ClockThứ Ba, 02/06/2015 16:22

Anh em ruột cùng… vào tù

TTH - Bị cáo: “Tôi xin nhận hết tội lỗi. Những bị cáo khác đều do tôi rủ rê, mới ra nông nỗi này. Tôi rất ân hận, xin tòa xem xét giảm nhẹ…”. Tòa: “Nếu bị cáo không rủ rê họ cùng đi ăn trộm, làm việc phạm pháp, thì hai em ruột, cháu ruột và người yêu bị cáo đâu có cùng bị cáo đứng trước vành móng ngựa. Bây giờ ân hận thì đã quá muộn, cả nhà cùng vướng vòng lao lý. Đau lòng không!”…

Theo cáo trạng được công bố tại phiên tòa: Tháng 6/2014, Lưu Quốc Kỳ từ TP Hồ Chí Minh ra nhà tại huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế chơi, đưa người yêu là Nguyễn Thị Tha ra cùng. Thấy nhiều chủ xe máy để tài sản sơ hở nên Kỳ nảy sinh ý định trộm cắp. Kỳ rủ em trai là Lưu Quốc Bảo, Lưu Quốc Cường (sống ở Phú Lộc) và cháu ruột là Lưu Quốc Hiếu (sống ở Bà Rịa- Vũng Tàu) cùng tham gia đường dây. Xe máy trộm được sẽ mang vào TP Hồ Chí Minh bán lấy tiền chia nhau tiêu xài. Trong khoảng thời gian từ ngày 28/6/2014 đến ngày 8/8/2014, Kỳ, Hiếu, Tha, Bảo và một bị cáo khác thực hiện 13 vụ trộm cắp xe máy, với tổng trị giá chiếm đoạt hơn 433 triệu đồng, bị truy tố, xét xử về tội “trộm cắp tài sản”. Cường tham gia đưa 2 trong số các xe máy trộm được đi tiêu thụ, nên chịu trách nhiệm hình sự về tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.  

Quá trình tòa thẩm vấn đối chất, để làm rõ tính chất mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo, Kỳ “khẳng khái”: “Tôi xin nhận hết tội lỗi. Những bị cáo khác đều do tôi rủ rê mới ra nông nỗi này. Tôi rất ân hận, xin tòa xem xét giảm nhẹ…”. Tòa: “Nếu bị cáo không rủ rê họ cùng đi ăn trộm, làm việc phạm pháp, thì hai em ruột, cháu ruột và người yêu bị cáo đâu có cùng bị cáo đứng trước vành móng ngựa. Bây giờ ân hận thì đã quá muộn, cả nhà cùng vướng vòng lao lý. Đau lòng không!”…
Cha, mẹ các bị cáo Kỳ, Bảo, Cường gầy guộc, khắc khổ, cúi mặt xuống những bàn tay đen đúa chai sần. Những bàn tay chai sần đó ngượng nghịu quệt nước mắt tủi hổ. Người mẹ lầm lũi ra hành lang bật khóc nức nở. Trong tiếng nấc, bà phân trần, vợ chồng sống bằng nghề nông, vất vả cày cuốc nuôi bầy con, suốt đời lương thiện. Vậy mà “nảy nòi” ra thằng con trai cả (bị cáo Kỳ) mấy lần vào tù ra tội vì trộm cắp, đã là nỗi nhục, nỗi đau của gia đình. Cha mẹ hết lời khuyên răn, nó vâng vâng dạ dạ. Không ngờ, nó lại đang tâm rủ rê cả hai em trai và đứa cháu ruột đi vào con đường tội lỗi.
Giờ nghị án, Kỳ ngồi im lặng buồn bã. Có lẽ bị cáo đang thực sự hối hận vì trót kéo người thân vào vòng lao lý. Nhưng như vị thẩm phán phân tích, nỗi ân hận đã quá muộn màng. Bên cạnh Kỳ, cô người yêu mặt nhòa nước mắt, đứa em ruột ôm con mấy tháng tuổi- lần đầu tiên thấy mặt- vào lòng, nước mắt rớt xuống má con… Dán ánh mắt vào bức tường phía sau dãy ghế dành cho hội đồng xét xử, Kỳ không dám nhìn cha mẹ ruột, cha mẹ người yêu, không dám nhìn cảnh một đứa em ôm con nhỏ khóc, đứa kia bần thần vì vợ mới sinh còn yếu ở nhà…  
 Phải qua rất nhiều ngã rẽ, qua những quãng đồng rộng mới đến được nhà cha mẹ của ba bị cáo nằm cuối một thôn thuộc xã Lộc Thủy (Phú Lộc). Người chỉ đường nào cũng bảo, sẽ khó gặp cha mẹ Kỳ, bởi từ khi mấy đứa con trai bị bắt, họ chuyển đến sống tại nhà của người thân ở thôn bên, cách khoảng 5- 6 cây số, chừng để “lánh mặt”. Ngôi nhà mới sửa chữa xong nhưng dường như bỏ hoang. Quả thật, ngôi nhà cửa đóng im lìm, càng có vẻ chơ vơ hoang lạnh trong chiều muộn. Lại lần mò hỏi đường, tối mịt mới đến được thôn bên nơi cha mẹ Kỳ “tá túc”. Đây là nhà ông bà ngoại Kỳ đang sinh sống ở nơi khác. Cha mẹ Kỳ chẳng thiết cơm nước, ngồi thầm trong bóng tối, có khách đến mới uể oải đứng dậy bật công tắc điện. Người mẹ có ba đứa con vừa lãnh án tù rầu rĩ tâm sự, khi hay tin hai đứa em “theo chân” thằng anh cả, vợ chồng bà như “chết đứng”. Người trong thôn ai cũng hiểu vợ chồng bà sống chân chất, hay giúp đỡ người khác, nên rất cám cảnh.
“Người ta thông cảm, nhưng mình không thể không xấu hổ, ngại ngùng. Ai đời…”. Người mẹ bảo, hai đứa con trai sau trước nay sống “sạch sẽ” như thế, lại “nhẹ lòng” nghe theo lời rủ rê của thằng anh. Kỳ đã mấy lần vào tù ra tội, sống lang bạt nay đây mai đó, vợ chồng bà chẳng hy vọng. Nhưng Bảo và Cường đều ngoan ngoãn, có nghề nghiệp đàng hoàng. Cả hai đứa đều mới cưới vợ. “Lúc chúng bị bắt vợ đang mang bầu. Chồng ngồi trong nhà giam, vợ một mình sinh con. Khổ chưa! Vốn dĩ vợ chồng tui tính sửa xong nhà bên kia là để đón cháu nội. Con trai mình vô tù cả, đứa con dâu mô cũng phải “gửi” về ngoại chăm sóc lúc sinh nở. Chán chường quá, vợ chồng tui qua bên này sống luôn. Chừ tụi nó ra tòa, con của Cường “cứng” tháng hơn nên vợ nó bồng đến cho chồng được thấy mặt. Sau phiên tòa, vợ chồng tui và con dâu đưa cháu về đây, đợi hết nắng chồng tui mới đưa mẹ con nó về lại bên ngoại. Cha mẹ chồng cũng chỉ biết xin lỗi, an ủi con dâu cố gắng…”.
Nhớ những giọt nước mắt của người cha tù tội rơi ướt má đứa con đỏ hỏn, nhói lòng câu hỏi không biết những ai trót “nhúng chàm” có vì con trẻ, vì người thân để không bao giờ đi lại “vết xe đổ”?
Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Sáng 23/4, Đoàn giám sát Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát liên quan đến chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam”.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Mâu thuẫn vì từ chối "cụng ly" dẫn tới chém nhau

Ngày 23/4, Tòa án Nhân dân tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” đối với Nguyễn Minh Vũ (SN 1985, trú phường Phú Nhuận); Châu Văn An (SN 1991) và Phạm Văn Phước (SN 1997) cùng trú phường An Đông, TP. Huế.

Mâu thuẫn vì từ chối cụng ly dẫn tới chém nhau
Return to top