Cách đây hơn năm năm, tại thửa đất 96 (tờ bản đồ 37 với diện tích hơn 2.800m2, tọa lạc tại Trường Đá, Thủy Biều, Huế) xảy ra tranh chấp giữa ông Lê Viết Dũng (bị đơn - trú Trường Đá) và gia đình bà Trần Thị Lan (nguyên đơn - trú tại Ninh Thuận - vợ ông Lê Viết Kim, nay đã mất, là con ông Lê Viết Loan) có nguồn gốc của ông Lê Viết Loan và bà Hoàng Thị Khéo (nay đã qua đời) tạo lập nhưng hàng chục năm trôi qua, gia đình này không quản lý sử dụng đất, không có hồ đăng ký kê khai ở địa phương và toàn bộ đất đai được Nhà nước quản lý.
Bao năm qua, thửa đất 98 mà ông Lê Viết Dũng (ảnh) dày công vun trồng với nhiều loại cây xanh tốt vẫn đang chờ chủ nhân làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ
Tương tự, thời gian sau, vợ chồng ông Hoàng Trọng Tài (nguyên đơn - trú Trung Thượng, Thuỷ Biều - con bà Lê Thị Lựu cũng là cháu ông Lê Viết Loan) không hề quản lý, sử dụng thửa đất 98 (tờ bản đồ 37 với diện tích hơn 500m2, tọa lạc tại thôn Trường Đá) cũng có đơn khởi kiện yêu cầu ông Lê Viết Dũng trả lại đất mà hiện ông Lê Viết Dũng đang trồng cây và thu hoa lợi cũng như đóng thuế nông nghiệp đầy đủ từ lâu.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 22/7/2008, TAND TP Huế tuyên xử bác đơn khởi kiện của gia đình bà Trần Thị Lan và yêu cầu của ông Hoàng Trọng Tài vì không có căn cứ hợp pháp (tạm giao toàn bộ diện tích đất của hai thửa nói trên cho gia đình ông Dũng tiếp tục sử dụng). Tuy nhiên, do đại diện các nguyên đơn kháng cáo bản án sơ thẩm này, hơn hai tháng sau, TAND tỉnh mở phiên toà xét xử phúc thẩm và tuyên xử chấp nhận kháng cáo của các nguyên đơn; đồng thời, huỷ Bản án sơ thẩm 20/2008/DS-ST của TAND TP Huế và chuyển hồ sơ vụ án cho toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án. Do đó, ngày 28/2/2012, TAND TP Huế đình chỉ giải quyết vụ án tranh chấp QSDĐ đối với ông Hoàng Trọng Tài và vợ chồng ông Lê Viết Dũng.
Tương tự, ngày 14/11/2012, TAND TP Huế xét xử sơ thẩm đã bác yêu cầu khởi kiện của phía gia đình bà Trần Thị Lan đòi ông Lê Viết Dũng trả lại thửa đất nói trên. Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án dân sự nói trên vào ngày 1/2 vừa qua, ông Lê Viết Dũng cho chúng tôi biết, TAND tỉnh tuyên mặc dù ông không đăng ký, kê khai phần đất trên nhưng hiện bản thân được chính quyền địa phương xác nhận đã quản lý, sử dụng thửa đất và đóng thuế cho Nhà nước từ năm 2004 đến nay. Vì vậy, đề nghị chính quyền địa phương, Văn phòng Đăng ký QSDĐ TP Huế tạo điều kiện để ông kê khai làm thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ.
Một gia đình liên tục kéo nhau ra tòa, vẫn chưa có hồi kết
Sau khi vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa bà Phan Thị Lộc (nguyên đơn) và những người ruột thịt là mẹ và anh, chị cùng gia đình (bị đơn - phần lớn cùng trú tại 88 (số 58 cũ) Trần Nguyên Đán, Thuận Hòa, Huế) được TAND tỉnh xét xử tại Bản án dân sự phúc thẩm 30/2011/TCDS-PT ngày 29/9/2011, các bà Phan Thị Lộc và Nguyễn Thị Hồng (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) có đơn khiếu nại bản án này.
Theo Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, trước tiên, ông Phan Tin và bà Phan Thị Thu (anh chị bà Phan Thị Lộc) cho rằng nhà, đất nêu trên do mẹ mình là bà Nguyễn Thị Thuận bỏ tiền mua và ngôi nhà làm năm 1982 do ông tháo dỡ ngôi nhà của bố, mẹ ông ở dưới quê để dựng lại. Trong khi TAND hai cấp chưa thu thập chứng cứ để làm rõ các lời khai nêu trên nên chưa đủ cơ sở để giải quyết vụ án. Tại giấy xác nhận việc cho bà Phan Thị Lộc căn nhà tọa lạc tại địa chỉ trên, được UBND phường Thuận Hòa, Huế xác nhận vào ngày 29/10/1994, bà Phan Thị Thu lại khai không viết, không ký, TAND hai cấp cũng chưa thu thập chứng cứ để làm rõ. Vả lại, hồ sơ chưa có lời khai của bà Phan Thị Hường (con bà Nguyễn Thị Thuận) về nguồn tiền xây dựng nhà trước đó và năm 2003 và bà này có thư tay không đồng ý bán căn nhà nêu trên mà chỉ được bán khi có sự đồng ý của tất cả bốn chị em bà. Như vậy, cần phải xác định rõ lời khai của bà Phan Thị Hường về nguồn gốc nhà, đất đang tranh chấp là của ai? Thứ đến, TAND cấp phúc thẩm công nhận hiện trạng nhà, đất đang tranh chấp cho các đương sự đang sử dụng nhưng lại tạm giao hơn 130m2 đất có nhà của bà Nguyễn Thị Thuận, ông Phan Tin cho bà Phan Thị Thu trong khi chưa thu thập chứng cứ để làm rõ các vấn đề như đã nêu trên là không đúng. Mặt khác, Bản án dân sự phúc thẩm 53/DSPT ngày 4/10/2004 của TAND tỉnh xét xử về “hợp đồng mua bán nhà” giữa bà Nguyễn Thị Hồng (nguyên đơn) và bà Phan Thị Lộc (bị đơn) kéo dài gần mười năm không thi hành được mà bà Nguyễn Thị Hồng đã tham gia tố tụng trong vụ án này thì TAND hai cấp phải giải quyết để bảo đảm quyền lợi cho bà này.
“Vừa qua, Chánh án TAND Tối cao quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm nói trên của TAND tỉnh; đồng thời đề nghị Tòa Dân sự TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án này và Bản án dân sự sơ thẩm 13/2011/TCDS-ST ngày 24/5/2011 của TAND TP Huế, giao hồ sơ cho cơ quan này xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật” - lần đầu tiên, bà Nguyễn Thị Hồng vui mừng thông báo cho chúng tôi vào một ngày đầu năm mới Xuân Quý Tỵ 2013.
Cả nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo
Sau khi Hội đồng Giám đốc thẩm Tòa Dân sự TAND Tối cao quyết định hủy Bản án dân sự phúc thẩm 26/2007/DS-PT ngày 24/8/2007 của TAND tỉnh và Quyết định 46/2007/QĐST-DS ngày 25/5/2007 đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của TAND TP Huế về vụ án tranh chấp tài sản gắn liền với QSDĐ, TAND TP Huế xét xử sơ thẩm lại vụ án. Tuy nhiên, không những nguyên đơn, bị đơn kháng cáo mà cả Viện trưởng Viện KSND TP Huế cũng ban hành Quyết định 325/KN-VKS-DS ngày 22/11/2011 kháng nghị phúc thẩm Bản án dân sự sơ thẩm 37/2011/TCDS-ST ngày 28-10-2011 của tòa án này.
Cách đây hơn 12 năm, ông Trần Thanh Bình (nguyên đơn, trú 86/21 Dương Văn An - con ông Trần Thanh Việt và bà Trần Thị Hiền) khởi kiện yêu cầu TAND TP Huế buộc bà Nguyễn Thị Chởi (bị đơn, trú cùng địa chỉ trên là vợ sau của ông Trần Thanh Việt) trả lại nhà, đất cho ông và các em cùng mẹ khác cha. Tuy nhiên, tại bản án sơ thẩm nói trên, TAND TP Huế tuyên xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Buộc bà Nguyễn Thị Chởi giao trả cho những người thừa kế của ông Nguyễn Đăng, bà Trần Thị Hiền tài sản là nền móng nhà và các bức tường gắn liền với diện tích gần 34m2 QSDĐ tại thửa đất nói trên với giá trị hơn 339 triệu đồng. Bác yêu cầu của ông Trần Thanh Bình đòi bà Nguyễn Thị Chởi trả thêm diện tích đất hơn 560m2. Bà Nguyễn Thị Chởi và các người thừa kế của ông Trần Thanh Việt được sở hữu ngôi nhà tranh chấp với diện tích gần 34m2. Tạm giao cho bà Nguyễn Thị Chởi và các người thừa kế của ông Trần Thanh Việt thửa đất với diện tích gần 600m2 và những người này có trách nhiệm liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định của pháp luật...
Ngày 26/4/2012, TAND tỉnh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đã tuyên chấp nhận nội dung kháng nghị của Viện KSND TP Huế, kháng cáo của ông Trần Thanh Bình và một phần kháng cáo của bà Nguyễn Thị Chởi, xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo không đồng ý kết quả định giá ngày 7/6/2011 của bà Nguyễn Thị Chởi. Đồng thời, hủy Bản án sơ thẩm 37/2011/DS-ST của TAND TP Huế, giao hồ sơ vụ án cho cơ quan này giải quyết lại vụ án theo trình tự sơ thẩm. Tuy nhiên, ông Trần Thanh Bình cho hay, đến nay gần một năm trôi qua, TAND TP Huế vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử theo luật định.