ClockThứ Hai, 10/10/2022 21:13

An toàn các công trình giao thông đang thi công

TTH.VN - Trên địa bàn hiện có nhiều công trình giao thông đang thi công ở các khu vực xung yếu dễ ảnh hưởng khi mưa lũ đến. Do vậy các chủ đầu tư, đơn vị thi công đã có nhiều giải pháp ứng phó hữu hiệu.

Lợp lại mái nhà cho gần 60 hộ dân khu vực biên giớiNam Đông: Chủ động ứng phó với sạt lở, lũ lụt và gió bãoKhắc phục khẩn cấp công trình thủy lợi bị hư hỏngBão số 1 giật cấp 14 cách Quảng Ninh 430km

Trên công trường thuộc Dự án (DA) đường Phong Điền - Điền Lộc dài hơn 16,5km với 4 gói thầu chính, do Ban Quản lý DA Đầu tư xây dựng công trình giao thông (BQL DAĐTXDCTGT) tỉnh làm chủ đầu tư, đến nay đã đạt hơn 50% khối lượng công việc. Hiện nay xung yếu nhất là đoạn nối từ TL6 đến QL49B vì băng qua đồng ruộng dài hơn 3km.

Lập hàng rào cảnh giới người phương tiện không có phân sự vào công trình cầu Hòa Xuân 2 đang thi công

Trên tuyến này, nhà thầu Thành Đạt đang tập trung gần 40 cán bộ, công nhân và hơn 10 phương tiện xúc, cẩu, ủi để thi công lao dầm cầu Hòa Xuân 2. Theo chủ đầu tư DA, khu vực cầu Hòa Xuân 2 được khảo sát là điểm dễ ngập lụt khi có mưa lũ về. Chính vì thế mỗi khi hay tin thời tiết xấu ở Huế là đơn vị đề nghị các đơn vị nhà thầu triển khai thi công từng vị trí cho từng công đoạn phù hợp nhất với điều kiện thời tiết.

Chỉ huy trưởng công trình nhà thầu Thành Đạt cho biết, khi nắm thông tin có mưa lớn trên địa bàn trước hôm 9/10, đơn vị có kế hoạch che chắn các lối vào công trình đang thi công, đưa công nhân và phương tiện máy xúc, cẩu lên vị trí cao ở địa bàn thôn Nhất Phong, Phong Chương, Phong Điền tránh lũ an toàn.

Tại công trình đường Phú Mỹ - Thuận An, nhiều nhà thầu liên danh đang đẩy nhanh tiến độ gói thầu 6 và 14 về đích theo kế hoạch năm 2022. Hiện nay Công ty CP Xây dựng giao thông tỉnh và Công ty CP Quản lý đường bộ và Xây dựng công trình Thừa Thiên Huế đang thi công hơn 2km tuyến băng qua vùng trũng đất ruộng nối từ xã Phú Mỹ (Phú Vang) đến Thuận An (TP. Huế) với tinh thần vừa đẩy nhanh tiến độ trong hoàn cảnh mưa gió ở xứ Huế.

Ông Đoàn Anh Hải, Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng giao thông tỉnh cho biết, từ hơn hai tháng trước, đơn vị đã triển khai kế hoạch đảm bảo việc thi công công trình phù hợp với điều kiện mưa bão. Hiện đơn vị đã thành lập đội phòng chống thiên tai. Khi nghe dự báo thời tiết có mưa lớn ở Thừa Thiên Huế bắt đầu từ ngày 10/10, ngay từ chiều hôm trước, các vật tư máy móc, sắt thép được chuyển đến các vị trí cao và các hạng mục đang thi công đã dùng vật tư bạt che chắn. Đơn vị cũng cắt cử cán bộ lãnh đạo, công nhân ứng trực 24/24h để theo dõi diễn biến mưa lũ, chủ động phòng chống kịp thời trên từng hạng mục công trình đang thi công.

Lần lượt đưa phương tiện thi công lên vùng cao núp lũ tại DA đường Phong Điền - Điền Lộc

DA tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An thuộc địa bàn TP. Huế nằm ở vị trí khá xung yếu, khi mưa lũ xảy ra sẽ chịu tác động trực tiếp của sóng gió và ảnh hưởng lũ trên sông Hương đổ ra cửa biển. Chính vì yếu tố đó mà chủ đầu tư, nhà thầu thi công DA đã có kế hoạch phòng ngừa mỗi khi mưa bão xảy ra.

Kỹ sư Nguyễn Nam Tùng, Chỉ huy trưởng công trường thuộc Công ty cổ phần tập đoàn Đạt Phương, đơn vị liên danh thi công DA cầu Thuận An chia sẻ, hiện nay đơn vị đang thi công các trụ cầu T17 và 18 và tiến hành hoàn thành cọc khoan nhồi T31,T35,T36,T39,T40 ở khu vực Thuận An. Những ngày qua trên công trường luôn tập trung gần 100 công nhân và nhiều phương tiện thiết bị cần trục, cần cẩu, sà lan, xe xúc đào để tăng tốc thi công chạy theo tiến độ cuối năm. Thế nhưng khi nhận tin báo thời tiết Huế có mưa lớn, nguy cơ ngập lũ sáng 9/10, đơn vị chỉ đạo Ban phòng chống mưa bão trực thuộc hoàn tất việc hạ thấp độ cao các cần cẩu, điều chuyển các phương tiện, thiết bị neo chắn vào vị trí an toàn, lập hàng rào che chắn không cho người và phương tiện qua lại. Toàn bộ đội ngũ kỹ sư, công nhân các nhà thầu đến cư trú lán trại vùng cao và nhà dân đề phòng giông, lốc, bão gió… Tuyệt đối không ra ngoài khi mưa lớn, gió mạnh.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc BQL DAĐTXDCTGT tỉnh, cho rằng, các công trình giao thông hiện đang triển khai trên địa bàn đều có nguồn vốn đầu tư khá lớn. Do đó khi có mưa lũ xảy ra, ngành GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư, các BQL dự án, các đơn vị tư vấn thiết kế và các đơn vị thi công phải có trách nhiệm bố trí nhân lực, vật tư, thiết bị phòng chống để hạn chế thấp nhất các rủi ro xảy ra. "Với phương châm đặt ra mỗi dự án, mỗi công trình phải đẩy nhanh tiến độ nhưng đi kèm là chất lượng và khi có mưa bão đến phải chú ý điểm dừng để đảm bảo an toàn cho người, công trình, máy móc, thiết bị", ông Cường nói.

Bài, ảnh: Song Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

DỰ ÁN TUYẾN ĐƯỜNG BỘ VEN BIỂN:
Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6/2024

Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An (TP. Huế) đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), tiến độ thi công trên công trường, nhằm hoàn thành công trình vào tháng 3 năm 2025.

Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6 2024
Đảm bảo an toàn giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Ngày 29/2, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh cho biết, sau hơn 3 ngày rà soát hiện trường tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đoàn công tác gồm đại diện lãnh đạo Khu Quản lý đường bộ II (Bộ Giao thông Vận tải); Cục Cảnh sát Giao thông CSGT (Bộ Công an); Ban ATGT và các phòng ban chức năng tỉnh, cùng Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh… thống nhất các giải pháp bổ sung, điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến.

Đảm bảo an toàn giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

TIN MỚI

Return to top