Thế giới

Anh tung gói cải cách trị giá hàng tỷ bảng để thúc đẩy lực lượng lao động

ClockThứ Năm, 16/03/2023 11:01
TTH.VN - Hôm qua (15/3), Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt đã tung ra gói cải cách trị giá hàng tỷ bảng Anh nhằm thu hút người dân trở lại làm việc bằng cách mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ em, cải cách lương hưu và đại tu hệ thống phúc lợi, tin từ Reuters cho biết.

Châu Á - Thái Bình Dương: Dân số suy giảm ảnh hưởng đến nguồn cung lao độngLãnh đạo nước Anh kiên định với kế hoạch tăng thuế, cam kết cải cách hậu Brexit

leftcenterrightdel
Anh đưa ra nhiều cải cách để thu hút người dân đi làm trở lại, khắc phục sự thiếu hụt lao động. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN 

Lực lượng lao động cạn kiệt - là kết quả của sự kết hợp nhiều yếu tố bao gồm tỷ lệ nghỉ hưu sớm tăng, dịch bệnh kéo dài và xu hướng di cư, đồng nghĩa rằng sự phục hồi của thị trường lao động sau COVID của Anh đang chậm lại so với các nước khác trên thế giới.

Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Anh lo ngại thị trường việc làm thắt chặt sẽ thúc đẩy lạm phát và kìm hãm tăng trưởng của nền kinh tế vốn đang trì trệ của nước này.

Trong một nỗ lực nhằm tăng quy mô lực lượng lao động thông qua việc giảm thiểu những người lao động lớn tuổi - chủ yếu là bác sĩ - nghỉ hưu sớm để tránh thuế lương hưu, Bộ trưởng Hunt đã công bố một quyết định bất ngờ là loại bỏ mức giới hạn 1,1 triệu bảng Anh (1,32 triệu USD) đối với quỹ lương hưu miễn thuế mà một cá nhân có thể tích lũy. Đồng thời, số tiền mà người lao động có thể tiết kiệm miễn thuế mỗi năm trong quỹ lương hưu của mình cũng được tăng lên thành 60.000 bảng Anh.

Thừa nhận rằng chi phí chăm sóc trẻ em - ở mức cao so với chuẩn quốc tế - đang kìm hãm nền kinh tế, Bộ trưởng Hunt với nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng, đã tuyên bố mở rộng dịch vụ chăm sóc trẻ em miễn phí cho trẻ dưới 2 tuổi ở Anh như một cách để thu hút thêm nhiều cha mẹ có con nhỏ đi làm. Theo đó, các bậc phụ huynh đang đi làm có con trên 9 tháng tuổi sẽ được hưởng 30 giờ chăm sóc trẻ miễn phí mỗi tuần cho đến tháng 9/2025, mở rộng chương trình hiện tại vốn chỉ đang áp dụng cho trẻ 3-4 tuổi.

Gọi đây là “sự thay đổi lớn nhất đối với hệ thống phúc lợi của đất nước trong một thập kỷ”, Bộ trưởng Hunt cũng khẳng định những người xin trợ cấp tàn tật sẽ có thể tìm việc làm mà không mất khoản hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, những người xin trợ cấp vốn có thể làm việc nhưng lại chọn không làm việc sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn, ông nói.

Tổng hợp lại, chi phí cho các cải cách lương hưu, phúc lợi và chăm sóc trẻ em sẽ tăng từ 1 tỷ bảng Anh cho năm 2023-2024 lên 7,1 tỷ bảng Anh vào năm 2027-2028, trong đó dịch vụ chăm sóc trẻ em chiếm phần lớn trên tổng số, theo Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR).

Ngoài ra, Chính phủ Anh cho biết để giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động, chính phủ sẽ mở rộng chương trình cung cấp thị thực kinh doanh của Anh và đưa thêm 5 ngành nghề thuộc lĩnh vực xây dựng vào danh sách thiếu hụt lao động, để từ đó giúp các doanh nghiệp dễ dàng thu hút công nhân nước ngoài hơn.

Tuy nhiên, các nhà dự báo độc lập tại OBR cho rằng thật khó để đánh giá tác động của những nỗ lực của Bộ trưởng Hunt nhằm thu hút nhiều lao động hơn vào thị trường việc làm và cơ quan này cảnh báo tỷ lệ người có việc làm hoặc đang tìm kiếm việc làm có thể đạt mức thấp nhất trong 23 năm vào năm 2024, trước khi tăng trở lại sau đó.

Tránh suy thoái

Cũng trong bài phát biểu về ngân sách trước Quốc hội ngày 15/3, Bộ trưởng Hunt cũng cho biết nền kinh tế Anh được thiết lập để tránh suy thoái vào năm 2023, dù vẫn sẽ suy giảm trong năm nay.

Theo một loạt dự báo mới, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này sẽ giảm 0,2% trong năm 2023 thay vì giảm 1,4% như dự báo hồi tháng 11 của OBR. 

Cũng từ tháng 11 năm ngoái, chi phí năng lượng - vốn tăng vọt sau cuộc xung đột Ukraine - đã giảm xuống và có dấu hiệu phục hồi trong một số dữ liệu kinh tế.

OBR dự báo rằng sản lượng kinh tế của Anh sẽ tăng 1,8% vào năm 2024 và 2,5% vào năm 2025, có chút thay đổi so với các dự báo trước đó về mức tăng trưởng lần lượt là 1,3% và 2,6%. Cũng theo OBR, do các yếu tố quốc tế đang thay đổi và các biện pháp được thực hiện, “Vương quốc Anh sẽ không bước vào suy thoái kỹ thuật trong năm nay”, Bộ trưởng Hunt nói.

Sau cú sốc Brexit, tác động nặng nề của COVID-19 và lạm phát hai con số, Anh là nền kinh tế duy nhất trong Nhóm G7 chưa phục hồi quy mô trước đại dịch, vốn trước đó đã trải qua một thập kỷ tăng trưởng thu nhập gần như trì trệ.

“Mặc dù tình hình bất ổn toàn cầu tiếp tục diễn ra, báo cáo của OBR hôm nay cho thấy lạm phát ở Anh sẽ giảm từ 10,7% trong quý IV năm ngoái xuống còn 2,9% vào cuối năm nay”, ông Hunt cho biết, và nói thêm rằng lạm phát sẽ duy trì ở mức dưới 1% trong 3 năm tới.

Được biết, mục tiêu của Bộ trưởng Hunt là giảm nợ công của Anh - hiện ở mức khoảng 2.500 tỷ bảng - xuống theo tỷ lệ GDP trong thời gian 5 năm.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Reuters)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo đột phá trong cải cách chính sách bảo hiểm

Sau hơn 5 năm triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (gọi tắt là Nghị quyết 28), vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp cũng như nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) ngày càng nâng cao, góp phần gia tăng số người tự nguyện tham gia các loại hình bảo hiểm.

Tạo đột phá trong cải cách chính sách bảo hiểm
Philippines: Lạm phát giá gạo đạt mức cao nhất kể từ năm 2009

Giá gạo tại Philippines đã tiếp tục tăng trong tháng 1 vừa qua bất chấp lạm phát tổng thể chậm lại, trong bối cảnh hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino và lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ được dự báo sẽ làm xu hướng này trầm trọng hơn trong những tháng tới.

Philippines Lạm phát giá gạo đạt mức cao nhất kể từ năm 2009
OECD nâng dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024

Nền kinh tế toàn cầu năm nay đang trên đà phát triển tốt hơn so với cách đây chỉ cách đây vài tháng nhờ triển vọng lạc quan đối với kinh tế Mỹ, bù đắp cho sự suy yếu của khu vực đồng euro, dự báo mới nhất ngày 5/2 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết. Tuy nhiên, tổ chức này cũng cảnh báo rằng cuộc xung đột ở Trung Đông đang gây ra mối đe dọa cho tăng trưởng toàn cầu vì sự gián đoạn vận chuyển trên Biển Đỏ có thể làm tăng giá tiêu dùng.

OECD nâng dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024
Return to top