Tôi không biết đây là chủ trương của tỉnh, của TP. Huế hay là của phường? Nhưng dù bất cứ là của cấp chính quyền nào, ai là người khởi xướng tôi đều cho đây là một suy nghĩ và cách làm hay!
Hàng quán trên đường Điện Biên Phủ được sửa chữa, xây dựng lại ngày càng đẹp hơn. Ảnh: MC
Nó hay ở chỗ - công tác chỉnh trang đô thị ở TP. Huế những năm qua được đẩy mạnh. Từ xây dựng hạ tầng, trồng hoa, cây xanh đến thắp sáng đô thị; từ trật tự giao thông đến ngăn chặn lấn chiếm vỉa hè… Đó là việc của chính quyền. Chính quyền làm rất quyết liệt nên nề nếp đô thị chúng ta cảm nhận có những bước cải thiện rất rõ.
Về phía người dân, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt hiện nay, chúng ta thấy các hàng quán hai bên đường được sửa chữa, xây dựng, thiết kế lại đẹp mắt, trong đó có không ít hàng quán được thiết kế độc lạ, đã góp phần làm đẹp và thú vị hơn, sang hơn cho bộ mặt đô thị. Chỉ nhìn vào việc này thôi chúng ta cũng thấy được sức mạnh của sự cạnh tranh và sự điều chỉnh của nhu cầu thị trường. Người ta thế này mà anh “lẹt đẹt” thế kia thì khó mà cạnh tranh được để tồn tại. Có thể nói, tất cả đều là sự đòi hỏi của nhu cầu thị trường.
Trong khi bộ mặt hai bên đường được cải thiện đáng kể thì các mái che (như nói trên) không được cải thiện là mấy. Ai muốn làm theo kiểu gì thì làm, đủ kiểu đủ cách, đủ các loại vật liệu. Không ít mái che sử dụng lâu năm trở nên cũ kỹ, chắp vá… đã làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Cho nên, nói - “quy chuẩn” mái che là một cách nghĩ và cách làm hay là vậy. Mọi cái sẽ vào quy củ nếu chúng ta nhận biết và điều chỉnh dần. Điều này người dân thấy có lý nên thuyết phục được họ. Và một khi người dân đồng thuận thì nó trở thành sức mạnh, mọi thứ trước đây được cho là khó khăn thì nay trở nên dễ dàng hơn.
Nếu nhu cầu của thị trường đòi hỏi chất lượng và tính thẩm mỹ cao tự mỗi người kinh doanh có thể nghĩ ra cách đáp ứng thì tại sao những đòi hỏi tự thân của thành phố, người dân không cùng chung tay xây dựng. Đòi hỏi của thành phố là văn minh, nề nếp, đẹp… cái gì chưa nề nếp, chưa đẹp, chưa văn minh thì chính quyền cùng bàn bạc với người dân để làm. Đã bàn thống nhất rồi thì chính quyền chính là người khỏi xướng và giám sát thực hiện.
Suy cho cùng, cái gì chính quyền quan tâm thì đều thực hiện được. Hàng chục năm trước, đô thị có thể nói là nhếch nhác, một phần là vì lý do kinh tế nhưng một phần khác, có vẻ như quan trọng và chính yếu hơn là chúng ta chưa quan tâm đúng mức!? Các khu vực chợ, tình trạng buôn bán tràn lan, lấn chiếm cả lòng đường… chính quyền dẹp bao nhiêu năm cũng không được, nó như “ném đá ao bèo”. Bây giờ cũng chính quyền ấy, người dân ấy nhưng lại làm được và làm rất tốt. Là do chính quyền có quyết tâm rất cao xây dựng nề nếp đô thị. Người dân ban đầu có thể phản ứng thế này thế nọ, bảo rằng chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân, nhưng rồi mọi thứ đều đi vào quy củ. Bài học rút ra ở đây là - mọi thứ muốn thực hiện tốt trước hết là phải có quyết tâm cao để theo đuổi mục tiêu; từ quyết tâm sẽ sinh ra giải pháp, cách làm phù hợp.
Tôi hỏi thử vài người đang tháo dỡ bạt và mái che trên đường Điện Biên Phủ, xem người dân có đồng tình ủng hộ chủ trương “chuẩn hóa” mái che hè phố không. Phần lớn người dân đồng tình ủng hộ. Họ bảo làm được như thế thì nhà mình, hàng quán của mình cũng đẹp hơn mà thành phố cũng đẹp ra chứ sao.
Nguyên Lê