ClockThứ Tư, 05/04/2017 14:45

Anh-Pháp-Mỹ trình dự thảo nghị quyết lên án tấn công hóa học ở Syria

Dự thảo nghị quyết mà Anh, Pháp, Mỹ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc (LHQ) ngày 4/4 cũng kêu gọi một cuộc điều tra thấu đáo vụ tấn công này.

LHQ: Lượng người tị nạn Syria ở các nước lân cận vượt mốc 5 triệu ngườiThế giới phẫn nộ về vụ tấn công man rợ bằng khí độc tại Syria

Hãng tin AFP cho biết dự thảo nghị quyết kêu gọi Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) nhanh chóng báo cáo những phát hiện của họ trong sứ mệnh tìm kiếm sự thật về vụ tấn công ở thị trấn do lực lượng đối lập kiểm soát ở tỉnh Idlib, làm ít nhất 58 dân thường thiệt mạng, trong đó có cả trẻ em.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc. Ảnh: UN
Lên án và để ngỏ trừng phạt

Dự thảo nghị quyết đã được chuyển tới tất cả 15 thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ ngay trong đêm trước cuộc gặp khẩn mà Anh và Pháp kêu gọi tổ chức để thảo luận về vụ tấn công xảy ra rạng sáng ngày 4/4 ở thị trấn Khan Sheikhun, Syria

Anh, Pháp và Mỹ đang thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu đối với dự thảo nghị quyết này trong cuộc họp hôm nay (5/4, theo giờ Mỹ) tuy nhiên các nhà ngoại giao tại LHQ chưa rõ Nga có ủng hộ dự thảo này hay không.

Dự thảo nghị quyết “lên án việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất”, cụ thể là vụ tấn công ở Khan Sheikhun, đồng thời bày tỏ sự phẫn nộ với việc sử dụng khí độc trong cuộc chiến kéo dài 6 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.

Dự thảo yêu cầu LHQ và OPCW thành lập một tổ điều tra chung để xác định bên nào phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công hóa học ở Syria và nhóm này phải làm việc ngay lập tức để xác định thủ phạm vụ tấn công mới nhất.

Văn bản này kêu gọi Syria phải cung cấp các kế hoạch bay, nhật ký bay và các thông tin khác về hoạt động của quân đội vào ngày xảy ra vụ tấn công.

Chính phủ Syria cũng được yêu cầu cung cấp cho các điều tra viên LHQ tên của tất cả các chỉ huy phi đội máy bay trực thăng và cho phép họ gặp các tướng lĩnh, sỹ quan cấp cao của quân đội trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận yêu cầu.

Syria cần phải cho phép nhóm điều tra của LHQ và OPCW tiếp cận các căn cứ không quân có thể là nơi xuất phát để tiến hành các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.

Dự thảo nghị quyết cũng cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt theo Chương 7 của Hiến chương LHQ.

Sử dụng vũ khí hóa học là tội ác chiến tranh

Anh, Pháp và Mỹ đổ lỗi cho lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad về vụ tấn công sáng 4/4 nhưng quân đội Syria đã bác bỏ mọi cáo buộc.

Theo tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), có ít nhất 11 trẻ em trong số 58 người thiệt mạng và hàng chục dân thường gặp vấn đề về hô hấp cũng như các triệu chứng khác như nôn mửa, ngất xỉu, xùi bọt mép. Phóng viên của AFP tại Khan Sheikhun khẳng định đã nhìn thấy nhiều trẻ em bị khó thở.

“Đây rõ ràng là một tội ác chiến tranh”, Đại sứ Anh tại LHQ Matthew Rycroft nói. “Tôi kêu gọi những thành viên Hội đồng Bảo an từng sử dụng quyền phủ quyết của họ để bảo vệ ‘những người không đáng được bảo vệ’ hãy thay đổi cách nghĩ.”

Hồi tháng 2, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an nhằm trừng phạt những người Syria bị buộc tội đứng đằng sau các vụ tấn công bằng khí Clo năm 2014 và 2015.

Một cuộc điều tra do LHQ dẫn đầu tháng 10 vừa qua đưa ra kết luận rằng, lực lượng không quân Syria đã thả những quả bom thùng chứa Clo từ máy bay trực thăng xuống 3 ngôi làng do lực lượng đối lập kiểm soát vào năm 2014 và 2015.

Hội đồng Bảo an hôm nay (5/4) sẽ nghe Virginia Gamba, trưởng phái đoàn điều tra của LHQ, và ông Kim Won-soo, Đại diện cấp cao của LHQ về các vấn đề giải trừ quân bị tường trình chi tiết về vụ tấn công, bao gồm việc liệu khí độc chết người Sarin có được sử dụng hay không.

“Thủ phạm phải chịu trách nhiệm. Chúng ta cần phải giải quyết vấn đề này ở Hội đồng Bảo an càng sớm càng tốt”, Phó Đại sứ Pháp tại LHQ Alexis Lamek nhấn mạnh./.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển khai luật, nghị quyết phù hợp với thực tiễn của địa phương

Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 9 luật và 11 nghị quyết, quy định những nội dung rất quan trọng. Để gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả thì việc đưa luật vào cuộc sống đóng vai trò quan trọng. Xung quanh vấn đề này, Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu.

Triển khai luật, nghị quyết phù hợp với thực tiễn của địa phương

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top