Thế giới

Ấn Độ và Mỹ tìm cách giải quyết căng thẳng tại Biển Đông

ClockThứ Năm, 04/06/2015 11:06
TTH.VN - Theo mạng tin trực tuyến của báo the Economic Times đêm 3/6, trong khuôn khổ chuyến thăm cùng ngày của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, Ấn Độ và Mỹ đã thảo luận tình hình khu vực Biển Đông và các biện pháp có thể giúp ổn định khu vực, trong bối cảnh có những thông tin về việc Trung Quốc tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo mới đang làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Đông Nam Á.

Theo báo trên, vấn đề Biển Đông là một điểm chính trong chương trình nghị sự của cuộc gặp giữa Bộ trưởng Carter với Ngoại trưởng Sushma Swaraj và Cố vấn an ninh quốc gia Ajit Doval tại New Delhi. Việc Bộ trưởng Carter đi thẳng từ Việt Nam tới thăm Ấn Độ đã nhấn mạnh sự cần thiết về bình ổn tình hình tại Biển Đông bởi những “người đối thoại” Ấn Độ đã nhấn mạnh tới tự do hàng hải và quyền thăm dò dầu mỏ trong khu vực.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter thảo luận với giới chức Ấn Độ về tình hình Biển Đông. (Nguồn: indiatoday.intoday.in)


Vấn đề ổn định khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang nổi lên như một ưu tiên chiến lược đối với cả Mỹ lẫn Ấn Độ, trong bối cảnh hai nước đã ra Tuyên bố tầm nhìn chung trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng Một.

Tuyên bố khẳng định: “Sự thịnh vượng của khu vực phụ thuộc vào an ninh. Chúng tôi (Mỹ và Ấn Độ) khẳng định tầm quan trọng của bảo vệ an ninh hàng hải, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trên toàn bộ khu vực, đặc biệt ở Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, đồng thời giải quyết tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải thông qua tất cả biện pháp hòa bình, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển."

Hôm 31/5, phát biểu tại cuộc họp báo tổng kết một năm cầm quyền của Chính phủ Liên minh Dân Chủ Quốc gia (NDA), Ngoại trưởng Swaraj cũng khẳng định New Delhi sẽ tiếp tục thăm dò các lô dầu ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Các quan chức tại New Delhi cho biết Chính phủ NDA, do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu, đang theo dõi chặt chẽ tình hình căng thẳng ở Đông Nam Á, bởi nó liên quan đến các lợi ích kinh tế và chiến lược của Ấn Độ, trong bối cảnh Chính phủ nước này đang tích cực triển khai chính sách “Hành động phía Đông”./.

Theo Vietnam+
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xung đột lan rộng trong khu vực ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình ở Yemen

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, ngày 15/4, Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Yemen, ông Hans Grundberg, đã bày tỏ quan ngại về căng thẳng ngày càng leo thang ở Yemen, đồng thời cảnh báo tiến trình hòa bình ở quốc gia Trung Đông này có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong bối cảnh xung đột khu vực ngày càng lan rộng.

Xung đột lan rộng trong khu vực ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình ở Yemen
Return to top