ClockThứ Năm, 25/06/2020 13:15

An toàn bức xạ: Quản lý chặt, tuyên truyền rộng

TTH - Nhận thức tác hại của nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ đến sức khỏe con người, ngành chức năng đã quản lý, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn bức xạ (ATBX) để phòng ngừa hiệu quả.

Gần 100 cán bộ cập nhật kiến thức ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân100 cán bộ, nhân viên y tế tham gia tập huấn về an toàn bức xạ

Diễn tập cơ chế ứng phó y tế trong sự cố bức xạ và hạt nhân tại BV Quân y 268

“Kẻ giết người thầm lặng”

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 58 tổ chức, đơn vị ứng dụng thiết bị bức xạ và hạt nhân trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng, nhiệt điện, khám chữa bệnh (KCB); trong đó, có 51 cơ sở ứng dụng bức xạ trong KCB,7 cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ trong công nghiệp. Trong số này có 35 nguồn phóng xạ và 25 thiết bị bức xạ sử dụng trong lĩnh vực y tế (ngoài thiết bị X quang) và công nghiệp được Cục ATBX-Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) cấp phép hoạt động theo quy định.

Ông Ngô Thuần, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và chuyên ngành, Sở KHCN cho biết, bức xạ có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sức khỏe con người, nhẹ có thể bị nôn mửa, bỏng da, rụng tóc..., nặng dẫn tới tử vong, ung thư, sinh con quái thai, dị dạng... Tuy nhiên, bức xạ lại vô hình, không màu, không mùi nên có thể xem như “kẻ giết người thầm lặng”.

Chính nguy hại trên, Sở KHCN thường xuyên cập nhật thông tin, thống kê đầy đủ, chi tiết, rõ ràng của các đơn vị, cơ sở sử dụng thiết bị bức xạ và nguồn phóng xạ, đồng thời phổ biến những văn bản quy phạm pháp luật, cập nhật kiến thức về ATBX nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên của đơn vị, cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ và thiết bị bức xạ. Sở KHCN đẩy mạnh hoạt động, kiểm tra các cơ sở hoạt động liên quan đến ATBX. Mục tiêu thanh, kiểm tra nhằm đánh giá việc chấp hành tuân thủ pháp luật về ATBX.

Từ năm 2017 đến nay, theo định kỳ, Sở KHCN đã chủ trì tổ chức các lớp đào tạo kết nối thông tin và diễn tập ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân trên địa bàn.

Tuyên truyền cho cơ sở phế liệu

Thế giới ghi nhận nhiều sự cố xảy ra do rò rỉ phóng xạ. Tuy tác hại của các thiết bị chứa nguồn bức xạ rất nguy hiểm, nhưng không phải ai cũng nhận thức được. Đặc điểm nhận dạng là dấu hiệu hoa thị 3 cánh có màu đen hay đỏ được gắn trên vỏ thiết bị hay khu vực có bức xạ để cảnh báo nguy hiểm. Khi phát hiện nguồn phóng xạ vô chủ, mọi người không nên đến gần, không chạm vào hay di dời nó mà nên gọi khẩn cấp đến tổng đài 114 hay cơ quan chức năng để xử lý.

Theo ông Ngô Thuần, với những đơn vị, cơ sở hoạt động liên quan đến ATBX; trong đó, có thiết bị bức xạ chứa nguồn phóng xạ, phục vụ trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp và nghiên cứu khoa học lại không đáng ngại vì đã được quản lý, cấp phép và cán bộ phụ trách làm việc trong môi trường này cũng được đào tạo, tập huấn, có kiến thức hiểu biết tốt về ATBX.

Điều quan tâm hiện nay ở Thừa Thiên Huế là có gần 70 cơ sở kinh doanh thu mua phế liệu nằm ở các huyện, thị xã, thành phố - những địa chỉ tiềm ẩn khả năng rò rỉ phóng xạ nằm trong các khu dân cư khá nguy hiểm. Dù nhận thức được mức độ phổ biến của loại hình kinh doanh phế liệu, ngành chức năng đã tăng cường tuyên truyền ATBX nhưng vẫn còn hạn chế.

Hiện nay, Sở KHCN xây dựng kế hoạch tập huấn cho các đơn vị có sử dụng nguồn phóng xạ, các cơ sở thu gom phế liệu, mời chuyên gia đầu ngành về phóng xạ nói chuyện tiến hành khảo sát tình hình mua bán, sơ chế, vận chuyển phế liệu, kho bãi không bảo đảm an toàn về phòng, chống cháy nổ, ATBX, phát tờ rơi, áp phích tuyên truyền về tác hại của bức xạ đối với đời sống và sức khỏe con người, những dấu hiệu nhận biết và cách phòng, chống...

“Từ nay đến cuối năm 2020, Sở KHCN tiếp tục khảo sát, thu thập thông tin, danh sách các cơ sở thu mua phế liệu mới và cũ ở TP. Huế, TX. Hương Thủy, Hương Trà... để tập huấn, hỗ trợ kiến thức nhằm phòng ngừa an toàn, hiệu quả”. Ông Ngô Thuần nói.

Bài, ảnh: Song Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top