Thế giới

Ấn Độ, Bangladesh giải quyết tranh chấp biên giới lịch sử

ClockThứ Bảy, 01/08/2015 07:37
TTH.VN - Hôm qua (31/7), Ấn Độ đã trao đổi hơn 150 thửa đất nhỏ với nước láng giềng Bangladesh, trong một nỗ lực nhằm giải quyết tranh chấp biên giới kéo dài nhiều thập niên cũng như tương lai không chắc chắn cho hàng chục ngàn cư dân không quốc tịch đang sống trong điều kiện tồi tàn ở những thửa đất này.

Hình ảnh truyền hình cho thấy, người dân nổ pháo và giương cao quốc kỳ Ấn Độ tại vùng đất Masaldanga, chính thức trở thành một phần của lãnh thổ Ấn Độ khi các thỏa thuận ranh giới giữa hai nước có hiệu lực từ lúc nửa đêm qua (31/7), theo giờ địa phương.


Các vùng đất nằm trong lãnh thổ của nhau dọc biên giới Ấn Độ - Bangladesh – Ảnh: The Economist

Bộ Ngoại giao Ấn Độ trong một tuyên bố cùng ngày mô tả đây là một sự kiện lịch sử trọng đại đối với cả Ấn Độ và Bangladesh, "đánh dấu việc giải quyết các vấn đề phức tạp còn lại từ khi giành độc lập" trong tay thực dân Anh vào năm 1947.

Hai nước láng giềng đang triển khai thực hiện Hiệp định ranh giới phù hợp với một thỏa thuận được ký kết vào năm 1974 và chấp thuận bởi Quốc hội Ấn Độ mới đây.

Gần 37.000 người sống trong 111 thửa đất thuộc Ấn Độ trong lãnh thổ của Bangladesh, trong khi 14.000 người sống tại 51 thửa đất của Bangladesh nằm lạc về địa phận của Ấn Độ. Giờ đây, những cư dân này được phép tự lựa chọn quốc tịch cho mình.

Theo kết quả do chính quyền huyện Kurigram ở Bangladesh công bố, không có cư dân nào sống ở thửa đất của Bangladesh trong lãnh thổ Ấn Độ lựa chọn quốc tịch Bangladesh, trong khi 979 người từ thửa đất của Ấn Độ sống trong lãnh thổ Bangladesh đã nhận mình là công dân Ấn Độ.

Công tác chuyển dịch của những công dân mới về phía Ấn Độ sẽ được hoàn thành vào tháng 10 năm nay, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố.

Bangladesh giành độc lập từ Pakistan sau 9 tháng chiến tranh đẫm máu vào năm 1971 với sự giúp sức của Ấn Độ. Các tranh chấp biên giới được kéo dài từ khi thực dân Anh tách Pakistan ra khỏi Ấn Độ vào năm 1947 và cấp quyền độc lập cho hai nước.

Việc xóa bỏ những phần lãnh thổ bị tách rời chồng chéo nói trên sẽ tạo ra nhiều tác động cho cả hai nước. Trong đó, tác động được nhận thấy rõ nhất chủ yếu từ các cư dân, những người có thể chọn cho mình quốc gia để nhập tịch, điều này sẽ đem lại những lợi ích cơ bản mà tư cách công dân mang lại. Việc giải quyết vấn đề biên giới cũng cho phép Ấn Độ và Bangladesh tập trung vào các vấn đề quan trọng hơn.

 

Lê Thảo (lược dịch từ AP & Bloomberg)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nâng triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay, đồng thời duy trì dự báo ảm đạm trong trung hạn, theo dữ liệu mới được công bố ngày 16/4.

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Return to top