Người bán hàng rong trông chờ sẽ có tuyến phố dành riêng cho họ yên tâm buôn bán (ảnh minh họa)

Một sáng đầu tuần tháng 3, khác với mọi ngày, những quán cà phê cóc, gánh hàng bánh cánh hay những người bán thúng khoai, bắp… trên vỉa hè đường Trương Định thụt sâu vào bên trong các công sở hay những lô đất trống. Những thực khách quen thuộc ở tuyến phố vỉa hè này ngớ người khi tìm đến ăn nhưng không thấy quán quen thuộc của mình đâu.

“Mấy ngày ni có đợt ra quân lập lại trật tự vỉa hè, phường đi kiểm tra gắt gao nên việc buôn bán cũng không mấy thuận tiện. May nhờ có khu đất trống nên mình tạm vào đây một vài ngày” – một chị bán bánh canh nói trong thấp thỏm.

Theo lời chị, nếu những ngày không có “chuyện gì xảy ra”, chỉ tầm 2 tiếng đồng hồ là bán hết, thu dọn về ngay. Ngược lại, những ngày có các đoàn kiểm tra đô thị đi ngang, việc bán buôn trắc trở, phải nương nhờ vào nhà dân, hoặc lùi vào sâu khu đất trống nào đó nên khách rất ngại vào ăn, người bán tâm lý lo lắng.

Chị kể do bán hàng rong, nên không ai thu thuế, còn thu nhập thì tuỳ, “bữa đực bữa cái”. Chị thừa nhận việc bán hàng rong trên đường phố là sai nhưng do cuộc sống vất vả, phải mưu sinh để kiếm đồng ra đồng vào, lo cho cuộc sống, gia đình.

Cách đó không xa, tuyến đường Hoàng Hoa Thám đoạn nối từ Lê Lợi đến gần khu vực Bưu điện tỉnh trở thành điểm “họp chợ” của nhiều gánh hàng rong chuyên như bánh mì, khoai, bắp, chè…vào ban đêm. Những gánh hàng này rất đông khách, với mức giá được cho là vừa phải, không chỉ được người dân ưa thích mà du khách gần xa khi về Huế du lịch cũng rất ưng ý.

Nhiều người trong số họ cho biết, trước kia chủ yếu bán cho khách du lịch và người đi chơi đêm về ở góc chân cầu Trường Tiền và vỉa hè dọc theo đường Lê Lợi, đoạn gần ngã tư Lê Lợi – Hùng Vương. Tuy nhiên, do việc buôn bán ở đây một phần lộn xộn, gây mất trật tự cũng như để đảm bảo an toàn giao thông nên thường xuyên bị lực lượng trật tự đô thị yêu cầu giải tán.

“Không còn cách nào khách, đuổi chỗ này thì mình lại chạy qua chỗ khác. Miễn sao khuất tí nhưng ngay trung tâm và có người đi qua đi về để bán. Vẫn biết, như rứa là không hay nhưng không còn cách nào khác” – một người bán hàng rong về đêm cạnh Bưu điện tỉnh thừa nhận. Cạnh đó, nhiều người bán hàng rong khác cũng chung cảnh ngộ phải trốn ngược, trốn xuôi để mưu sinh với gánh hàng rong về đêm.

Khi được hỏi về mong muốn có một tuyến phố ẩm thực, dành cho người bán hàng rong, hầu hết ai cũng ủng hộ. Họ cho biết, những gánh hàng rong như thế không chỉ là sinh kế mà có thể trở thành điểm đến hấp dẫn dành cho du khách khi đến Huế. Họ sẵn sàng trả tiền thuê mặt bằng để ngồi trên tuyến phố được quy hoạch dành cho hàng rong về đêm, không còn cảnh chạy trốn mỗi khi thấy lực lượng trật tự đô thị.

“Tôi mong chính quyền quy hoạch những tuyến vỉa hè rộng, hoặc một khu đất công cộng nào đó và giới hạn, cho phép bán hàng rong với các điều kiện đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Như thế, tụi tui vừa có thể mưu sinh, vừa có thể nộp thuế nhưng vẫn giữ được mỹ quan đô thị”, chị Vân – một người bán hàng rong nói.

Mới đây, lãnh đạo Thành uỷ, UBND TP. Huế trực tiếp khảo sát, kiểm tra thực tế một số tuyến đường có người bán hàng rong trên địa bàn các phường Vĩnh Ninh, Phú Hội, Phú Nhuận và Phú Hoà. Theo đánh giá, thời gian qua, việc kinh doanh không cố định và buôn bán tự phát đã gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông. Dù đã tập trung ra quân xử lý, xử phạm nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người buôn bán hàng rong tăng nhanh.

Qua tham khảo, đa số cá nhân buôn bán hàng rong mong muốn có một nơi buôn bán phù hợp với điều kiện gia đình, không ảnh hưởng vệ sinh môi trường, an toàn giao thông.

Đề xuất thí điểm cho phép kinh doanh ăn uống, mua sắm trên vỉa hè

Bí thư Thành ủy Huế, ông Phan Thiên Định sau khi khảo sát đã đề nghị các phường nghiên cứu các quy định, rà soát số hộ dân đang buôn bán hàng rong.

Cùng với đó, giao các phòng chức năng chỉnh trang, nâng cấp một số vỉa hè và đầu tư những thiết chế khác nhằm tổ chức thí điểm cho phép kinh doanh ăn uống, mua sắm trên vỉa hè nhưng phải đảm bảo các tiêu chí mỹ quan, đô thị, môi trường… tại một số tuyến đường. Dự kiến, cuối tháng 3 này sẽ bắt đầu thí điểm và sẽ có đánh giá định kỳ, từ đó có phương án triển khai kinh doanh phù hợp ở các tuyến vỉa hè.

Bài, ảnh: NHẬT MINH