ClockThứ Tư, 02/05/2018 14:49

Ân tình cho đi

TTH - Niềm vui của người lính già Nguyễn Minh Chiến, xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) là làm việc làm “ích nước, lợi dân”.

Nhiều hoạt động thiết thực hướng về ngày thương binh, liệt sĩNhận Lộc Bình làm quê hương

CCB Nguyễn Minh Chiến bên bia ghi danh đồng đội đồng chí ở làng Bình An 2

Mang niềm vui đến cộng đồng

Cận kề cái tuổi "thất thập cổ lai hy", nhưng ông Chiến hiếm khi có mặt ở nhà, trừ lúc ốm đau, còn phần nhiều thời gian đều dành cho việc cộng đồng, xã hội. Tôi có cơ hội gặp ông tại nhà vì là khách đường xa.

Thời chống Mỹ, Lộc Vĩnh là "vùng trắng". Phát huy truyền thống cha anh, ông theo cách mạng lúc 13 tuổi. Quá trình hoạt động, ông từng “nếm mật, nằm gai”, rồi vào "biên chế" lực lượng vũ trang huyện Phú Lộc, cùng đồng chí, đồng đội trải qua bao gian khổ, hiểm nguy.  Chiến dịch mùa xuân năm 1968, ông  tham gia nhiều trận chiến đấu ác liệt tại Thừa Lưu, Lăng Cô. Trong chuyến đi thăm dò nối thông tin ở  Lăng Cô vào cuối năm 1969, ông bị phục kích và bị trọng thương ở chân và hông tại làng Thổ Sơn (Thừa Lưu); bị bắt đưa vào giam cầm ở Nhà lao Hố Nai Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hơn 4 năm.

Sau ngày đất nước thống nhất, mang trong mình đầy thương tích, nhưng ông vẫn đảm nhiệm nhiều chức vụ ở huyện, xã. Hoàn thành công tác, ông về nghỉ hưu vào năm 2008, rồi được tín nhiệm làm Bí thư Chi bộ thôn Bình An 2 đến bây giờ. Ông lý giải, dân đã tin mình, mình phải làm dân tin, không tạo khoảng cách giữa cán bộ, đảng viên với dân. Đó là bài học ông đúc rút qua những năm tháng còn ở quân ngũ.

Ngày đầu nhận việc thôn, ông Chiến lo nhiều. Ngay hôm sau, ông đạp xe về các khu dân cư, gặp cán bộ cơ sở, người dân để thăm, nắm tình hình. Người mà ông tham khảo ý kiến nhiều là Trưởng ban mặt trận các tổ dân cư để vỡ vạc những vấn đề trong dân. Những năm đó, nhận thấy bà con Bình An thiếu việc làm, thiếu vốn phát triển sản xuất, ông là người kết nối, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cải tạo đất trồng lúa, trồng rừng. Nhà nào có điều kiện chăn nuôi gia súc gia cầm ông gợi vay vốn qua kênh đoàn thể đầu tư phát triển theo mô hình gia trại. Những hộ làm nghề biển phải phát huy thế mạnh đầu tư ngư lưới cụ, phương tiện máy móc để khai thác biển dài ngày. Ban đầu chỉ  5-7 ghe, tàu đánh bắt ven bờ, bây giờ thôn Bình An đã có gần 50 ghe tàu, trong đó có gần 20 tàu đánh bắt trên biển dài ngày; đồng thời phát triển thêm nghề chế biến nước mắm, ruốc… tạo nguồn thu nhập chính trong dân. Trong thôn có ai ốm đau, gặp hoạn nạn ông đều có mặt thăm hỏi, chia sẻ…

Mới đây, khi nghe người dân sinh sống dọc tuyến đường nhựa qua địa bàn phản ánh tình hình vứt rác thải sinh hoạt, gây ô nhiễm, làm mất mỹ quan mà chưa có phương án giải quyết, ông tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã xây dựng đội ngũ thu gom rác thải. Khi đội ngũ này ra đời, rác được tập kết đúng nơi quy định để trung chuyển đến nơi thu gom, xử lý. Riêng các hộ dân sinh sống xa khu dân cư, ông và các đoàn thể trong thôn vận động mọi người tự xử lý rác đúng cách, không vứt ra đường, nơi công cộng.  

Giàu tình nghĩa

Ông Chiến chia sẻ, chiến tranh đã đi qua hơn 43 năm, những ký ức năm xưa trong ông vẫn còn nguyên vẹn. Nhiều đêm ông thao thức, day dứt khi nhớ bạn bè, đồng đội đã ngã xuống vì hoà bình độc lập dân tộc. Đó là điều trăn trở bao nhiêu năm qua thôi thúc ông sống, làm việc tình nghĩa. Mới đây, ông kêu gọi anh em, bà con  và "mạnh thường quân" dựng bia ghi danh hơn 140 đồng đội, đồng chí ở địa phương đã hy sinh trong hai cuộc chiến tranh cứu nước, với kinh phí hơn 100 triệu đồng. Ngày khánh thành bia, bạn bè, đồng đội, chính quyền, người dân đến thăm ai cũng trầm trồ việc làm ân tình ý nghĩa của ông.

Cuối năm 2016, ông triển khai kế hoạch vận động, kêu gọi bà con tạo quỹ xây dựng miếu thờ các ngài khai canh làng Bình An. Nhà ở gần, ông Chiến đến gõ cửa, người ở xa ông gửi thư tay. Khi nghe tên ông, ai cũng đồng tình hưởng ứng. Cuối năm 2017, công trình hoàn thành, với giá trị hơn 120 triệu đồng. Tất cả các khoản được công khai minh bạch, nhận được sự đồng tình ủng hộ của bà con.

Gần đây ông Chiến được bầu giữ thêm chức Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Lộc Vĩnh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Người khuyết tật huyện Phú Lộc... Trách nhiệm vai trò bí thư thôn, nhiệt huyết với cộng đồng, ông Chiến được bà con đặt thêm biệt danh “ông lính già giàu ân nghĩa". Khi tôi hỏi: “Có bao giờ chuyện làng, chuyện thôn làm ông nản lòng?” - không đắn đo, ông Chiến trả lời: “Tôi toàn thấy niềm vui. Nếu có chuyện rắc rối tôi cùng bà con chung tay tháo gỡ. Lúc đó càng thể hiện tinh thần đoàn kết, tin tưởng nhau hơn".

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bâng khuâng tháng Ba

Khi những cánh hoa đào vừa kịp rụng, rũ bỏ hết hương xuân còn bịn rịn, từng chùm quả nhỏ li ti bắt đầu có hình hài, cũng là lúc tháng Ba ngập ngừng về qua ngõ. Không ồn ào, không rộn rã, cứ thế mà nhẹ nhàng bước sang.

Bâng khuâng tháng Ba
Niềm vui từ workshop thủ công

Đa dạng hình thức trải nghiệm và khám phá, các chương trình workshop nở rộ đã mang đến thêm nhiều không gian thư giãn, giải trí và kích thích óc sáng tạo cho các bạn trẻ.

Niềm vui từ workshop thủ công
Đọng lại là niềm vui và tình thương

Đó là trải lòng của nữ bác sĩ đa khoa (BSĐK) Nguyễn Thị Nga, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hương Xuân, Nam Đông sau hơn 30 năm khoác trên mình chiếc áo blouse trắng.

Đọng lại là niềm vui và tình thương
Mối tình sắt son nơi đầu sóng

Bên chân sóng, trước hải trình đến quần đảo Trường Sa, tôi đã “gặp” một cuộc chia tay của đôi tình nhân đặc biệt. Họ là vợ chồng, cũng là đồng chí đồng đội, “xếp lại” tình riêng vì tình cảm lớn lao hơn…

Mối tình sắt son nơi đầu sóng
Dấu ấn người lính nơi biên cương - Kỳ 2: “Ươm mầm” ở miền biên

Nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, tạo nguồn nhân lực, tri thức trong tương lai cho địa phương; “ươm mầm” và bồi đắp tâm huyết, tình cảm, kiến thức, để con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thế hệ trẻ nơi đây trở thành đội ngũ cán bộ tiếp nối, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển, là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh tập trung đẩy mạnh, bước đầu “đơm hoa kết trái”.

Dấu ấn người lính nơi biên cương - Kỳ 2 “Ươm mầm” ở miền biên
Return to top