Lễ xướng danh ở Kỳ thi Hương tại Nam Định năm 1897 (ảnh tư liệu)

Hầu như, các tác giả chỉ suy luận điều này từ căn cứ thực tế diễn ra để nhận định là vua Gia Long và triều Nguyễn đã đặt ra lệ không lấy trạng nguyên, không trưng dẫn được một minh chứng cụ thể nào.

Ở đây, điều đầu tiên cần nói tới và khẳng định là vua Gia Long không đặt ra lệ này. Bởi lẽ, thời phong kiến, khoa cử được tổ chức lần lượt qua các khoa: thi Hương, thi Hội, thi Đình mà muốn lấy trạng nguyên thì phải tổ chức khoa thi cao nhất là thi Đình. Nhưng thực tế dưới triều Gia Long, các kỳ khoa cử cao nhất được tổ chức vào giai đoạn này là thi Hương (lấy đỗ phân thành hai hạng cử nhân và tú tài). Người đỗ cử nhân sẽ tiếp tục được dự khoa thi Hội.

Khoa thi Hội đầu tiên của triều Nguyễn chỉ được tổ chức lần đầu dưới thời Minh Mạng. Theo Đại Nam thực lục, năm 1822, vua Minh Mạng ban dụ rằng: “Khoa thi Hội này là khoa đầu tiên, là điển lễ quan trọng, các ngươi nên rất mực công bằng, đừng phụ lời khuyên bảo của trẫm”. Khoa thi Hội lấy đỗ phân thành hai hạng tiến sĩ và phó bảng. Người đỗ trúng cách (tiến sĩ) sẽ tiếp tục được dự khoa thi Đình.

Bài thơ “Khẩu hiệu khuyến hội thí sĩ” in trong “Ngự chế thi sơ tập” của hoàng đế Minh Mạng

Khoa thi Đình (đình thí hay điện thí, thời Tự Đức gọi là Phúc thí) được tổ chức tại hoàng cung, muốn lấy đỗ Trạng nguyên thì phải căn cứ vào kết quả của khoa thi Đình này. Đề thi Đình là một bài văn sách do vua ra. Đây là một đề thi khó, mà vào thời Nguyễn, có kỳ thi, nhà vua trực tiếp chấm thi, nhiều lúc không hài lòng về kết quả vua đã chủ trương cho thi lại.

Những điều này cho thấy, vì không tổ chức thi Đình nên làm gì có chuyện vua Gia Long cho đặt lệ không lấy trạng nguyên. Chuyện không có trạng nguyên qua các kỳ khoa cử vào thời Nguyễn lại liên quan đến quy định về kết quả thi. Trải qua các kỳ thi, không có người nào đạt số điểm theo quy định của việc lấy đỗ Trạng nguyên. Triều Nguyễn đã quy định rất cụ thể cho việc lấy đỗ Trạng nguyên qua các kỳ thi. Năm 1829, triều đình quy định lại cách thức chấm điểm của thi Hội. Bộ Lễ tâu: “Khoa trước duyệt quyển, chia làm ưu, bình, thứ, xin theo như phép thi Hội mới định, đổi làm phân số (…) Phàm văn lý được 10 phân thì xin cho đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên); 9 phân thì Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh (Bảng nhãn); 8 phân thì Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa)”.... Trong lịch sử khoa cử triều Nguyễn, chưa có người nào đạt được 10 phân (tức 10 điểm) để đạt học vị cao nhất là Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh cả, nên không có Trạng nguyên là vì lẽ đó. Có hai người đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh là cao nhất (tức đạt 9 phân - 9 điểm) là Phạm Thanh (người Thanh Hóa) và Vũ Duy Thanh (người Ninh Bình) đều cùng ở khoa thi 1851 triều Tự Đức.

Trải qua các kỳ khoa cử, chưa lúc nào đạt kết quả toàn bích để có được Trạng nguyên, chính vua Minh Mạng cũng hết sức tâm tư. Vua Minh Mạng đến xem xét và duyệt kết quả và nói với Phan Huy Thực ở Bộ Lễ rằng: “Thi Đình rất khó lấy được người đỗ đệ nhất giáp. Nếu không lấy thì là thiếu nhân tài, mà lấy phiếm, e không làm thoả được nguyện vọng của sĩ phu”. Băn khoăn là như thế, nhưng khoa cử vẫn phải giữ lẽ công bằng. Không có Trạng nguyên thì vẫn chấp nhận kết quả, không miễn cưỡng để cân nhắc, vớt vát, khiến các sĩ tử không phục. Điều này còn nói lên khoa cử vào thời bấy giờ rất chú trọng tính khách quan, một lối tư duy đào tạo hướng đến thực chất. Đó là minh triết trong giáo dục đào tạo của người xưa.

Gần đây, đọc lại sách xưa, mới thấy thêm nỗi khát khao thời ấy muốn có được trạng nguyên qua một đoạn sử liệu và bài thơ do vua Minh Mạng ngự chế. Sách Minh Mệnh chính yếu có chép nội dung là năm 1838, hoàng đế đến xem xét kỳ thi Hội, gặp ngày mưa lạnh, quan trường thi ra nghênh đón, vua sai ban rượu cho viên này; lại cấp ban chia cơm rượu, hỏa lò, chiếu cói cho thí sinh; và lại ban thêm một bài thơ do chính vua làm (Nội dung này cũng được chép trong Quốc Sử di biên của Phan Thúc Trực và Đại Nam thực lục). Bài thơ vua ban trong dịp này đã được in lại trong Ngự chế thi sơ tập của vua Minh Mạng, nhà vua đã đặt thêm nhan đề bài thơ, nguyên văn như sau: 

Phiên âm:

Khẩu hiệu khuyến Hội thí sĩ               

Tuyết trung (1) tống thán kim triêu hữu,

Thổ tận anh ba tác trạng nguyên.

Tùng bách tuế hàn phương thức hảo,

Các tu miễn lễ đáp quân ân.

Dịch thơ:

Lời kêu gọi khích lệ sĩ tử tại kỳ thi Hội

Hôm nay rét lạnh đã ban than,

Đem hết tinh hoa kiếm Trạng nguyên.

Năm lạnh bách tùng lên tươi tốt,

Cùng nhau gắng sức báo ơn trên.

                        (Hải Trung dịch)

Bài thơ cho thấy, vua Minh Mạng rất xem trọng việc tìm kiếm nhân tài qua khoa cử. Nhà vua khuyến khích sĩ tử “Đem hết tinh hoa kiếm Trạng nguyên”. Trong thực tế, kết quả khoa thi năm 1838 này chỉ có 11 người đỗ hạng trúng cách (tiến sĩ) sau đó được tham dự thi Đình. Hai tháng sau, thi Đình được tổ chức vào tháng tư (nhuận). Kết quả thi Đình lần này cũng không có ai đạt “10 phân” để có thể lấy đỗ được Trạng nguyên cả!

Sử sách và thi ca đã ghi nhận thực tế trên. Nếu tìm hiểu rộng ra, tra cứu tất cả các loại chính sử của triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Minh Mệnh Chính Yếu, Đồng Khánh, Khải Định chính yếu... không có một điều khoản nào quy định về “tứ bất lập” và không lấy đỗ Trạng nguyên cả. Từ sử sách và đặc biệt là từ bài thơ kêu gọi khích lệ sĩ tử kỳ thi Hội năm 1838 của vua Minh Mạng, có thể khẳng định vua Gia Long và triều Nguyễn không ban hành “lệ không lấy Trạng nguyên” qua khoa cử như nhiều người từng nhận định.

(1)Tuyết trung: trong tuyết. Ở đây nhà vua dùng hình ảnh tiết Đại tuyết để chỉ trời giá lạnh. Thực ra ở Kinh đô Huế không xuất hiện tuyết.

NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG