ClockThứ Tư, 08/06/2016 05:51

An toàn sự sống đại dương

TTH - Việc khai thác nguồn lợi hải sản quá mức, thiếu kiểm soát, cộng với các loại chất thải hằng ngày từ sinh hoạt, sản xuất khiến sự sống của đại dương đối mặt với nhiều thách thức, không bền vững.

Ra quân thu gom rác, bao bì trên các bãi biển

Ý thức bảo vệ còn thấp

Ông Đào Văn Cơ, Trưởng phòng Khí tượng Thủy văn-Biến đổi khí hậu (BĐKH) -Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin, Ủy ban Quốc gia về ứng phó BĐKH của Liên Hiệp quốc khẳng định rằng, vấn đề BĐKH nói chung và sự tác động, ảnh hưởng đến sự sống của đại dương nói riêng đều do con người gây nên. Trong số các nguyên nhân gây ra BĐKH, có đến 95% là do yếu tố con người.

Hiện nay, chỉ một vài nước tiên tiến trên thế giới có sự kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, đánh bắt nguồn hải sản một cách hợp lý, có giới hạn. Phần lớn các nước kém phát triển, đang phát triển hầu như chưa kiểm soát được mức độ đánh bắt hải sản. Nhiều hoạt động đánh bắt trái phép, bằng mìn, giã cào… vẫn chưa được ngăn chặn kịp thời, triệt để. Điều đó làm tăng nguy cơ đe dọa sản lượng hải sản, sinh vật từ đại dương bị giảm sút, mất cân bằng môi trường sinh thái.

Ông Cơ cho rằng, có đến 80% nguyên nhân gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sự sống đại dương xuất phát từ sản xuất, đời sống sinh hoạt của con người ở đất liền gây nên. Sản xuất công nghiệp có khói và ngành nông nghiệp thải ra các loại khí độc, chất độc, rác thải gây ô nhiễm môi trường nguồn nước biển. Các chất ni tơ, phốt pho và các loại chất độc khác trong nước biển khi đạt nồng độ cao sẽ làm tảo nở hoa. Các loại tảo sau khi phân hủy tiêu thụ một lượng lớn ô xi, làm cho nguồn nước thiếu ô xi ảnh hưởng đến sự sống, sinh trưởng của hải sản, các loại sinh vật biển.

Thu gom rác ở bãi biển

Các hoạt động trên đất liền, cũng như quá trình đánh bắt hải sản trên biển đã thải ra một lượng rác thải, bao bì ni lông rất lớn ảnh hưởng đến sự an toàn, gây ô nhiễm môi trường đại dương. Các loại chất hóa học, chất độc trong nước biển tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển trên diện rộng. A xít hóa đại dương có thể làm suy yếu sự sinh trưởng, phát triển và sự sống của các loài nhuyễn thể, san hô, sinh vật phù du… Đây là một trong những nguyên nhân gây nên hậu quả khó lường, nghiêm trọng đối với sinh vật biển mà đến nay các nhà khoa học đang gặp nhiều khó khăn trong công tác nghiên cứu, giám sát và xử lý…

Cần sự chung tay

Điều đáng lo ngại đối với nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Thừa Thiên Huế là tình trạng xả nước thải trực tiếp từ các hồ nuôi tôm ra biển, khiến nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước biển. Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hương (Phong Điền) Trần Gia Duy chia sẻ: “Mặc dù chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền và ngăn chặn nhưng việc người dân xả thải nước hồ tôm ra biển rất khó kiểm soát. Khó khăn lớn nhất là vùng nuôi tôm chưa quy hoạch ao xử lý nước thải và hệ thống kênh mương cấp thoát nước”.

Ngoài bất cập trong việc xả thải nước hồ tôm ra biển, theo ông Đào Văn Cơ, trong nhiều năm qua Thừa Thiên Huế đã làm tương đối tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân và các tổ chức chính trị, xã hội trong việc bảo vệ môi trường trên các bãi biển. Nhân hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Ngày Môi trường và Đại dương Thế giới năm 2016, những ngày qua, các lực lượng thanh niên, tổ chức xã hội và người dân các xã ven biển ra quân làm vệ sinh môi trường trên các bãi biển. Đây cũng là một trong những hình thức tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường biển.

Hiện nay, tình trạng xả thải rác ra biển từng bước được hạn chế. Quá trình đánh bắt hải sản, ngư dân cũng đã có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế xả rác, bao ni lông bừa bãi trên biển. Điều này thể hiện qua việc nguồn lợi hải sản ở gần bờ trên địa bàn tỉnh vẫn sinh sôi khá dồi dào. Các hộ ngư dân vùng bãi ngang vẫn dựa vào nghề biển để sinh sống.

Tuy có nhiều nỗ lực, song sẽ là không tác dụng nhiều nếu sự nỗ lực ấy là đơn lẻ. Những sự cố môi trường đã và đang diễn ra cho thấy, đại dương hiện nay vẫn đối mặt nhiều thách thức, nguy cơ khó lường, rất cần tăng cường mạnh mẽ hơn nữa các biện pháp bảo vệ. Các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức chính trị, xã hội, các nhà khoa học cần vào cuộc, chung tay bảo vệ an toàn sự sống đại dương. Các nhà khoa học, nghiên cứu đưa ra các thông số, nhận định cấp độ nguy cơ, đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường nguồn nước biển. Trong sản xuất công nghiệp cần hướng đến sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo… nhằm giảm lượng khí độc. Ngư dân cần chấm dứt hoàn toàn các phương thức đánh bắt hải sản mang tính hủy diệt. Điều này cũng cần sự vào cuộc tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào

Qua quan sát, diện chưa rộng lắm nhưng tôi đã “lờ mờ” nhận ra xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường (thường được gọi là xu hướng tiêu dùng xanh) đang dần hiện hữu và được coi trọng, nó không ở chỗ này thì ở chỗ kia. Xu hướng này chỉ có được khi đi cùng với nhận thức và những lĩnh vực tiêu dùng văn minh.

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào
Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Ra quân làm sạch môi trường tại Phong Điền, A Lưới

Chiều 17/3, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh phát động chiến dịch “Hãy làm sạch biển” và đồng loạt ra quân hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh - Hãy làm sạch biển năm 2024 tại bãi tắm thôn Tân Bội, xã Điền Lộc (huyện Phong Điền).

Ra quân làm sạch môi trường tại Phong Điền, A Lưới
Thăm nhà máy xử lý rác Phú Sơn

Nhà máy xử lý rác Phú Sơn (xã Phú Sơn, TX. Hương Thủy) do Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB đầu tư xây dựng, với kinh phí khoảng 1.700 tỷ đồng. Nhà máy đã chính thức đi vào hoạt động cuối tháng 1/2024, góp phần rất quan trọng giải bài toán đầu ra cho việc xử lý rác thải hiệu quả và đảm bảo môi trường ở Thừa Thiên Huế - vấn đề nhức nhối của địa phương khi các bãi chôn lấp rác ở Thủy Phương đã đầy và cuộc sống người dân bị đảo lộn bởi mùi hôi thối từ các hố chôn lấp.

Thăm nhà máy xử lý rác Phú Sơn
Return to top