ClockThứ Bảy, 01/04/2017 14:10

Áo dài “se duyên” cùng hội họa

TTH - Lấy ý tưởng nhân kỷ niệm 100 năm Trường Đồng Khánh (Hai Bà Trưng) và tôn vinh tinh hoa của hội họa Huế, trong lễ hội áo dài của Festival Nghề truyền thống Huế 2017, lần đầu tiên sẽ có sự kết hợp giữa thời trang và hội họa, hứa hẹn đem lại góc nhìn mới lạ, ấn tượng cho công chúng.

Hoa hậu - NTK Ngọc Hân trao đổi với Họa sĩ Phạm Trinh về Bộ sưu tập áo dài Ảnh: Quang Phong

Tranh trên áo dài

Với Nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh, người gắn bó với Huế qua 8 kỳ lễ hội áo dài trong các chương trình Festival Huế, cứ sau mỗi “mùa” kết thúc, bà lại đau đáu về những ý tưởng để tôn vinh nét đẹp truyền thống của người con gái Huế nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung. Bà cho rằng, Huế không còn “độc quyền” khi mà giờ đây khắp nơi đua nhau tổ chức lễ hội áo dài. Thế nhưng cốt lõi mà các nơi khác không có được chính là không gian biểu diễn trên nền các công trình kiến trúc cổ kính, rêu phong, trên cây cầu Trường Tiền bắc qua dòng Hương thơ mộng…

Chất lượng của mỗi chương trình lễ hội áo dài không chỉ từ sự xuất hiện của những người mẫu nổi tiếng mà gắn liền với đó là những bộ sưu tập phải chuyển tải được thông điệp gì đến với người xem. Đó cũng là lý do khi NTK Minh Hạnh có ý tưởng táo bạo để thời trang áo dài “se duyên” cùng hội họa mà theo bà, cả hai sẽ cùng nâng tầm và tôn vinh cho nhau.

Để thực hiện được ý tưởng này, NTK Minh Hạnh đã lên một danh sách những họa sĩ tài danh, được giới trong nghề đánh giá cao bởi tài năng, tấm lòng và thật sự có chỗ đứng trong nền hội họa nước nhà như Bửu Chỉ, Đinh Cường, Tôn Thất Đào… Thật ra, không chỉ đến Festival Nghề lần này mới có ý tưởng đưa hội họa lên thời trang áo dài, trước đó NTK Minh Hạnh đã có bộ sưu tập áo dài kết hợp với tranh của của họa sĩ Bùi Xuân Phái, gây tiếng vang rất lớn trong và ngoài nước. Và đó là tiền đề quan trọng, là cơ sở để tin tưởng ý tưởng này sẽ là một sự tiếp nối thành công với phạm vi rộng hơn, quy mô hơn.

Trong lễ hội thời trang áo dài

Festival Nghề truyền thống Huế 2017 sắp tới, 16 NTK thời trang sẽ cùng nhau thiết kế trang phục áo dài dựa trên ý tưởng các tác phẩm hội họa của 18 họa sĩ, cố họa sĩ nổi danh xứ Huế. Bằng tất cả niềm đam mê, tình cảm, sự trân trọng trước những tài năng của các họa sĩ, những NTK tỏ ra háo hức khi được bắt tay thực hiện ý tưởng độc đáo này. Nhiều NKT ở xa như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… đã cất công đi - về với Huế, tìm đến tận nhà các họa sĩ, cố họa sĩ để cùng trao đổi, tìm ra tiếng nói chung trong việc làm thế nào để đưa những gì tinh túy, thể hiện rõ nét tinh thần hội họa của họa sĩ lên những bộ áo dài, cũng như bỏ nhiều thời gian cho việc gia công các chất liệu vải để xứng tầm với giá trị của các tác phẩm hội họa.

Sáng tạo để cống hiến

Qua trò chuyện, người thân của các cố họa sĩ nổi danh như Bửu Chỉ, Tôn Thất Đào tỏ ra xúc động khi nhận được sự quan tâm của các NTK cũng như Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2017. “Thật vui khi mọi người còn nhớ về ba tôi, nhớ về những tác phẩm từng tạo nên danh tiếng cho ba tôi. Gia đình tôi sẽ ủng hộ, giúp đỡ các NTK hết sức có thể” – bà Trần Thị Liên Phương, con dâu trưởng cố họa sĩ Tôn Thất Đào nói như vậy khi lật giở từng bức ảnh chụp lại các tác phẩm của người họa sĩ tài danh, hiệu trưởng đầu tiên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế. Bà Phương kể rằng, bên cạnh những tác phẩm còn lại được gia đình gìn giữ, trải qua biến thiên thời gian, đến nay nhiều tác phẩm của cố họa sĩ Tôn Thất Đào lưu lạc nhiều nơi nhưng gần như đều được chụp và lưu lại trong một cuốn album. “Không biết họ sẽ chọn bức tranh nào để thể hiện lên trên áo dài nhưng tôi tin, mọi người khi xem sẽ thấy được sự kết hợp tuyệt vời giữa áo dài với tranh của ba tôi”.

Với bà Trần Thị Tường Vy - vợ cố họa sĩ Bửu Chỉ - đây cũng là vinh dự khi được mọi người nhớ về người chồng của mình, phần nữa muốn góp một phần để lễ hội áo dài trong đợt Festival nghề sẽ tạo nên điểm nhấn, lôi cuốn được người xem. Gần như bà Vy đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của NTK, để họ chụp hình tất cả các bức tranh. “Tùy từng NTK, từ một vài tác phẩm của chồng tôi họ sẽ lấy một số họa tiết để tô điểm cho từng chiếc áo dài, làm sao đó để khi trình diễn tạo nên điểm nhấn, phong cách riêng của NTK lẫn họa sĩ”, bà Vy cho hay. Còn họa sĩ Lê Văn Nhường – người cũng được chọn tranh phục vụ cho việc thiết kế áo dài lần này cũng đồng tình việc các NTK hoàn toàn có thể mặc sức sáng tạo để phù hợp với nguyên tắc của thiết kế thời trang, chứ không nhất thiết phải bê nguyên xi tác phẩm hội họa vào áo dài. “Miễn sao thể hiện được tinh thần của người họa sĩ gửi gắm trong tác phẩm”, họa sĩ Lê Văn Nhường chia sẻ.

Hoa hậu – NTK Ngọc Hân, một người “quen” của các kỳ Festival ở Huế kể rằng, khi bắt tay thực hiện bộ sưu tập này, cô háo hức đến độ ngay lập tức liên hệ với họa sĩ Phạm Trinh để xin tiếp cận các tác phẩm và tìm hiểu về đời sống nghệ thuật cũng như phong cách sáng tác của họa sĩ. Bên cạnh đó, Ngọc Hân đã tìm chất liệu thể hiện và phác thảo các mẫu thiết kế. Đến khi có cuộc gặp gỡ chính thức với họa sĩ ở Huế, cô đã khoác trên mình một bộ áo dài lấy ý tưởng từ tranh của họa sĩ Phạm Trinh để giới thiệu với mọi người. “Mình còn rất nhiều ý tưởng cho bộ sưu tập sắp tới, như thiết kế áo dài cho cả những em nhỏ, những phụ kiện như túi xách, khăn, mũ… để chương trình thêm sinh động”, Ngọc Hân hồ hởi.

NTK Minh Hạnh, Tổng đạo diễn các chương trình Festival Nghề truyền thống Huế cho biết, dòng chảy mỹ thuật Huế đang lưu chuyển, các NTK đều mong muốn thể hiện và tìm kiếm cái độc đáo trong sáng tạo để cống hiến cho mỹ thuật đất nước nói chung và Huế nói riêng. Để giới thiệu văn hóa Huế, trong đó có một phần tinh túy là hội họa, các nhà thiết kế sẽ làm hết mình trên tinh thần tôn trọng các tác giả, ví như trên mỗi tác phẩm phải có chữ ký của họa sĩ và tôn trọng bản quyền của các họa sĩ. Riêng cá nhân NTK Minh Hạnh, với tình cảm gắn bó đặc biệt, đã nhận thiết kế 3 bộ sưu tập áo dài từ tranh của 3 cố họa sĩ Bửu Chỉ, Đinh Cường và Lê Bá Đảng.

Phong Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Áo dài Huế, một nét rất riêng

“Áo dài trở thành một nét văn hóa của phụ nữ Việt Nam nói chung. Với phụ nữ Huế nói riêng, áo dài là niềm tự hào, bởi áo dài Huế đã là một thương hiệu được “đóng đinh” trong lòng mọi người. Để áo dài được thăng hoa, tôn vinh thì sự lan tỏa, quảng bá của chị em, của hội viên phụ nữ trên toàn tỉnh là điều hết sức cần thiết. Hình ảnh người phụ nữ Huế trong chiếc áo dài truyền thống chính là một nét đẹp, một nét văn hóa rất riêng của Huế”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ tại buổi gặp mặt phụ nữ Thừa Thiên Huế nhân dịp kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Áo dài Huế, một nét rất riêng
Tìm lại mình trong chiếc áo dài

Tuổi thơ tôi in đậm hình bóng mạ khi người vuốt lại áo dài cho phẳng phiu để đi ra ngoài. Thời ấy, với các loại vải nội hóa vừa với túi tiền, mạ tôi may mấy cái áo dài màu khói hương, da chai, mỡ gà, tím sim, phin vải trắng… Hễ ra khỏi nhà là mạ lại mặc áo dài tùy vào công việc.

Tìm lại mình trong chiếc áo dài

TIN MỚI

Return to top