ClockThứ Năm, 29/05/2014 13:54

Ăn tết Mồng Năm

TTH - Người Huế ăn tết Mồng Năm vào giao thời giữa hai vụ lúa. Tháng năm nắng rát, thời điểm thu hoạch lúa Đông xuân cũng là lúc bắt tay ngay vào vụ lúa còn lại của năm. Mọi thứ đều phải khẩn trương, mỗi người lớn nhỏ đều “một công đôi việc”. Sự chậm trễ đồng nghĩa với mùa vụ thất bát bởi lẽ, “tháng bảy nước nhảy lên bờ” mà bây giờ đã là tháng năm. Ấy thế nhưng quên sao được, tết Mồng Năm tới.

Dạo nhỏ ở quê, sáng mồng Năm đã nghe mạ phân việc. Người ra đồng với bao thứ công việc ngổn ngang phải lo toan, kẻ ở nhà lo tết. Cái loại học trò “thò lò mũi xanh” như tôi đây cũng có việc hẳn hoi. Loay hoay cho đến trưa, lúc mâm bát xong xuôi cũng là lúc bắt đầu ăn tết. Gọi tết Mồng Năm là tết Đoan Ngọ là vì thế. “Đoan” nghĩa là mở đầu. “Ngọ” là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng cho tới 1 giờ trưa. Ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ là lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất trùng với ngày hạ chí. Tết Đoan Ngọ do thế còn được gọi là tết Đoan Dương. Thời gian này cũng là lúc khí dương đang thịnh nhất trong năm. Dân gian còn gọi là tết “giết sâu bọ”.

Ở Huế vẫn có những chuyện mà người đời gọi “xưa bày nay làm” và tết Đoan Ngọ nằm trong số đó. Thế nhưng, khi đi vào đời sống, truyền từ đời này sang đời khác thì nét Huế là điều có thể cảm nhận được. Trước hết là món ăn chính của tết Mồng Năm. Có xôi, có chè, có bánh canh, có cháo… càng nhiều càng tốt, nhưng sẽ không còn là cái tết Mồng Năm nữa ở Huế nếu thiếu vịt, nào vịt luộc chấm nước mắm gừng, vịt tiết canh, vịt nấu cháo, vịt kho mặn… Nghĩ lại mới thấy dân Huế mình “khun”. Mười hai tháng trong năm, đây là thời điểm vịt nuôi béo nhất. Trước đó chừng khoảng tháng, khi lúa ngoài đồng bước vào thời điểm thu hoạch cùng là lúc “vịt chạy đồng”. Được thỏa thích ăn uống và chạy nhảy, con vịt vào thời điểm xuất chuồng béo tốt và thế là tết Mồng Năm tới.

Tết Mồng Năm chỉ gói gọn già hơn một buổi nhưng không vì thế mà đơn điệu. Xoay quanh ngày tết này là bao chuyện lạ mà khi còn bé xíu tôi cứ thắc mắc hoài. Chẳng hạn chuyện con thằn lằn. Đúng Ngọ, ai tìm được loại bò sát thường ngày vẫn nằm chình ình nơi vách nhà (lúc đó cực khó kiếm, bỗng dưng trốn đâu mất) cho vào miệng thì cái thứ bệnh hen suyễn sẽ hết ngay (chưa chắc đó nghen). Hay chuyện mấy thứ “lá Mồng Năm”. Bất kể loại lá cây gì được bứt vào buổi trưa Mồng Năm đều là vị thuốc quý. Bởi thế mới có chuyện, ăn xong tết Mồng Năm là lúc người ta kéo nhau đi bứt lá, rồi để dành nấu nước uống dài dài sau đó. Cho đến bây giờ, đã ngoài 50 tuổi rồi, tôi vẫn không hiểu được răng lại rứa.

Cũng nghe kể, xưa dưới thời Quang Trung, ở chợ Cầu, làng Phú Lương (Quảng Điền) có mở hội “tết Mồng Năm” dành cho thanh niên với nào là đấu võ, nấu cơm tre, nhảy sào, đua ghe... Có công nương làng bên đôi (ném) chiếc bông tai, nhẫn hay một vật dụng tảng sức xuống sông cho các chàng trai thi... tìm. Ai tìm được sẽ được thưởng và phần thưởng có khi là nàng công nương xinh đẹp luôn, sướng chưa. Lại nghe bảo, tết này (tức tết Mồng Năm) được trân trọng dưới thời Tây Sơn là vì lúc đó “thiên hạ đại tín” và cũng bởi vì là “huynh đệ chi binh”.

Còn nữa, có nhiều người không biết hay quên. Đó là cái thú đi bắt “cá nước nóng” hay còn gọi là “cá Mồng Năm” vào buổi trưa. Ngày trước, tết Mồng Năm đến cũng là thời điểm mà nhiều đám ruộng đã cấy xong (ít nhất cũng đã được cày vỡ). Ăn uống xong là í ới rủ nhau ra đồng bắt cá. Trưa tết Mồng Năm là thời điểm nắng nóng nhất nhì trong năm, nước dưới ruộng do thế hầm hập. Con cá đồng nóng quá chui xuống các hốc nhỏ là dấu chân người để lại (gọi là nén chân) trên những đám ruộng. Buổi trưa nắng nóng đi theo dường ruộng, nhìn xuống thửa ruộng nước trong leo lẻo, thấy chỗ mô đó có nước hơi đùng đục là biết ngay có cá, nhẹ nhàng lội xuống, nho nhỏ thì bụm bằng tay còn có nghi ngờ chi thì đã có sẵn cái chơm, sẽ có ngay lão rô hay chú lóc, đã thật. Loanh quanh chừng hơn tiếng đồng hồ là có cá “đủ kho”.

Thời buổi hiện đại có bao thú vui, nét xưa của tết Mồng Năm ít nhiều bị phôi phai. Thế nhưng, như tôi đây, mấy hôm rày đi ngang qua chợ An Cựu thấy rộn ràng ở quầy hàng thực phẩm, tràn ra cả ven đường và nghe văng vẳng tiếng vịt kêu “cạp, cạp”, bất chợt lại nhớ tới tết Mồng Năm. Vậy là, sao mau dữ rứa hè, nhớ mới ăn tết Nguyên đán xong đó mà. 

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top