ClockChủ Nhật, 12/01/2020 09:58

Ân tình bên hồ Tả Trạch

TTH - Về khu tái định cư (TĐC) Bến Ván, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc hỏi ông Hồ Đa Thê ai cũng biết và đều bày tỏ sự thán phục. Ông Thê là người có công lớn đùm bọc, “dìu dắt” người dân ở xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy bị ảnh hưởng dự án xây hồ Tả Trạch hơn 15 năm trước đến vùng đất mới lập nghiệp để rồi xây dựng trở thành làng quê trù phú, đáng sống hôm nay.

Triển vọng cây tiêu ở Bến Ván

“Chinh phục” đất mới

Từ trung tâm xã Lộc Bổn vào Bến Ván mất chừng 15 phút, đường dễ đi, ô tô chạy ngon lành. Bến Ván hiện ra như một “Sapa” thu nhỏ. Hôm ấy do hoãn một hội nghị ở xã nên ông Hồ Đa Thê có nhiều thời gian chuyện trò với khách ở ngôi nhà riêng có thể xem “biệt thự đồi” do ông gầy dựng.

Cùng ăn ở với những người nghèo khó ở vùng đồi xã Dương Hòa (TX Hương Thủy), năm 2004 do ảnh hưởng dự án xây hồ Tả Trạch, ông và 214 hộ gia đình phải rời quê cũ đến khu TĐC Bến Ván thuộc xã Lộc Bổn bây giờ. Ở quê cũ tuy nghèo nhưng nghe tái định cư ở quê mới, bà con ai cũng chạnh lòng. Song vì sự phát triển chung của tỉnh, ông Thê và bà con đã đồng tình, hưởng ứng.

Đặt chân đến khu vực Bến Ván, ông Thê lo lắng vì khung cảnh còn hoang sơ, dù được Nhà nước “dọn sẵn” cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, nước sinh hoạt... Với vai trò trưởng khu TĐC Bến Ván, ông nêu cao vai trò người “cầm trịch” giúp dân bám trụ để “chinh phục” quê mới. Ông nói, lúc ấy chuyện ở chưa bàn, khó nhất là kế sinh nhai vì Bến Ván vẫn là “vùng sâu, nước độc”. Ổn định cuộc sống cho người dân là một bài toán. Kinh nghiệm người sống lâu năm ở vùng đồi ông nghĩ “phải ở mới biết khó”. Nắm bắt tâm lý của bà con, ông Thê phối hợp ban mặt trận, bí thư chi bộ khu vực tổ chức những cuộc họp vận động người dân bám trụ, quyết vượt khó, vượt nghèo.

Hàng ngày, ngoài công việc gia đình, ông đến từng gia đình chuyện trò, chia sẻ kinh nghiệm giúp bà con bám quỹ đất hiện có, canh tác trồng rau, màu, chăn nuôi gia cầm.  Khi theo dõi những hộ gia đình khó khăn ông kêu gọi những hộ khá hơn chia sẻ, hỗ trợ cây con giống và đưa vào danh sách tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để kinh doanh phát triển sản xuất.

Năm 2006, được dự án WB3 hỗ trợ tại địa phương, ông Thê không quản khó khăn, khai hoang, trồng trọt, chăn nuôi ở những vùng đất hoang ven đồi, chân suối tạo hình mẫu trồng rừng cho bà con làm theo. Từ đây, gần 100% gia đình, trong đó có hơn 10 hộ gia đình dân tộc Vân Kiều trong khu vực tham gia. Một hai năm sau ở Bến Ván xuất hiện những gia trại, vườn đồi, vườn keo, tràm xanh tốt. Bình quân hộ trồng ít cũng 0,5 ha, hộ cao hơn 1,2 ha, có hộ mua thêm các quỹ đồi trong, ngoài khu vực để sản xuất. Mở hướng về kinh tế rừng, các dịch vụ đi kèm phát triển làm cho khu Bến Ván vốn lặng lẽ bên chân hồ Tả Trạch ngày càng rộn ràng, vui hơn. Tư tưởng bỏ quê mới để ra Bắc vào Nam làm ăn không còn.

Cùng bà con làm giàu

Bước ngoặt đổi đời cho bà con TĐC Bến Ván là vào năm 2012, nơi đây được chọn là đơn vị đầu tiên của Thừa Thiên Huế trồng rừng có chứng chỉ FSC (chứng chỉ Quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế). Thời điểm này, không riêng ở Bến Ván khái niệm trồng rừng chứng chỉ FSC rất lạ lẫm. Bản thân ông  qua nhiều lần tìm hiểu nghiên cứu và thấy đây là cơ hội cho người dân Bến Ván, bởi hiệu quả từ cách trồng này sẽ tăng gấp 3-4 so với cách trồng truyền thống trước đó, nhưng làm sao cho dân hiểu, làm đúng như FSC đưa ra là điều không dễ.

Vì thế, ông Thê mạnh dạn kết nối dự án tiên phong làm đầu; đồng thời, vận động giúp bà con trong vùng triển khai thí điểm 30 ha rừng có FSC. Phương châm của ông Thê ban đầu vẫn vận động, giúp dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tạo cầu nối tập huấn cho dân nắm kỹ thuật chọn cây giống, chăm bón, tỉa thưa...; đồng thời, xóa tư tưởng trồng rừng ăn xổi, phải “chịu khó” kéo dài tuổi thu hoạch cây rừng thêm 2-3 năm (chu kỳ trồng từ 6-7 năm) để lấy sản phẩm gỗ lớn... Từ đó, tư duy trồng rừng của bà con Bến Ván thay đổi tích cực. Đến thời điểm hiện, toàn khu vực đã trồng 540 ha; trong đó hộ trồng nhiều không chỉ từ quỹ đất ở địa phương lên 60 ha. Ông Thê sau những năm gian khó cũng sở hữu 25ha rừng. Trung bình mỗi năm gia đình ông có nguồn thu từ 800 triệu - 1 tỷ đồng từ mô hình trồng rừng chứng chỉ FSC. 

Ông kể, từ năm 2016, khu TĐC Bến Ván chia thành hai thôn; trong đó, thôn Hòa Lộc do ông “quản lý” có 156 hộ với 720 nhân khẩu. Hiện tại, Hòa Lộc có hơn 30% số hộ có nguồn thu nhập như gia đình ông Thê. Trong số này, có anh Cao Xuân Phạn từng nhiều năm “bán mặt cho đất” ở khu TĐC Bến Ván giờ đã có của ăn, của để.

Nói về thành quả của mình anh Phạn điềm đạm, ngày trước do chưa biết cách làm ăn nên gia đình có những chuỗi ngày “nghèo bền vững”. Được ông Thê chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, anh Phạn ngược xuôi tìm nguồn vốn đầu tư mở rộng diện tích trồng keo, tràm. Hiệu quả sau khi chuyển hướng trồng keo tràm có chứng chỉ FSC đã giúp anh trở thành tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế gia đình ở Bến Ván, được bà con các nơi khác đến tham quan học tập.

Năm 2016, Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế (FOSDA) ra đời, ông Thê mạnh dạn thành lập Chi hội trực thuộc FOSDA, với 25 hội viên tham gia. Giữa năm 2018, chi hội phát triển thành HTX Lâm nghiệp Hòa Lộc, do ông Thê làm Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT. Sau hơn một năm hoạt động, các hội viên HTX này đã trồng hơn 540ha rừng có FSC và đầu tư vườn ươm cây giống thân thiện môi trường có quy mô 1 triệu cây/năm; dây chuyền thiết bị bóc ván với kinh phí 1,2 tỷ đồng để bao tiêu sản phẩm rừng và giải quyết hơn 100 lao động địa phương.

Không chỉ giúp bà con phát triển kinh tế, ông Thê còn để lại dấu ấn với người dân nơi đây qua các phong trào nông thôn mới sạch đẹp, thôn văn hóa, không tệ nạn xã hội. Lý giải những việc làm ý nghĩa trên, ông Thê ngắn gọn: “Tôi cũng là dân nhập cư ở đây nên thấu hiểu hết những khó khăn, vất vả của người dân. Vì thế, làm được gì cho Bến Ván, cho cộng đồng thôn Hòa Lộc, tôi không ngần ngại...”.

Ông Nguyễn Minh, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Phú Lộc chia sẻ, Bến Ván từ địa bàn khó khăn nhất của huyện Phú Lộc nhưng hiện nay đã trở thành “điểm sáng” trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Thành quả đó có công lớn của ông Hồ Đa Thê làm “đầu tàu” kết nối bà con trong khu vực cùng lòng, chung sức biến khó thành dễ ngay từ những ngày đầu khu TĐC Bến Ván hình thành.

Nhiều năm qua, ông Thê đạt hàng chục danh hiệu nông dân tiêu biểu ở Trung ương, tỉnh nhà. Năm 2016 ông là một trong 70 nông dân Việt Nam được Chủ tịch nước gặp mặt tại Hà Nội vì có những sáng kiến, ý tưởng mới giúp nông dân làm giàu.

Tháng 8 vừa qua, ông Thê và HTX xã Hòa Lộc vinh dự được tiếp đón Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đến thăm. Dịp này, cá nhân ông Thê và mô hình làm kinh tế HTX Lâm nghiệp Hòa Lộc được biểu dương không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn giúp dân nâng cao trách nhiệm trong việc giữ, trồng rừng bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bài, ảnh: MINH VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vướng mắc khi xây dựng khu tái định cư cho người dân Phong Xuân

Việc đầu tư hạ tầng khu tái định cư (TĐC) di dời các hộ dân bị ảnh hưởng do tình trạng sụt lún tại khu vực quanh mỏ đá vôi Phong Xuân (Phong Điền) bằng nguồn kinh phí ngân sách là không có cơ sở. UBND huyện Phong Điền đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty CP Xi măng Đồng Lâm bố trí kinh phí để triển khai đầu tư hạ tầng TĐC cho người dân.

Vướng mắc khi xây dựng khu tái định cư cho người dân Phong Xuân
Những người trung - hiếu ở quê tôi!

Phú Lộc quê tôi - nơi thực dân Pháp đầu tiên đổ quân để tái chiếm Huế đầu năm 1947 và cũng là nơi mở màn chiến dịch Huế - Đà Nẵng vào tháng 3/1975. Để cắm được ngọn cờ chiến thắng lên nóc dinh Độc Lập vào trưa 30/4/1975 đã có tầng tầng lớp lớp cán bộ, chiến sĩ ngã xuống.

Những người trung - hiếu ở quê tôi
Giúp nông dân làm giàu

Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, xuất hiện ngày càng nhiều gương nông dân vượt khó thoát nghèo, có nhiều hộ nông dân thu nhập tiền tỷ.

Giúp nông dân làm giàu
Return to top