ClockThứ Năm, 25/09/2014 04:23

Ăn cũng phải học

TTH - Không hiểu sao cứ mỗi lần đọc lại câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, tôi lại mường tượng nhớ về hình ảnh lọn nem ở Huế mình. Gói kỹ đến thế là cùng, tận mấy lớp lá chuối. Cái lọn nem to bự chang, vậy mà lột hết lớp lá bọc bên ngoài, còn lại chỉ là lát nem bé xíu. Dạo nhỏ, tôi ghét cay, ghét đắng cái kiểu gói nem đó. Sau này lớn lên mới hiểu, thì ra đó là cách bảo vệ nem bên trong. Hơn thế, theo suy luận của tôi, đó còn là cách dạy con người chuyện ăn uống. Cứ nhìn cách mấy mệ Huế lột nem mới thấy, nó tăn măn, tỉ mỉ đến vô cùng. Phải từ từ mà lột, mà bóc. Lá chuối cả đống kia bóc ra, phải để cho khéo, chớ có vứt tung, khó ngó lắm. Rồi cả cách ăn lát nem bé xíu kia nữa, chớ cho nhồm nhoàm mà phải từ tốn, nhẹ nhàng. Ăn cũng là văn hóa, phải biết cách ứng xử, không rõ thì xem người ta mà bắt chước, mà học theo.

Mới đây đi du lịch Thái Lan, tôi lại bất ngờ về một cách ăn của họ. Đến Bangkok, đáp xuống sân bay thì trời đã tối. Hướng dẫn viên du lịch thông báo với khách, tối nay sẽ ăn theo kiểu “tự mình đi chợ”. Tôi nghe cũng là lạ nhưng sợ thiên hạ bảo rằng quê nên không dám hỏi. Thì ra, với định mức mỗi khách 150 bạt (tiền Thái, tương đương khoảng 120.000 đồng), hướng dẫn viên mua vé (kiểu như ở cửa hàng mậu dịch quốc doanh xưa) rồi phát cho từng người. Chỉ 150 bạt mà cả xấp vé, mỗi vé có mệnh giá khác nhau (5,10, 20 bạt…). Khách cầm vé vào nhà hàng, thích chi ăn nấy. Không biết tiếng Anh, tiếng Thái thì dòm vào bảng giá có hình vẽ rõ ràng rồi chỉ, rồi ư hử, đưa vé cho người bán hàng. Tôi cùng anh bạn cùng đi đang mệt, lại vừa ăn trên máy bay nên chỉ dùng tạm tô miến và chai nước lọc, tiêu hết khoản 50 bạt. Số tiền còn lại cũng bồn bộn, nghe theo lời hướng dẫn viên du lịch, hai anh em đem ra quầy đổi lại, vậy là bỗng dưng mình có tiền Thái để tiêu.

Cái chuyện ăn kiểu đó, không học làm sao biết. Lại nhớ dạo bé thường được mệ ngoại ở quê cho đi ăn kỵ. Cái thời thiếu mặc và thiếu ăn, được ăn một bữa cỗ mừng lắm. Thế nhưng cũng có nhiều chuyện lo. Sợ nhất là cái véo đùi của mệ. Dù đã được dặn đi dặn lại, còn dọa nữa, ăn uống phải từ tốn, nhưng ngồi vào mâm thấy dĩa heo phay với mấy lát thịt xếp mỏng dính là đôi khi quên béng, cứ thế mà dòm, mà gắp, quên luôn cả thiên hạ xung quanh. Thế là a-lê một cái véo của mệ, đau điếng. Đã vậy, trên đường đi và về tới tận nhà cũng còn nghe mệ ràm. Phải hứa tới hứa lui nhiều lắm mệ mới tha cho, lần sau cho đi tiếp. Tôi nhớ mãi câu nói của mệ, ăn uống, nhất là ở chỗ đông người phải đàng hoàng đừng để thiên hạ khinh, phải biết liệu đó mà ăn. Rồi mệ bảo: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Tôi nghe và cứ vậy thấm dần cái chuyện ăn cũng phải học và xem ra, cho đến bây chừ, “trình độ” ăn của mình quá lắm cũng chỉ là mới phổ cập phổ thông!

Để ý kỹ tôi nhận thấy, chuyện ăn uống bây giờ cũng đang có vấn đề. Thì thử đi một vòng quanh Huế mà xem, cứ chiều chiều dọc các lề phố thấy quán hàng nhan nhản, đàn ông thanh niên ở trần trùng trục, mặc cho xe cộ, mặc cho phố xá bụi bặm cứ thế mà ăn, mà uống. Các bữa ăn trưa hay ăn tối trong các gia đình thì thiếu vắng bởi ba hay mẹ bận tiếp khách. Trong khi đó ở các nhà hàng lại ồn ào, ầm ĩ cả lên. Không hiểu sao, ăn bây giờ phải uống (bia, rượu), rồi ăn cũng phải ca, phải hát ỏm tỏi cả lên mới vui, mới đúng gu. Tôi có anh bạn làm ở một cơ quan thường hay có nhiều khách khứa. Nghe anh bảo, nhiều lúc tiếp khách mà cảm thấy xấu hổ. Mình là chủ, vậy mà vào bàn hoặc là cứ thế mà ăn chẳng hề chuyện trò chi với khách, hoặc là mời uống theo kiểu dzô- dzô khiến khách cũng phải sợ.

Xem ra không mới, thế nhưng, khi mà cuộc sống đang có nhiều thứ đảo lộn khiến nó rối rắm cả lên thì đã đến lúc chuyện ăn uống cũng phải học, bởi đơn giản ăn (hay ẩm thực) là văn hóa.

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top