ClockThứ Ba, 31/12/2019 18:04

An toàn từ vườn rau đến bàn ăn

TTH - Nằm khép mình trong khu dân cư đô thị, hơn 1 mẫu đất trồng rau theo hướng hữu cơ được các hộ dân phường Xuân Phú (TP. Huế) chăm bẵm.

Thăm vườn rau thủy canh

Trồng rau hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: VÕ ĐẠI NHÂN

Hồi sinh đất

Nằm khép mình trong khu dân cư đô thị, hơn 1 mẫu đất trồng rau theo hướng hữu cơ được các hộ dân phường Xuân Phú (TP. Huế) chăm bẵm. Vào khu vườn, ấn tượng đầu tiên là màu xanh mướt mắt, không khí trong lành.

Trước đây, khu vực này được người dân tận dụng trồng sắn nhưng năng suất không cao. Từ thành công của mô hình sản xuất chế phẩm hữu cơ bón cho đất, anh Lê Văn Tài, Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Phú cùng 4 hộ dân tổ 16, khu vực 6, phường Xuân Phú tiến hành cải tạo đất và chuyển sang trồng rau.

Vốn là đất bạc màu do sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật nên những hộ nông dân khá chật vật trong việc cải tạo đất. “Chúng tôi phải tìm mua nguồn phân chuồng từ các trang trại chăn nuôi, sử dụng nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp ủ với chế phẩm sinh học để sản xuất phân bón cải tạo đất. Sản phẩm rau của tổ sản xuất hiện đang có mặt tại khá nhiều quầy thực phẩm sạch trên địa bàn. Chúng tôi cũng tiến tới xây dựng dịch vụ cho trẻ tham quan vườn rau hữu cơ dịp cuối tuần nhằm mở rộng tương tác với cộng đồng.

Đất trồng là yếu tố quan trọng để phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, mô hình măng tây hữu cơ của gia đình ông Nguyễn Văn Ân, thôn Phú Cường, xã Lộc Thủy (Phú Lộc) là một ví dụ.

Sau 3 năm bén duyên với măng tây, từ 0,5 sào ban đầu, ông Nguyễn Văn Ân đã phát triển được 3 sào măng tây theo hướng hữu cơ. Ông cũng đang tiến hành xin đất mở rộng lên diện tích 1 ha nhằm thực hiện xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này. Theo ông Ân, quan trọng nhất với cây măng tây, là cải tạo nền đất trước khi xuống giống. Xử lý đất trồng măng tây phải rất kỹ, thật nhiều phân hữu cơ và nguyên tố vi lượng, vì là cây lâu năm nên phải có nền hữu cơ thật vững.

Mới đây, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản tiến hành lấy mẫu đất, nước khu vực này để khoanh vùng hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết cho sản phẩm măng tây hữu cơ, đây cũng được xem là bước tiến lớn để sản phẩm măng tây chinh phục thị trường Huế.

Thu hoạch rau sạch ở Thủy Thanh - Hương Thủy. Ảnh: VÕ ĐẠI NHÂN

Doanh nghiệp vào cuộc

Không riêng gì nông dân, các nhà hàng, khách sạn cũng đầu tư xây dựng các vườn rau, khu vực chăn nuôi hữu cơ phục vụ nhu cầu kinh doanh của đơn vị như nhà hàng chay Organic An Lạc, nhà hàng Duyên Anh… Các doanh nghiệp cũng đã có những đầu tư cho mô hình nông nghiệp hữu cơ. Điển hình phải kể đến Tập đoàn Quế Lâm với việc sản xuất chế phẩm, phân bón hữu cơ cung ứng cho thị trường, đồng thời hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết nông sản hữu cơ với người dân, hợp tác xã (HTX).

Và một trong những HTX tiên phong phải kể đến HTX NN Phù Bài. Từ một HTX chỉ sản xuất theo hướng thâm canh, đáp ứng nhu cầu tại chỗ nên ít quan tâm đến chất lượng lúa gạo, HTX này có những chuyển biến khá tích cực sau khi tiếp cận với mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ. Từ 2,5 ha lúa sản xuất thí điểm ban đầu đến nay 120 ha/280ha của HTX được người dân chuyển sang trồng theo hướng hữu cơ, tạo nên sự lan tỏa rộng rãi.

Theo ông Lê Tranh, Giám đốc HTX NN Phù Bài, việc áp dụng quy trình hữu cơ 3 không “không phân vô cơ, không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu hóa chất” thời gian đầu rất khó khăn. Nhưng càng về sau càng thể hiện được hiệu quả nhất là trong cải tạo, giảm sâu bệnh, năng suất giữ mức cao với 58 tạ/ha, lại được bao tiêu với mức giá cao hơn thị trường từ 15-20%.

Hiện, Tập đoàn Quế Lâm đã xây dựng các mô hình lúa hữu cơ trên diện tích 500 ha liên kết với 12 HTX trên địa bàn. Ngoài ra, đơn vị còn triển khai 15 mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ ứng dụng công nghệ vi sinh với tổng đàn hơn 1.300 con. Tập đoàn Quế Lâm và UBND tỉnh đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư mở rộng sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn từ sản xuất đến bàn ăn mang lại niềm tin cho khách hàng.

Vườn rau hữu cơ của Lê Văn Tài, phường Xuân Phú. Ảnh: HL

Truy xuất nguồn gốc

Sản xuất ngày càng hiện đại việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học vào quá trình sản xuất càng trở nên phổ biến làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Dưới áp lực của nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, việc đưa sản xuất chuyển theo hướng hữu cơ, VietGAP… như một tất yếu. 1.200 ha lúa, 103 ha rau được chứng nhận VieGAP, 500 ha sản xuất theo hướng hữu cơ, 21.000m2 rau trồng trong hệ thống nhà lưới nhà kính là con số minh chứng rất tuyệt vời

Người nông dân không chỉ quay trở lại với các loại phân hữu cơ, các loại thuốc diệt côn trùng tự nhiên từ nước tỏi, ớt hay các sản phẩm bẫy côn trùng tự chế. Nhiều nghiên cứu khoa học, chế phẩm sinh học phục vụ trong nông nghiệp cũng được ứng dụng vào thực tiễn tạo nên những chuyển biến trong sản xuất. Các nhà sản xuất, cơ quan quản lý nhà nước cũng chú trọng đến truy xuất nguồn gốc nông sản, theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, kể cả tiêu chuẩn HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn). Nhiều mô hình chuỗi liên kết thực phẩm an toàn từ sản xuất đến bàn ăn được xây dựng, giúp truy suất được nguồn gốc thực phẩm, từng công đoạn, cơ sở tham gia vào chuỗi, tạo dựng được niềm tin cho khách hàng.

Mong muốn đem lại cho khách hàng nguồn thực phẩm tốt nhất, anh Nguyễn Văn Tú, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy đầu tư hệ thống chuỗi sản phẩm gà thịt, gà nướng khép kín hoàn toàn từ con giống đến tận bàn ăn. Với nguồn con giống đảm bảo chất lượng từ Nhà máy sản xuất gà 3F Việt (Quảng Lợi, Quảng Điền), anh đầu tư 3 trang trại lớn (1 ở Thủy Châu và 2 trang trại ở Thủy Phương), mỗi năm xuất chuồng trên 150.000 con gà. Hệ thống 4 cửa hàng cung cấp thực phẩm gà tươi sống, gà nướng do chính cơ sở sản xuất cũng được đầu tư. Mới đây, hệ thống cửa hàng của anh được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản cấp chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn từ sản xuất đến bàn ăn.

Sản phẩm của Cori được chứng nhận HACCP. Ảnh: HL

“Việc đầu tư chuỗi từ sản xuất đến bàn ăn không chỉ xuất phát từ nhu cầu của người dân mà bản thân là người sản xuất, tôi cũng mong muốn đưa sản phẩm tốt nhất đến người tiêu dùng. Cùng với việc đầu tư chuỗi, sắp đến chúng tôi sẽ đầu tư hoàn chỉnh lại quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAP đảm bảo chất lượng đầu ra cho khách hàng”.

Không riêng gì cơ sở của anh Tú, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được chứng nhận.

Theo ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, nông nghiệp sạch đang dần có chỗ đứng. Thừa Thiên Huế cũng đã và đang nhìn nhận rõ hơn những tiềm năng thế mạnh để phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Bằng chứng là những năm qua, số lượng diện tích lúa hữu cơ, rau VietGAP, chăn nuôi hữu cơ, VietGAP ngày càng tăng. Số lượng cơ sở được chứng nhận sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, HACCP ngày một nhiều. Nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao đang được tiếp sức bằng các chủ trương, chính sách.

Ngành nông nghiệp cũng đang khởi động nhiều chương trình, dự án trong năm mới nhằm hỗ trợ người dân hoàn thiện các quy trình thủ tục, sản xuất để được cấp chứng nhận vùng sản xuất hữu cơ; trước mắt tiến hành lấy mẫu đất, nước ở một số vùng sản xuất làm cơ sở theo dõi và có hướng hỗ trợ trong những năm tới. Cùng với đó, các chương trình du lịch xanh cũng sẽ được tỉnh và các doanh nghiệp triển khai trong năm 2020 sẽ mở ra triển vọng mới cho nền nông nghiệp hữu cơ.

HOÀNG LOAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối thác

Mùa hè về, loại hình du lịch sinh thái gắn với tắm suối thác đang thu hút nhiều khách du lịch nội địa. Việc chủ động các giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách phải được đặt lên hàng đầu.

Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối thác
Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Cần phương án đảm bảo an toàn trên tuyến cao tốc và quốc lộ

Mới đây, Cục Đường bộ Việt Nam thông tin, từ ngày 4/4 tới, các đơn vị liên quan triển khai phương án điều tiết xe tải lớn hơn 6 trục (30 tấn), xe sơmi-rơ moóc (xe container), xe khách trên 30 chỗ không đi vào cao tốc Cam Lộ-La Sơn mà được phân luồng đi trên QL1A.

Cần phương án đảm bảo an toàn trên tuyến cao tốc và quốc lộ

TIN MỚI

Return to top