ClockThứ Tư, 20/04/2016 14:15

Ân tình với Huế

TTH - Nghe danh họa sỹ Lê Bá Đảng từ lâu, nhưng mãi đến dịp Festival Huế lần thứ 2 năm 2002 tôi mới được gặp ông. Cơ duyên mang đến cuộc gặp gỡ này là từ cuộc triển lãm của ông ở Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế.

Được biết trước đó ông đã có ý định tổ chức triển lãm tác phẩm của mình ở Huế, nhưng chọn mãi vẫn chưa tìm được nơi ưng ý để thực hiện. Thế rồi, tòa nhà mới của Bảo tàng Hồ Chí Minh được khánh thành, đáp ứng được những yêu cầu “khắt khe” của ông, và ông quyết định chọn nơi đây làm nơi ra mắt lần đầu tiên ý tưởng nghệ thuật mà ông ấp ủ bấy lâu. Cuộc triển lãm của ông có tên “Màu xanh muôn một” mà điểm nhấn là “mặc áo cho cây”.

Một buổi sáng mát trời, tôi đang chăm chú xem lại tổng thể không gian trưng bày, bất chợt nghe một giọng nói vang lên như thay cho lời chào: “Xin lỗi, tôi vinh hạnh được gặp ai đây nhỉ”. Tôi ngoảnh lại, ông đã đứng ngay bên tôi. Chưa kịp xử trí, ông đã chủ động đưa tay ra bắt “chào anh Xuân” kèm theo nụ cười đôn hậu trên môi, như thể người thân lâu ngày gặp lại. Cuộc triển lãm của ông mang lại kết quả ngoài mong đợi, góp thêm màu sắc cho thành công của Festival Huế, gợi mở cho những sáng tạo nghệ thuật, là tiền đề cho sự ra đời của Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng sau này.

Từ cơ duyên của lần gặp đầu tiên ấy, ông tiếp tục cho tôi nhiều điều bất ngờ thú vị về cách ứng xử rất “Lê Bá Đảng”, khiến tôi càng quý trọng ông hơn. Sau cuộc triển lãm, vào một ngày trung tuần tháng 7, tôi nhận được giấy báo của bưu điện mời đến nhận bưu phẩm từ nước ngoài gửi (người gửi là họa sĩ Lê Bá Đảng). Về nhà mở ra, đó là hai tác phẩm nghệ thuật được thể hiện trên chất liệu rất riêng mang đậm phong cách của ông (một tặng anh Nguyễn Xuân Hoa, Giám đốc Sở, và cái còn lại giành cho tôi với bút tích và chữ ký của ông “Thân tặng anh Xuân, Pari, 7/2002). Rồi tháng 2/2003, tôi may mắn được cử đi công tác ở Pháp cùng với anh Phan Thế Kháng (Phó Giám đốc Sở Du lịch), và anh Thái (cán bộ Sở Ngoại vụ). Ba anh em có một tuần lưu lại trên đất Pháp với những trải nghiệm mới lạ và cảm xúc khó quên.

Có một chuyện mà tôi cứ áy náy mãi trong lần đầu tiên đến Pari, đó là để họa sĩ Lê Bá Đảng và bà Mít-Su (vợ ông) phải đợi chúng tôi hơn 3 tiếng tại khách sạn (nơi hẹn gặp), nhưng cuối cùng cũng không gặp được, đành quay về nhà mình ở quận 13 cách đó khá xa. Lỗi này thuộc về chúng tôi, do một thành viên trong đoàn bị lạc khi xuống tàu cao tốc ở ga trung tâm. Dù lý do gì đi nữa, tôi vẫn thấy mình còn nợ ông một lời xin lỗi. Ấy thế mà khi gặp lại Huế (năm 2004), ông bắt tay tôi thân mật và cười tươi nói, “tiếc quá, vợ chồng tôi đã cố chờ để gặp các anh, mời về nhà chơi, mà không gặp được”. Ông là như thế, vô tư, trong sáng và nhiệt thành với mọi người đến hồn nhiên.

Để có Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, bên cạnh sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ (mà trực tiếp là anh Nguyễn Văn Mễ - Chủ tịch, anh Ngô Hòa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh), anh Nguyễn Xuân Hoa (Giám đốc Sở VHTT), phải kể đến sự đóng góp tích cực và tâm huyết từ những ngày đầu của nhà văn Tô Nhuận Vỹ, anh Phan Văn Thảo, chị Lê Cẩm Tế, anh Phan Tiến Dũng (Giám đốc Sở VH, TT & DL)…, và những cán bộ viên chức của Trung tâm. Xuyên suốt và trên tất cả là tấm lòng đau đáu yêu thương mà họa sỹ Lê Bá Đảng đã giành cho Thừa Thiên Huế bằng sự hiện hữu của Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng trên mảnh đất này.

Sau cuộc triển lãm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và nhiều lần tiếp xúc với lãnh đạo ngành văn hóa thông tin, lãnh đạo tỉnh, họa sỹ Lê Bá Đảng ngỏ ý muốn dành tặng cho Thừa Thiên Huế những tác phẩm nghệ thuật của mình. Thiện chí tâm huyết ấy đã được nhanh chóng triển khai với sự quan tâm đặc biệt. Tỉnh cử những người có năng lực và kinh nghiệm cùng với họa sỹ Lê Bá Đảng xây dựng và ký kết Bản thỏa thuận về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng những tác phẩm nghệ thuật mà ông hiến tặng, đồng thời ưu tiên dành tòa nhà đẹp ở đường Lê Lợi làm nơi trưng bày tác phẩm nghệ thuật của ông. Đó chính là Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng – một địa chỉ văn hóa đã trở nên quen thuộc, hấp dẫn, thu hút người xem trong nước và khách nước ngoài.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đáng ghi nhận trong 10 năm qua (nhất là việc thành lập Qũy Nghệ thuật Lê Bá Đảng gần đây), thiết nghĩ, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng còn nhiều việc phải làm, từ tên gọi và mô hình hoạt động (gọi Trung tâm như hiện tại hay là Bảo tàng) cho phù hợp với xu thế phát triển, đến đội ngũ cán bộ vừa tâm huyết vừa có trình độ chuyên môn, đổi mới và sáng tạo trong cách thức hoạt động (kết nối và phối hợp với các bảo tàng trên địa bàn và các tỉnh bạn)… Chưa kể đến tài năng và những đóng góp về nghệ thuật của ông ở tầm thế giới và trong nước, chỉ tính riêng Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng ông giành tặng cho Thừa Thiên Huế cũng đủ để đề nghị đặt tên ông cho một con đường ở Huế. Đó là tình cảm và cách tri ân mang đậm tính nhân văn mà nhân dân Thừa Thiên Huế dành cho ông.

Lê Viết Xuân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top