ClockChủ Nhật, 04/07/2010 16:24

Ánh mắt của rừng

TTH - Khi bước chân vào khoảng xao xác trong khu vườn đầy lá bên sông hôm ấy, tôi chợt nhận ra trong mình đâu đó một ám ảnh dịu dàng. Trong nắng mỏng, hình như có xa hút ánh mắt của rừng. Ánh mắt của gió. Cả điều gì đó như nỗi đau đáu của tháng năm dằng dãi mà mình đã bắt gặp...

Đó là khi ánh mắt Quỳnh Vâng dịu lại nhìn con trai mình vung rìu bên thân gỗ mộc mới bắt đầu tượng hình. Đã lâu lắm rồi, lâu không biết là bao nhiêu năm, già làng của thôn A Hưa ( xã Nhâm - huyện A Lưới) mới cùng bạn mình là Cu Xe và con trai tạc A Mok - thần ngô, thần lúa, thần giữ cửa của người Tà ôi. Đôi tay xù xì bởi năm tháng của ông cần mẫn như đang hồi tưởng bằng nét đẽo. Kiên định, dứt khoát nhưng cũng nâng niu trìu mến. Rồi nắng như lấp lánh trong nụ cười khi già làng bảo với tôi rằng, lâu quá mới được đẽo tượng nên vui lắm. Ở quê ông bây giờ, muốn dựng A Mok trong nhà phải đi thật sâu vào rừng mới có cây gỗ thẳng và tốn nhiều công, nhiều của lắm. Vậy nên, những ngôi nhà sàn ở các bản bây giờ phần lớn đã được thay thế bởi những ngôi nhà xây mất rồi. Tiện thì có tiện đấy nhưng nhớ rừng và nhớ gió nhiều lắm...


Già làng Quỳnh Vâng (đứng) bên những thân gỗ đang được đẽo tượng

Trong cái nhìn xa thẳm màu núi ngước lên hôm ấy, tôi nhận ra bóng núi, bóng rừng và cả những bước chân mải miết cùng những khát khao của cả một đời người. Ánh mắt dầu dãi, xa xăm nhưng ấm áp trong khu vườn xôn xao nắng gió bên bờ sông Hương một sáng nào đã truyền lửa sang cái hăm hở, hào hứng, thành những nhịp rướn khoẻ mạnh, hào hứng mà sảng khoái nơi Quỳnh Nam – con trai ông khi vung rìu...
 
Tượng thần A Mok ấy, tôi vừa gặp lại trên ngôi nhà sàn của Quỳnh Hoàng - vị già làng của thôn Aziênl , xã A Ngo, huyện A Lưới. Trong ngôi nhà nhỏ và có vẻ như hơi đơn lẻ ấy, gần như chẳng có một thứ đồ đạc nào khác ngoài chiếc rìu, mấy con dao nhỏ và đã cũ, mươi chiếc khèn bè giắt trên mái nhà, dăm ba ống sáo, vài chiếc tẩu đang làm dở. Những thanh củi cháy đượm trên bếp lửa hắt khoảng sáng ấm lên gương mặt nghiêm nghị của A Mok trên cây cột giữa nhà. Nhưng Quỳnh Hoàng không phải là người chuyên đẽo tượng, cho dù chỉ vài nét rìu thôi, vị thần ấy đã hiện hữu như một phần không thể thiếu trong nếp nhà sàn bé nhỏ của ông...
 

Già làng Quỳnh Hoàng
 
Nếu không nhắc đến các loại nhạc cụ của người vùng núi, câu chuyện với Quỳnh Hoàng sẽ thiếu đi hơi thở của rừng và vị mặn của muối. Đã trên 80 tuổi từ rất lâu, nghĩa là già làng đã gần 80 năm gắn bó với chiếc khèn bè, đàn Ân toang, Tăng ngát hay chiếc Kâr zoc azon...
 
Già kể, 15 tuổi, già đã thành thạo và đắm đuối với các điệu khèn và tiếng sáo alia. Biết đánh chiêng, đánh trống và biết đánh cả phèng la nữa. Cái bụng biết nói. Cái miệng biết thổi. Cái tay biết mềm mại điều khiển từng nốt nhấn nhá nhưng cái tức thì vẫn cứ còn mãi vì không có tiền để cái đàn, cái sáo, cái khèn ấy là của mình. Rồi cuối cùng, Quỳnh Hoàng cũng có cơ hội để làm chủ một chiếc khèn bè đã cũ. Mừng lắm. Thích lắm nhưng già không dùng để thổi mà mở tung nó ra để xem người ta làm như thế nào mà bắt chước...Vài năm sau nữa thì chàng trai trẻ Quỳnh Hoàng thời bấy giờ đã trở thành người nổi tiếng cả một vùng bởi không chỉ có tiếng khèn hay, tiếng sáo ngọt, múa giỏi mà còn là người có thể đem về các giai điệu của núi rừng từ các thanh gỗ, cây nứa trên rừng. Người ta bảo, đôi tay của Quỳnh Hoàng như đọc được âm thanh từ cây gỗ, cây nứa vậy...
 
Trong bộ quần áo cũ, chiếc khăn quấn đầu cũ và chiếc khăn quàng nơi cổ cũng đã cũ sờn, đôi mắt của già làng thôn Aziênl thật vui và ấm khi nhớ về những ngày đã quá vãng. Khi nhìn già cúi xuống trên cây a lia đang làm dở, khi nhìn già cầm lên chiếc khèn bè đã cũ và thổi tặng người khách trẻ đến từ xa một giai điệu của người Ka tu, tôi như nghe tiếng gọi đại ngàn từ một gốc cổ thụ. Và chìm lấp trong giai điệu, trong mênh mông tiếng của đồi núi, cỏ cây là ánh nhìn xa hút của rừng và của gió ...
 

Điệu khèn gọi về âm vang rừng núi
 
Có một điều gì thao thiết lắm trong giọng nói và trong mắt nhìn của Quỳnh Hoàng khi già bảo, lũ thanh niên bây giờ thích nhưng không biết đàn hay, múa giỏi, cái tay không dẻo như ngày xưa và chúng (lũ trẻ trong mắt già ) chỉ thích hát với cái máy ngoài phố thôi. Cả hai đứa con trai của già cũng vậy, Chúng biết sửa cái máy điện tử nhưng chịu, không thể làm đàn, làm khèn, làm như bố được.
 
Nhưng ánh mắt ấy cũng ấm lên khi bảo, cũng đã có đứa biết thổi hay, biết đàn giỏi và biết bắt cây gỗ, cây nứa trong rừng cất lên tiếng hát. Những đứa như A Ren Đời, như Pi – Kê – Dơ...ở Đội văn nghệ huyện vẫn thường đến đây và chúng làm già vui lắm...Ánh mắt ấy, nỗi vui ấy, hình như tôi cũng đã nhìn thấy ở Quỳnh Vâng lúc chỉ cho con trai mình đẽo tượng.
 
Đeo đẳng tôi trên suốt quãng đường về là điệu khèn như vọng ra từ núi và ngân lên từ trong sâu thẳm tháng năm. Cả lời hát với những âm u..u ..u ...kéo dài trong điệu Cha chấp mà chàng trai Pi- Kê – Dơ gửi vào gió mà tôi đã được nghe hôm nào. Và dường như có một sự đồng điệu trong ánh mắt mà tôi nhận ra không chỉ ở Quỳnh Vâng, Quỳnh Hoàng mà cả ở Pi- Kê – Dơ và Quỳnh Nam, cả chàng trai A Ting Mười từ Nam Đông về Huế đẽo tượng hôm nào...
 
Bài và ảnh: Hạnh Nhi
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Return to top