ClockThứ Hai, 30/01/2017 05:41

Áo dài nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt

TTH - Cuối thế kỷ 16, vua Lê cử Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận - Quảng, kiến tạo con đường nam tiến mạnh mẽ, nhanh chóng cho dân tộc.

Người Việt tiếp thu và giao lưu với văn hóa mới nên về tín ngưỡng, phong tục, ăn mặc đa dạng, phong phú, mới lạ hơn. Trong sách “Hải ngoại ký sự”, Hòa thượng Thạch Liêm được Minh vương Nguyễn Phước Chu mời sang Thuận Hóa năm 1695 có mô tả: “Quốc vương ngồi trên kiệu luy điền, quân khiêng kiệu gồm 16 người cao lớn, xõa tóc, mình trần. Chỉ có một vuông vải che phía trước rồi quấn lại cột chéo ra sau lưng...”, điều này cho biết tục mình trần đóng khố trong sinh hoạt vẫn còn duy trì ở Nam Hà.(1)

Trang phục trong phủ chúa Nguyễn - Tranh do họa sĩ Nhật Bản vẽ.TK 18

Đến đời Võ vương Nguyễn Phước Hoạt (1739- 1765), ở Thuận Hóa lan truyền câu sấm “bát đại hoàn Trung đô” (đời thứ 8 thì trở về với Thăng Long). Nhà Chúa muốn thay đổi vận mệnh nên quyết định chính thức lên ngôi vương, xây dựng đô thành Phú Xuân, hạ lệnh đổi mới phong tục, y phục toàn cõi Nam Hà; bắt buộc dân chúng nam nữ đều phải dùng kiểu áo năm thân cổ dựng, cài khuy bên phải cùng với quần hai ống, trên đầu để tóc búi. Từ đây, áo bốn thân, váy, tóc vấn không còn xuất hiện ở phương Nam. Cuộc cải cách triệt để này kéo dài cho đến ngày cơ nghiệp chúa Nguyễn sụp đổ (1774) để lại dấu ấn quan trọng cho đời sau.

Năm 1775, Lê Quý Đôn được triều đình Lê - Trịnh cử vào làm Hiệp trấn Thuận Hóa. Ông ghi nhận cuộc sống sung túc của cư dân địa phương, trong đó ghi nhận về phần y phục như sau: “...Quần áo may bằng các thứ gấm vóc, lụa là, chiếu đệm đan bằng mây hoa, cuộc sống rất phong lưu, phú quý, đua đòi hưởng thụ, khoe khoang,... Những người giàu có ngoài dân gian cũng bắt chước mặc các thứ hàng sa, đoạn, lương, địa hằng ngày, lấy việc dùng áo vải làm hổ thẹn với người chung quanh. Đàn bà, con gái đều dùng hàng tơ lụa, cổ áo thêu hoa, coi bạc vàng như cát, lúa thóc như bùn, xa xỉ thật là quá đáng”.(2)

Sau khi xem xét thấy rõ điều kiện sinh hoạt ở địa phương, quan Hiệp trấn Lê Quý Đôn liền ra hiểu thị: “Địa phương này (Thuận Hóa - Huế) trước kia cũng tuân theo quốc tục trong việc ăn mặc. Ngày nay nhờ ơn đức Chúa thượng (Trịnh Sâm) đã dẹp yên được chốn biên phương, trong ngoài đã hợp đồng với nhau thì chính trị và phong tục cũng phải được thống nhất. Vậy những người nào vẫn còn bận thường phục theo kiểu áo quần đổi mới (thời Chúa Nguyễn) thì phải thay đổi theo truyền thống, phong tục nước ta. Muốn cải cách thay đổi cứ phải y theo thể chế nước nhà mà làm (tức theo kiểu mẫu ở Bắc Hà). Vậy từ nay, y phục phải đổi theo quốc tục thì quần áo nên may bằng vải lụa thông thường. Chỉ những quan chức mới được dùng thêm hàng sa, là, trừu, đoạn mà thôi. Những loại hàng gấm, vóc cùng những hàng màu dệt thêu rồng phượng thì nhất luật không được theo thói tiếm dùng mặc thường như trước. Từ nay trở đi, đàn ông, đàn bà chỉ được mặc thứ áo ngắn tay, cổ thẳng còn cửa ống tay áo rộng hay hẹp thì được tùy tiện. Áo thì từ hai bên nách trở xuống phải được khâu liền vào cho kín không được để hở hang. Duy đàn ông có muốn mặc thứ áo cổ tròn và cửa ống tay hẹp để làm việc cho thuận tiện cũng được phép. Còn áo làm lễ thì phải dùng thứ áo cổ thẳng và ống tay dài (giao lĩnh). Dùng vải màu xanh hay màu đen, hoặc màu trắng thì tùy tiện. Còn những cấp bậc nào thì được dùng các thứ áo viền cổ, áo kép đều phải tuân theo những điều đã hiểu thị tại năm trước mà chế dùng.”(3)

Triều đình Bắc Hà, cai trị Thuận Hóa được 12 năm (1775-1786). Năm 1786, Nguyễn Huệ đem quân Tây Sơn ra giải phóng Phú Xuân và tiếp theo ra Thăng Long lật đổ triều đình Lê-Trịnh. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế tại Phú Xuân. Phú Xuân trở thành kinh đô nước Đại Việt dưới hai triều Quang Trung (1788-1792) và Quang Toản (1793-1801). Về y phục của Nhân dân, vua Quang Trung trong chiếu lên ngôi cho phép: “y phục dân gian Nam Hà, Bắc Hà đều theo phong tục của mỗi miền. Chỉ có áo, mũ vào chầu của các quan thì tuyệt đối phải tuân theo chế độ mới”.

Phụ nữ Hà Thành mặc y phục theo kiểu mẫu kinh đô Huế (Ăn Bắc mặc Kinh)

Năm 1802, chúa Nguyễn Phước Ánh thống nhất đất nước lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Gia Long, chọn Phú Xuân làm kinh đô của nước Việt Nam. Nhà vua họp bàn với đình thần về phong tục và dụ rằng: “Dân Nam Hà vốn thói tằn tiện, từ thời Tây Sơn quen thói xa xỉ, tiêu dùng không có tiết độ, nhiều người bắt chước, hư tệ từ đó sinh ra. Dân Bắc Hà thì kiểu quần áo không đẹp. Phải nên một phen sửa định mới có thể thống nhất phong tục. Nhưng sửa đổi phong tục cũng phải dần dần.”(4)

Qua triều Minh Mạng (1820 - 1840), vua theo lời tâu xin của sĩ, dân Bắc Hà, cuối năm 1828, ban lệnh từ sông Gianh trở ra Bắc kể từ mùa xuân sang năm phải đồng loạt thay đổi y phục theo như kiểu thức của dân chúng từ sông Gianh trở về Nam. Từ thời điểm này áo dài năm thân cổ đứng chít 5 khuy bên phải kết hợp với quần hai ống được chính thức công nhận là quốc phục của nước Việt Nam, phổ biến từ trong cung đình ra dân gian.

Phép vua là vậy, song lòng dân Bắc Hà “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, họ mỉa mai bằng câu ca dao:

“Chiếu vua Minh Mạng ban ra

Cấm quần không đáy người ta hãi hùng...”

Không chỉ các cô, các bà phản ứng vì mất tự do tung tẩy với chiếc áo tứ thân và cái váy sồi, váy đụp truyền đời, trong cái nôi của dân tộc Việt. Ngay cả nam giới dù nho sĩ hay nông dân cũng bị tổn thương buồn giận! Cái váy đã để lại ấn tượng sâu đậm, êm đềm từ thời thơ ấu theo bà theo mẹ ra chợ, đi hội chùa.

Qua thế kỷ 20, trào lưu tân học càng ngày càng lan rộng khiến đời sống xã hội thay đổi nhanh chóng. Thanh niên nam nữ thành thị không chấp nhận gò bó theo khuôn vàng thước ngọc của hệ tư tưởng Khổng - Mạnh nữa. Họ đòi hỏi tự do cá nhân, bình đẳng giới tính, bình đẳng giai cấp. Phụ nữ có điều kiện ra khỏi mái nhà tham gia hoạt động xã hội như nam giới. Họ khát khao được tôn vinh nhan sắc, phô diễn đường nét hấp dẫn của cơ thể. Khăn vấn, tóc búi, áo năm thân, quần ống sớ dần dần trở thành lạc điệu với nếp sống mới giữa thị thành.

Gia đình Tổng đốc Hoàng Trọng Phu

Vào thập niên 1930 tại Hà Nội, thủ phủ của xứ Đông Dương, hai họa sĩ tài hoa Cát Tường (1930), Lê Phổ (1934) tiếp thu một vài chi tiết của trang phục phụ nữ phương Tây sáng tạo ra kiểu áo dài cách tân nhằm đáp ứng thị hiếu lãng mạn đương thời.

Sau cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chế độ chính trị thay đổi từ đó áo dài cũng nổi chìm theo vận nước. Từ năm 1955 đến năm 1975, miền Bắc nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, thống nhất đất nước, cuộc sống phải tiết kiệm tối đa nên áo dài mất bóng trong sinh hoạt đời thường. Miền Nam, áo dài vẫn phát triển mạnh mẽ, linh động, cách tân kiểu dáng phục vụ nhu cầu sử dụng của nữ giới. Mùa hè năm 1975, đất nước thống nhất, do điều kiện kinh tế quá khó khăn, áo dài được cho là lạc hậu, lỗi thời không phù hợp văn hoá mới, nên không còn tung bay, tha thướt trong sinh hoạt xã hội.

Từ ngày Nhà nước chủ trương đổi mới, mở cửa giao lưu rộng rãi với quốc tế, cổ súy bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhờ vậy, áo dài có cơ hội phục sinh mạnh mẽ. Các nhà thiết kế thời trang, tạo mẫu, các nghệ nhân nghề đem hết tâm tình, cảm hứng, sáng tác tổ chức trình diễn nhiều bộ sưu tập áo dài muôn màu muôn vẻ. Chính những điều kiện thuận lợi này, giai nhân Việt Nam đăng quang với áo dài hết sức thẩm mỹ, sang trọng trên các sàn thời trang ở trong nước cũng như ở nước ngoài.

Áo dài được khai sinh trong cái nôi văn hóa Phú Xuân-Huế cách nay gần 400 năm, sau bao nỗi thăng trầm, nay bình tâm suy nghiệm lại, chúng ta thấy ÁO DÀI xứng đáng là nét đẹp văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Sách tham khảo:

(1) Hải ngoại kỷ sự - Thích Đại Sán.Bản dịch :Trần Kinh Hoà –VĐH Huế, 1963.

(2) (3) Phủ Biên Tạp Lục- Lê Quý Đôn. Bản dịch: Lê Xuân Giáo-Phủ QVKĐTVH,Sài gòn 1972.

(4) (5) Đại Nam thực lục chính biên,đệ I - đệ II kỷ Quốc sử quán triều Nguyễn.Bản dịch:Viện sử học Hà Nội-NXB Giáo dục 2007

Trần Đình Sơn - Ảnh: Tư liệu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cội nguồn đoàn kết dân tộc

Hằng năm, cứ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 âm lịch, người Việt dù ở nơi đâu cũng tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hướng về cội nguồn, bởi từ bao đời nay, trong tâm thức của "con Lạc cháu Hồng", Hùng Vương là vị Vua thủy tổ dựng nước, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Cội nguồn đoàn kết dân tộc
“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Áo dài Huế, một nét rất riêng

“Áo dài trở thành một nét văn hóa của phụ nữ Việt Nam nói chung. Với phụ nữ Huế nói riêng, áo dài là niềm tự hào, bởi áo dài Huế đã là một thương hiệu được “đóng đinh” trong lòng mọi người. Để áo dài được thăng hoa, tôn vinh thì sự lan tỏa, quảng bá của chị em, của hội viên phụ nữ trên toàn tỉnh là điều hết sức cần thiết. Hình ảnh người phụ nữ Huế trong chiếc áo dài truyền thống chính là một nét đẹp, một nét văn hóa rất riêng của Huế”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ tại buổi gặp mặt phụ nữ Thừa Thiên Huế nhân dịp kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Áo dài Huế, một nét rất riêng
Người miền núi làm nông nghiệp tuần hoàn

Từ khi biết làm nông nghiệp, chuyện nuôi lợn, bò, trồng lúa nước… không còn là chuyện lạ đối với nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới. Nhưng làm nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn là một tầm cao mới mà người đồng bào thiểu số nơi đây đã làm được là “chuyện lạ có thật”.

Người miền núi làm nông nghiệp tuần hoàn

TIN MỚI

Return to top