ClockThứ Ba, 30/07/2019 15:10

Ăn xài quá mức, con người mắc nợ thiên nhiên từ ngày 29/7

Theo tính toán của tổ chức phi chính phủ Global Footprint Network, bắt đầu từ ngày 29/7, dân số toàn cầu với 7,7 tỉ con người đang bắt đầu ăn xài mắc nợ vào nguồn lực thiên nhiên.

Indonesia khuyến khích đẩy mạnh việc làm xanhSử dụng tài nguyên thông minh hơn có thể làm lợi 2.000 tỷ USD cho nền kinh tế năm 2050Tội phạm môi trường tăng nhanh với “tốc độ đáng báo động”

Tức là so với những gì thiên nhiên có thể đáp ứng cho chúng ta trong một năm thì chúng ta đã tiêu xài hết sạch và từ giờ phải mắc nợ đến cuối năm. Như vậy là hiện nay con người đang tiêu thụ nguồn lực thiên nhiên nhanh gấp 1,75 lần mức cho phép. So với cách đây 20 năm thì chúng ta tiêu xài sớm hơn 2 tháng.

Cách tính toán của Global Footprint Network dựa trên 3 triệu dữ liệu thống kê của 200 quốc gia và lãnh thổ liên quan nguồn thải khí cacbon của con người và khả năng hấp thụ của thiên nhiên để hồi phục. Chúng ta thải khí từ các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt, xây dựng, tiêu thụ thực phẩm, năng lượng, đi lại… 

Như vậy tính từ ngày 29/7, loài người chúng ta đã thải ra ngoài không khí lượng khí CO2 đủ "quota của năm" mà các đại dương và rừng rậm hiện hữu có thể hấp thụ để tái sinh. Sau thời điểm này cho đến hết năm, những cây tươi chúng ta đốn hạ, những con cá chúng ta bắt lên từ sông, từ biển đã vượt mức tái tạo của thiên nhiên.

Báo cáo công bố ngày 28/7 của Global Footprint Network, với sự hợp tác của Quỹ Thiên nhiên quốc tế (WWF) cho biết: "Ở mức độ toàn cầu, chúng ta đã đánh bắt nhiều cá hơn, đốn hạ nhiều cây cối hơn và canh tác trên nhiều đất đai hơn mức mà tự nhiên cho phép chúng ta được dùng trong năm". 

Một khi tiêu xài quá nhanh và sạch béng như thế thì chúng ta phải mắc nợ và chúng ta càng khiến hành tinh này giảm đi khả năng tái tạo.

Báo cáo của Global Footprint Network cho biết cách thức tiêu thụ của mỗi quốc gia cũng có khác biệt: "Qatar xài sạch nguồn tài nguyên cho phép của mình chỉ sau 42 ngày, trong khi Indonesia chừng mực nhất vì phải đến 342 ngày mới xài hết quyền được xài của mình". 

Tính theo một cách khác, nếu cả thế giới này tiêu xài như người Pháp thì cần có 2,7 hành tinh mới đủ dùng, còn theo cách xài thả ga của người Mỹ thì cần đến… 5 hành tinh!

Các nhà khoa học cho biết nguyên nhân gây hao tổn nhiều nhất cho nguồn lực tự nhiên chính là khí thải gây hiệu ứng nhà kính: làm tổn hại đến 60% nguồn tài nguyên được phép xài trong năm. 

Tổ chức Global Footprint Network tính toán rằng "chỉ cần giảm được phân nửa lượng khí thải CO2 hiện nay thì chúng ta có thêm được 93 ngày nữa, tức là ngày mắc nợ sẽ lùi sang tháng 10". Còn nếu giảm phân nửa mức tiêu thụ protein động vật thì chúng ta sẽ tiết kiệm được 15 ngày và giảm được phân nửa lượng lương thực mà chúng ta đang hoang phí sẽ "có lời" được thêm 10 ngày.

8/10

Là thời điểm trong năm mà Việt Nam bắt đầu "mắc nợ" thiên nhiên. Thái Lan là ngày 28/8; Trung Quốc 14/6; Singapore 12/4 nhưng Indonesia là 18/12.

Theo Tuoitre

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top