoàn kiểm tra đã có biên bản làm việc, yêu cầu phía Công ty Sông Bồ dừng ngay việc khai thác cát, sỏi trái phép và khi nào có văn bản đồng ý của cấp có thẩm quyền về khai thác cát, sỏi đề nghị phía công ty cung cấp cho đơn vị để phối hợp theo dõi, giám sát, tránh lợi dụng để vận chuyển lâm sản trái phép. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác giám sát tại đây”.

Ông Lê Toàn Thắng, Giám đốc Công ty CP thủy điện Sông Bồ cho rằng, khu vực khai thác cát, sỏi nằm trong diện tích quy hoạch thuộc các hạng mục của nhà máy thủy điện sông Bồ. Trước đây, công ty đã gửi văn bản về việc đăng ký khai thác cát, đá đến cấp có thẩm quyền của tỉnh nhưng chưa nhận được phản hồi.

“Giữa tháng 7/2019, công ty tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh và Sở TN&MT về việc xin tận thu, khai thác cát, đá sỏi phục vụ thi công dự án thủy điện với công suất hơn 5.400m3/tháng; khối lượng hơn 55.000m3 đá, cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường ở khu vực lòng hồ thuộc phạm vi dự án với phương pháp khai thác từ bờ sông vào núi, từ trên xuống dưới, chiều sâu 5m... Hiện công ty đã dừng các hoạt động khai thác để chờ ý kiến của các cơ quan chức năng và tiến hành khắc phục môi trường”, ông Thắng nói thêm.

Trước đó, trong quá trình thi công nhà máy thủy điện A Lin B1 tại địa bàn huyện A Lưới do Công ty CP thủy điện Trường Phú làm chủ đầu tư cũng xảy ra tình trạng khai thác cát sỏi trái phép dưới chân đập dự án thủy điện này đoạn qua xã Hồng Trung. Liên quan đến sự việc này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT cùng các ngành chức năng lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra các vi phạm tại dự án thủy điện A Lin B1 nhằm có biện pháp xử lý.

Thủy điện trên sông Bồ thuộc nhánh cấp 1 của sông Hương đi qua bàn các xã Hương Nguyên, Hương Lâm, Hương Phong (huyện A Lưới). Dự án gồm đập chính dâng kết hợp đập tràn trên sông Bồ, tuyến năng lượng bờ trái và nhà máy thủy điện sau đập xả nước trở lại sông Bồ. Dự án thủy điện này có diện tích lưu vực đến tuyến đập 148km2; mực nước dâng bình thường 161m, mực nước hạ lưu nhỏ nhất 79,6m; công suất lắp máy 20MW và điện lượng trung bình hàng năm khoảng 68,7 triệu kWh.

Bài, ảnh: Hà Nguyên -  Hùng Bảng